Dòng tiền mất hút, VN-Index lình xình trong biên độ hẹp

VN-Index kịp đóng cửa trong sắc xanh. Dù chỉ tăng nhẹ, chứng khoán Việt Nam nằm trong số ít thị trường hồi phục trong phiên 20/4.

Giao dịch dè dặt, thanh khoản thị trường tụt sâu

Thận trọng là điều dễ thấy trong giao dịch phiên ngày 20/4. Giao dịch trầm lắng trong phiên sáng. Lực cầu về cuối phiên đã giúp cho VN Index đảo chiều lấy lại được sắc xanh khi quay lại vượt nhẹ mốc tham chiếu. Tuy nhiên, tính chung trong ngày, chỉ có chưa đến 475 triệu đơn vị “sang tay” trên cả ba sàn với giá trị giao dịch đạt 8.113 tỷ đồng.

Cổ phiếu DIG được giao dịch nhiều nhất cũng chỉ đạt mức thanh khoản 245 tỷ đồng. Một số cổ phiếu tài chính khác gồm VPB, SHB, STB, SSI cũng được giao dịch trên 200 tỷ đồng.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng giao dịch rất hạn chế. Trên sàn HoSE, nhóm này chỉ mua vào 556 tỷ đồng, trong khi bán ra 503 tỷ đồng. Giá trị mua ròng hơn 50 tỷ đồng. Trên cả ba sàn, khối ngoại cũng chỉ mua ròng khoảng 50 tỷ đồng. Ở chiều mua vào, hai cổ phiếu được các nhà đầu tư ngoại mua vào nhiều nhất là STB (35 tỷ đồng), HPG (32 tỷ đồng). GMD bị nhóm này bán ròng nhiều nhất (gần 22 tỷ đồng). Cổ phiếu của Gemadept đang tiến gần mốc cao nhất kể từ tháng 6/2022.

Cả ba chỉ số chứng khoán đều giao dịch “lình xình” quanh mốc tham chiếu. Tốc độ giao dịch chậm cùng việc thanh khoản sụt giảm mạnh cho thấy nhà đầu tư vẫn đang rất thận trọng sau khi VN-Index thủng mốc 1.050 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,27 điểm (+0,03%), lên 1.049,25 điểm. HNX-Index tăng 0,76 điểm (+0,37%), lên 206,61 điểm. UpCoM-Index giảm 0,26 điểm (-0,33%), xuống 77,85 điểm.

Dù tăng nhẹ, chứng khoán Việt Nam nằm trong số ít thị trường hồi phục trong phiên 20/4. Các sàn chứng khoán châu Á phần lớn đều đóng cửa trong sắc đỏ nhưng mức giảm không quá lớn.

Cổ phiếu VPB giảm phiên thứ 7 liên tiếp, nhóm thủy sản giao dịch tích cực

Nguyên nhân chính kéo lùi VN-Index trong phiên hôm nay là VPB. Cổ phiếu của nhà băng này đã giảm 1,78%. Đây cũng đã là phiên giảm thứ 7 liên tiếp. Vốn hóa VPBank hiện là 129.900 tỷ đồng, co hẹp khoảng cách với Hòa Phát – doanh nghiệp đang đứng thứ 10 về vốn hóa thị trường trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Các thông tin từ cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 18/4 chưa thể tiếp thêm động lực để cổ phiếu này phục hồi.

Tại Đại hội, VPBank đã đưa ra kế hoạch chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10%, thực hiện vào khoảng quý II - III/2023 sau nhiều năm chỉ trả cổ tức bằng cổ phiếu. Trước đó, vào cuối tháng 3, VPBank đã đạt được thỏa thuận phát hành riêng lẻ 1,19 tỷ cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản - Sumitomo Mitsui Banking Corporation với giá 30.159 đồng/cổ phiếu.

Trong khi VPB cùng một số cổ phiếu nhà băng khác như VCB, TCB, ACB, EIB… đóng cửa trong sắc đỏ và nằm trong top 10 cổ phiếu tiêu cực đến VN-Index, nhiều cổ phiếu vẫn kịp hồi phục. BID tăng 0,45% và là cổ phiếu đóng góp điểm tăng nhiều thứ hai cho chỉ số chung.

Nhóm bất động sản giao dịch khá tích cực. Một số cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tăng kịch biên độ như NTL, NDN… VHM tăng 0,6% và là đầu tàu kéo chỉ số lấy lại sắc xanh.

Một số nhóm cổ phiếu đóng cửa tăng giá trên diện rộng như dòng bảo hiểm, thủy sản… Cổ phiếu của doanh nghiệp tôm Fimex tăng khá trong một tháng gần đây với mức tăng gần 23%.

Tùng Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dong-tien-mat-hut-vn-index-linh-xinh-trong-bien-do-hep-d188123.html