Đồng tình làm cao tốc Bắc - Nam nhưng cũng lo

Các đại biểu Quốc hội đều đồng tình với việc phải làm cao tốc Bắc - Nam nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng cần chống thất thoát, lãng phí.

Chiều 6-1, Quốc hội (QH) tiến hành thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025. Các ý kiến đại biểu (ĐB) QH đều đồng tình với việc phải làm cao tốc Bắc - Nam phía đông để phục hồi kinh tế và thúc đẩy kinh tế - xã hội. Tuy vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần chống thất thoát, lãng phí.

Tăng kiểm tra, giám sát

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ĐBQH TP.HCM ủng hộ chủ trương đầu tư cao tốc Bắc - Nam bằng ngân sách nhà nước để sớm triển khai, hoàn thành toàn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Ông đề nghị phải làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư như quy hoạch, thiết kế… đi liền với công tác giải phóng mặt bằng, trong đó bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân trong khu vực giải tỏa, mà trước hết phải tổ chức tốt nơi tái định cư cho người dân.

Để chống thất thoát, lãng phí, Chủ tịch nước cho rằng các đơn vị thi công thực hiện dự án phải đáp ứng đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm, thiết bị thi công, song song với phải chấm dứt tình trạng “bán thầu”. “Nhiều đơn vị nhờ quan hệ nên nhận được gói thầu, sau đó bán thầu cho đơn vị khác, qua nhiều bước trung gian. Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có một số gói do bán thầu nên định mức vật tư bị ảnh hưởng, dẫn đến chất lượng công trình bị ảnh hưởng. Đây là kinh nghiệm hết sức sâu sắc” - Chủ tịch nước nói và đề cao trách nhiệm của Bộ GTVT.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Việc làm cao tốc Bắc - Nam, kể cả những đoạn đang dở dang, đặc biệt là 746 km còn lại là yêu cầu cần thiết cho phát triển đất nước, mong rằng QH sẽ thông qua với các cơ chế giám sát của QH một cách cụ thể. Chúng ta tạo điều kiện để có sự chủ động nhưng đồng thời phải tăng cường giám sát để chống thất thoát, lãng phí, bảo đảm chất lượng công trình”.

Các ý kiến đại biểu quốc hội đều đồng tình với việc phải làm cao tốc Bắc-Nam phía đông để phục hồi kinh tế và thúc đẩy kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: HOÀNG GIANG.

Các ý kiến đại biểu quốc hội đều đồng tình với việc phải làm cao tốc Bắc-Nam phía đông để phục hồi kinh tế và thúc đẩy kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: HOÀNG GIANG.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang băn khoăn khi nguồn vốn cho các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam có hơn 72.000 tỉ đồng được lấy từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Ông Giang nói nếu chuẩn bị tốt nhất thì cũng phải hết năm 2023, sang năm 2024 mới khởi công được dự án. Rồi từ khi khởi công đến khi thực hiện dự án tối thiểu cũng mất hai năm nữa, như vậy sẽ vượt qua cả giai đoạn đầu tư công của giai đoạn 2021-2025.

Để giải đáp được khúc mắc này, ông đề nghị phân cấp theo hướng với những dự án thành phần thuộc dự án công trình quan trọng quốc gia trên 10.000 tỉ đồng, từ thẩm quyền của Thủ tướng có thể phân cấp xuống để Bộ GTVT quyết định đầu tư, giảm trình tự, thủ tục.

Thu hồi vốn ngân sách trong 5-7 năm?

ĐB Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) đề cập vấn đề giải phóng mặt bằng và thi công. Ông cho rằng Bộ GTVT nói là tạo điều kiện nâng công suất mỏ nhưng địa phương có quản lý được các nhà thầu hay không. Ông Hùng lo ngại sẽ xảy ra hiện tượng nâng giá, cấp phép khai thác mỏ, sẽ ảnh hưởng tới sinh thái, đời sống người dân, trật tự xã hội. Nhà thầu thi công sử dụng một số đường địa phương, Bộ GTVT không kiểm tra, giám sát thì khó đảm bảo môi trường sinh thái, an ninh trật tự của địa phương.

ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) thì lo ngại việc dùng ngân sách đầu tư cao tốc Bắc - Nam sẽ tạo sức ép giải ngân rất lớn cho Chính phủ, đặc biệt cho Bộ GTVT. Ông An cũng cho rằng việc chuyển đổi mô hình đầu tư từ đối tác công tư sang đầu tư công cho thấy có vấn đề lớn về hiệu lực, hiệu quả của Luật PPP.

“Luật ra đời với mục đích cao cả nhưng lại đang chết dần đi khi cái gì đầu tư lớn cũng đều xin đầu tư bằng ngân sách” - ông An nói và cho rằng nếu không có cách thức huy động nguồn lực tham gia, mãi đi theo con đường đầu tư công cho nhanh thì “không ổn”.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường, muốn làm cao tốc Bắc - Nam thì phải có tái định cư, muốn giải tỏa thì quy định của luật phải tái định cư, chậm trong chuẩn bị mặt bằng. Ông cũng đề cập đến kinh nghiệm làm sân bay Long Thành cho lập tiểu dự án bồi thường riêng, sau đó Thủ tướng mới phê duyệt dự án sau. “Được phép tách bồi thường thành dự án riêng, giao cho địa phương làm trước khi có ý định phê duyệt toàn bộ dự án thì chuẩn bị tốt hơn” - ông Cường nói và lưu ý nếu làm đúng các quy định bồi thường như hiện nay thì một dự án sẽ mất mấy trăm ngày.

Trước ý kiến của một số ĐB lo ngại về việc thu phí và nhượng quyền thu phí ở các đoạn thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng đầu tư công bốn dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam và đặt bốn trạm trên toàn tuyến dài 729 km, tức là mỗi trạm cách nhau 243 km, rồi tổ chức đấu thầu, giao tư nhân quản lý sẽ hiệu quả hơn nhiều. Nếu theo phương án này, thời gian thu phí sẽ chỉ còn 5-7 năm thay vì 15 năm như dự tính ban đầu.

“Sau khi có đường rồi, có quy hoạch rồi sẽ đặt vị trí bốn trạm để tính toán xem mỗi ngày có bao nhiêu lượng xe đi qua và thu được bao nhiêu tiền. Từ đó xây dựng phương án đấu thầu. Đơn vị nào có phương án hiệu quả nhất, thu phí trong thời gian ngắn nhất sẽ được lựa chọn” - ông Phớc giải thích và khẳng định số tiền Nhà nước đã bỏ ra đầu tư sẽ sớm được thu hồi nên phương án này chỉ có lợi.•

Chính phủ đang tổng kết nguyên nhân làm được ít cao tốc

Tham gia ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu: 20 năm nay triển khai làm cao tốc nhưng cả nước đường cao tốc làm được rất ít. Chính phủ đang cho tổng kết lại nghiêm túc để xem nguyên nhân vì sao. Do chủ trương, chính sách hay tổ chức thực hiện. Theo Thủ tướng, cần phải tháo gỡ cơ chế, chính sách, thể chế, tổ chức thực hiện, trên cơ sở đó đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm ngân sách và đảm bảo chất lượng, chống tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, tham ô, tham nhũng.

Các địa phương đề nghị phân cấp về giao thông, chuyển đổi đất lúa, đất rừng thì việc này cũng phải tiếp tục rà soát. Chủ trương phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát cùng với bố trí nguồn lực, đào tạo nhân lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

“Bộ GTVT mỗi năm được giao 40.000 tỉ đồng làm các dự án, ì ạch lắm, thêm 50.000 tỉ đồng, công việc làm gấp đôi trong khi thời gian chỉ có thế. Ngoài việc đồng ý chủ trương tăng bội chi, tăng nợ công, nợ chính phủ muốn tiêu được tiền này phải có cơ chế, chính sách. Làm nhanh nhưng phải chất lượng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí” - Thủ tướng nói.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/dong-tinh-lam-cao-toc-bac-nam-nhung-cung-lo-1037785.html