Dòng tiền tiết kiệm tìm hướng đầu tư mới?
Lãi suất huy động xuống mức thấp lịch sử nên tiền nhàn rỗi gửi ở kênh ngân hàng bắt đầu có dấu giảm dần. Liệu dòng tiền có xu hướng chảy sang các kênh đầu tư sinh lợi tốt hơn như chứng khoán, vàng hay bất động sản?
Theo các chuyên gia, với mức lãi suất đang “ở đáy” hiện nay đối với tiền gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn, khách hàng hầu như không có lãi khi tính đến yếu tố lạm phát, thậm chí không được hưởng lãi suất thực dương.
Tiền gửi ngân hàng có dấu hiệu hạ nhiệt
Dữ liệu của Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng cho thấy, từ trung tuần tháng 8/2023 đến cuối tháng 3/2024, lãi suất huy động tiền gửi trung bình các ngân hàng thương mại trong nước liên tục giảm.
Lãi suất huy động trung bình ở các kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng tại ngày 29/3/2024 lần lượt là 2,39%, 2,64%, 3,68% và 4,55% - thấp hơn từ 1,64 - 2,12 điểm phần trăm so với giữa tháng 8/2023.
Lãi suất tiền gửi liên tục giảm trong suốt thời gian qua, xuống mức thấp lịch sử khiến lượng tiền gửi vào hệ thống có dấu hiệu suy giảm. Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, tính đến 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023. Cùng với đó, nhiều tín hiệu cũng cho thấy thanh khoản ngân hàng bớt dồi dào, đó là lãi suất huy động tại một số ngân hàng điều chỉnh tăng.
Cụ thể, 2 tuần giao dịch cuối cùng của tháng 3 xuất hiện một diễn biến đáng chú ý trên thị trường huy động vốn khi có thêm nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động như: VPBank, Eximbank, SHB, Saigonbank…
Động thái tăng lãi suất vừa qua là diễn biến hiếm thấy kể từ năm 2023 đến nay. Trong vòng một năm qua, các nhà băng đã liên tục giảm lãi suất huy động xuống mức thấp kỷ lục. Năm 2023, mặc dù lãi suất thấp nhưng lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng trưởng mạnh và đạt 13,8 triệu tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử.
Yếu tố thứ hai là trong những phiên giao dịch gần đây, lãi suất trúng thầu tín phiếu tăng và tổ chức tham gia đấu thầu giảm dần…
Điển hình là phiên 27/3 có khối lượng trúng thầu 8.700 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 2,2% năm, tăng 0,8 điểm % so với phiên 11/3. Phiên 29/3, khối lượng trúng thầu là 2.300 tỷ đồng, lãi suất 2,49%.
Bên cạnh đó, số lượng tổ chức tín dụng tham gia đấu thầu cũng giảm dần qua từng phiên, từ 18 tổ chức tín dụng tham gia đấu thầu vào phiên 11/3 xuống chỉ còn 8 tổ chức tham gia đấu thầu tín phiếu ngày 27/3 và tiếp tục giảm còn 5 tổ chức vào phiên 29/3.
Mặc dù mức tăng lãi suất chưa phải là lớn nhưng đây rõ ràng là tín hiệu thể hiện hiện tượng dư thừa tiền và thanh khoản tại ngân hàng có dấu hiệu hạ nhiệt.
Dòng tiền có sự chuyển dịch rõ rệt
Trước đó, các chuyên gia nhận định, lượng tiền gửi tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng đang ở mức kỷ lục (khoảng 14 triệu tỷ đồng), một phần trong số đó chực chờ cơ hội để chuyển hướng sang các kênh đầu tư có cơ hội đạt lợi nhuận cao hơn.
Thực tế, nhiều người có tiền nhàn rỗi đang băn khoăn tìm lời giải bài toán sinh lời cao hơn cho đồng vốn, nhất là khi mặt bằng lãi suất được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp, thậm chí tiếp tục đi xuống.
Hiện nay, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, vàng… đang có sự tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, thị trường bất động sản đang có xu hướng "ấm" dần lên và không loại trừ khả năng phần nào đó đang hút một lượng tiền đáng kể của nền kinh tế. Lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng cũng được dự báo sẽ dần phục hồi mạnh mẽ trở lại trong nửa cuối năm 2024.
Theo bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng Phân tích dữ liệu FiinGroup, nhìn lại tháng 3, dòng tiền đã có sự dịch chuyển rõ rệt.
"Trong bối cảnh hiện nay, dòng tiền có tính quyết định đối với xu hướng thị trường và giá cổ phiếu".
Theo đó, sự luân chuyển của dòng tiền nổi bật trong tháng 3 là bất động sản thay thế cho ngân hàng đã có sự hồi phục đáng kể với tỷ trọng 21,5%, vượt trội so với nhóm ngân hàng (17,8%) và chứng khoán (15,5%). Ngoài ra, dòng tiền cũng tập trung nhóm bán lẻ, công nghệ thông tin với tín hiệu tích cực.
Dự báo về sự chuyển dịch của dòng tiền tháng 4, chuyên gia FiinGroup cho rằng nhóm tiếp tục có dòng tiền duy trì là bất động sản và dầu khí. Thực tế, tỷ trọng dòng tiền trong 2 nhóm này đã tăng trở lại trong thời gian gần đây song vẫn cách khá xa so với đỉnh cũ.
Ngược lại, nhóm có rủi ro dòng tiền rút ra dự báo là chứng khoán, thép và ngân hàng. Riêng nhóm ngân hàng, dù dòng tiền hiện tại vẫn đang ở mức cao nhưng đang có dấu hiệu đi xuống rõ rệt trong những tháng gần đây.
Trong một báo cáo về ngành ngân hàng vừa được công bố, nhóm chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Mirae Asset đánh giá, lãi suất huy động đang tiệm cận mức thấp kỷ lục đối với cả lãi suất thị trường 1 (tiền gửi) và thị trường 2 (liên ngân hàng) từ khi đảo chiều vào đầu quý II/2023. "Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng lãi suất huy động đang tạo đáy và nhiều khả năng tăng trở lại trong thời gian tới dựa trên các nhân tố tác động như sự trượt giá của đồng nội tệ, tỷ lệ nợ xấu cao, và sự hồi phục của tăng trưởng tín dụng", Mirae Asset nêu.