Dòng tiền tìm đến cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp

Phiên đầu tuần này, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp tiếp tục tạo ấn tượng khi hàng loạt mã bứt phá mạnh như NTC, PHR GVR, SZC, SIP, SZN, BCM, KBC…, thậm chí PHR, SZC, KBC còn dư mua trần.

Diễn biến này dường như đã được dự đoán từ trước khi nhiều diễn đàn, nhiều khuyến nghị và cả báo cáo của công ty chứng khoán (CTCK) đều đưa ra góc nhìn khá tích cực cho cổ phiếu nhóm này.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới Hội sở CTCK Mirae Asset Việt Nam cho rằng, hiện tại, thị trường đã tăng được một đoạn dài về mặt thời gian (gần 2 tháng) và khá về mặt thị giá khi hầu hết các cổ phiếu đều tăng từ 25-30% so với đáy 650 điểm của VN-Index và một đợt điều chỉnh tương đối (quanh 10%) hoàn toàn có thể diễn ra.

Với tình hình kinh tế vĩ mô trong quý II sẽ thực sự “thấm” tác động của dịch bệnh, ông Tuấn cho rằng, nhà đầu tư phải thay đổi chiến lược đầu tư cho phù hợp. Cụ thể là tập trung vào nhóm ngành được hưởng lợi về mặt dài hạn của thị trường, lướt giảm giá vốn nếu đã có trạng thái sở hữu cổ phiếu trước đó. Có thể canh bán ở những phiên tăng điểm và mua lại ở những phiên giảm điểm với cùng một số lượng cổ phiếu. Đồng thời, chuyển đổi tâm lý từ kỳ vọng đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc, phân tích kỹ và tìm hiểu chiều sâu doanh nghiệp là trọng yếu.

Ông Tuấn đưa ra quan điểm, nhóm ngành và doanh nghiệp trọng điểm hưởng lợi là hạ tầng, vật liệu xây dựng, xây dựng, thủy - hải sản, bất động sản khu công nghiệp.

Đối với mảng này, báo cáo của CTCK SSI ghi nhận, hoạt động đầu tư nước ngoài - nhà đầu tư chính vào khu công nghiệp - đã có những tín hiệu khởi sắc. Tổng vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm 4 tháng đầu năm 2020 đạt 9,8 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ 2019. Dịch Covid-19 đang mở ra một bước ngoặt mới trong sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác để giảm thiểu sự đứt gãy chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn như Pegatron, Amazon và Home Depot… bắt đầu có hoạt động tuyển dụng và tìm kiếm chuỗi cung ứng, cho thấy Việt Nam là một trong những điểm đến trong quá trình dịch chuyển, bên cạnh các quốc gia tiềm năng khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia.

Trong các doanh nghiệp niêm yết thuộc ngành khu công nghiệp, SSI chia thành 3 nhóm: Các doanh nghiệp khu công nghiệp còn quỹ đất cho thuê bao gồm SZC, IDC, KBC, VGC, VGR, IDV, TID, ITA, SZB; các doanh nghiệp có khu công nghiệp đã lấp đầy, không còn diện tích sẵn sàng cho thuê, không có dự án mới bao gồm MH3, BAX, TIP, SZL, D2D; các doanh nghiệp đang có dự án mở rộng chuẩn bị cho thuê trong năm 2020 như LHG, NTC, HPI, SIP.

Đối với các doanh nghiệp còn quỹ đất cho thuê, SSI kỳ vọng sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sẽ giúp nhanh chóng gia tăng diện tích đất cho thuê.

Cụ thể, trong năm 2020, SZC tiếp tục cho thuê tại Khu công nghiệp Châu Đức với diện tích đất thương phẩm sẵn sàng cho thuê 750 ha; IDC tập trung cho thuê Khu công nghiệp Hựu Thạnh, Phú Mỹ II và Phú Mỹ II mở rộng với lợi thuế diện tích đất đền bù liền thửa đủ với diện tích thuê dự kiến 70 ha; KBC tập trung vào Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh (đang hoàn thành thủ tục pháp lý), Tân Phú Trung và Quang Châu; VGC chủ yếu cho thuê các khu công nghiệp mới như Đồng Văn IV, Phú Hà; VGR tiếp tục cho thuê Khu công nghiệp Cộng Hòa với diện tích cho thuê dự kiến 2020 đạt 25 ha; IDV tăng cường cho thuê Khu công nghiệp Châu Sơn; TID chủ yếu tăng diện tích thuê ở các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu như Đất Đỏ và Bàu Xéo, đồng thời hoàn thành đền bù giải tỏa tại Khu công nghiệp Đức Hòa III, Long An; ITA hoàn thiện hạ tầng cho thuê tại Khu công nghiệp Tân Đức mở rộng; BCM tập trung vào Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng; SZB tập trung khai thác Khu công nghiệp Xuân Lộc.

Các doanh nghiệp có khu công nghiệp đã lấp đầy, không còn diện tích cho thuê như MH3, BAX, TIP, SZL, D2D ghi nhận doanh thu đều và có lượng tiền mặt lớn, chi trả cổ tức cao.

Các doanh nghiệp đang có có dự án mở rộng chuẩn bị cho thuê trong năm 2020 như LHG, HPI, SIP đang khó khăn trong việc đền bù, giải tỏa diện tích cho thuê liền thửa tại Khu công nghiệp Long Hậu 3, Hiệp Phước mở rộng và Khu công nghiệp Lê Minh Xuân III; NTC đã nhận đất từ PHR, dự kiến xây dựng và cho thuê vào quý IV/2020 với diện tích 50ha.

Trong quý I/2020, tổng doanh thu các doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp niêm yết đạt 7.804 tỷ đồng, tăng 0,9% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.100 tỷ đồng, giảm 19,5% so với cùng kỳ. Trong đó, các doanh nghiệp tăng trưởng mạnh như SZC nhờ tăng diện tích thuê; D2D tiếp tục ghi nhận lợi nhuận từ bán Khu dân cư Lộc An; MH3, NTC, SNZ ghi nhận thu nhập từ tiền gửi và cổ tức từ công ty liên doanh, liên kết. Ngược lại, SIP, BCM, BAX, IDC giảm lợi nhuận; TID ghi nhận khoản lỗ 61 tỷ đồng từ kinh doanh cà phê.

Theo đánh giá, kế hoạch kinh doanh năm 2020 của các doanh nghiệp khu công nghiệp đều khá thận trọng do 2 nguyên nhân chính: Một là quan ngại việc tiếp xúc, xúc tiến đầu tư từ các nhà đầu tư FDI sẽ chậm lại do ảnh hưởng dịch bệnh; hai là diện tích thuê mới tại các khu công nghiệp có hạ tầng tốt không còn nhiều do thủ tục pháp lý cấp phép chậm và khó khăn trong công tác đền bù, giải tỏa.

Nhã An

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dong-tien-tim-den-co-phieu-bat-dong-san-khu-cong-nghiep-post241135.html