Đồng USD ghi nhận tuần tăng giá thứ tư liên tiếp

Sau khi giảm nhẹ trong phiên giao dịch châu Á sáng thứ Sáu (16/5), đồng USD đã phục hồi trở lại nhờ kỳ vọng Fed sẽ chưa sớm giảm lãi suất, đưa đồng bạc xanh có tuần tăng giá thứ tư liên tiếp.

Đồng USD bắt đầu tuần qua với mức tăng hơn 1% vào thứ Hai sau khi Mỹ và Trung Quốc tuyên bố tạm dừng trong 90 ngày đối với hầu hết các mức thuế áp dụng cho hàng hóa của nhau kể từ đầu tháng 4, làm dịu đi nỗi lo về suy thoái toàn cầu. Nhưng sự hứng khởi từ thông tin này nhạt dần và đồng bạc xanh đã có xu hướng giảm trong suốt tuần một phần do dữ liệu kinh tế ảm đạm.

“Vấn đề với các diễn biến (thương mại) là chúng diễn ra nhanh hơn rất nhiều và tình trạng thiếu định hướng liên tục, không bao giờ kết thúc cho tương lai vẫn tiếp diễn. Trong khi đó, chúng ta đang xem xét dữ liệu không thực sự phản ánh tất cả sự lo lắng mà chúng ta thực sự đang trải qua”, Juan Perez, giám đốc giao dịch tại Monex USA ở Washington cho biết và nói thêm: “Chính ý tưởng rằng thương mại không thoát khỏi tình trạng hỗn loạn tiếp tục ảnh hưởng đến niềm tin dài hạn vào đồng đô la”.

Trên thực tế, đồng USD đã sụt giảm trong phiên giao dịch châu Á sáng thứ Sáu mà nguyên nhân do tâm sự hứng khởi trước việc Mỹ - Trung tậm đình chiến thương mại đã tan biến, nhường chỗ cho tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư.

Trong khi Báo cáo từ Bộ thương mại Mỹ hôm thứ Năm (15/5) cho thấy doanh số bán lẻ của nước này chỉ tăng 0,1% trong tháng 4, thấp hơn nhiều mức tăng 1,7% của tháng 3. Điều đó đã khiến thị trường kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ hơn để hỗ trợ nền kinh tế. Đồng USD vì thế lại mất đi một động lực.

Tuy nhiên những thông tin kinh tế mới nhất của Mỹ đã củng cố quan điểm Fed sẽ chưa vội cắt giảm lãi suất.

Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Sáu (16/5) cho biết, giá nhập khẩu của nước này tăng 0,1% trong tháng 4 sau khi giảm 0,4% vào tháng 3 do sự tăng vọt của chi phí hàng hóa vốn đã xóa nhòa tác động của giá năng lượng rẻ hơn. Trong khi các nhà kinh tế được Reuters khảo sát đã dự báo giá nhập khẩu, không bao gồm thuế quan, sẽ giảm 0,4%.

Trong khi Khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan được công bố cho tiêu, Chỉ số tâm lý người tiêu dùng giảm xuống 50,8 trong tháng này từ mức 52,2 của tháng 4, và cũng thấp hơn ước tính của các chuyên gia kinh tế là 53,4. Trong khi kỳ vọng lạm phát 12 tháng của người tiêu dùng tăng vọt lên 7,3% từ mức 6,5% và ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 11 năm 1981.

Hiện thị trường đã giảm kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất trong năm nay do các dấu hiệu căng thẳng thương mại đang dịu đi, chỉ định giá 67,1% cơ hội sẽ có đợt cắt giảm đầu tiên ít nhất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp vào tháng 9 của ngân hàng trung ương, theo dữ liệu của LSEG. Quan điểm trước đó là khả năng cắt giảm vào tháng 7.

Những bình luận gần đây từ các quan chức Fed cũng cho thấy, cơ quan này cần nhiều dữ liệu hơn để xác định tác động của các thông báo về thuế quan đối với giá cả và nền kinh tế trước khi điều chỉnh chính sách.

Chính kỳ vọng Fed chưa sớm cắt giảm lãi suất đã hỗ trợ đồng USD phục hồi. Theo đó đồng USD đã tăng gần 0,22% so với đồng tiền chung lên 1,1163 USD/EUR; tăng 0,18% so với bảng Anh lên 1,3272 USD/GBP. Đồng bạc xanh cũng tăng 0,22% so với franc Thụy Sĩ lên 0,8377 CHF/USD.

Mặc dù đồng bạc xanh giảm 0,07% so với yên Nhật trong ngày thứ Sáu, xuống 145,57 JPY/USD, nhưng nó vẫn tăng 0,4% so với đồng yên trong tuần qua.

Chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt - khép lại ngày thứ Sáu với mức tăng 0,1% lên 100,98. Tính chung trong tuần qua, đồng bạc xanh tiếp tục tăng gần 0,5%, ghi nhận tuần tăng giá thứ tư liên tiếp. Tuy nhiên đồng tiền dự trữ số một thế giới này vẫn để mất gần 3% giá trị kể từ ngày 2 tháng 4, khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố áp dụng hàng loạt thuế quan đối ứng với các quốc gia trên toàn cầu.

Ngược chiều với đồng USD, đồng tiền chung ghi nhận tuần giảm giá mạnh nhất kể từ đầu tháng 2 với mức giảm gần 0,9%. Đồng bảng Anh cũng giảm 0,1% trong tuần.

Hà Vy

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dong-usd-ghi-nhan-tuan-tang-gia-thu-tu-lien-tiep-164367.html