Đồng USD tăng mạnh tạo áp lực cho thị trường kim loại
Kết thúc phiên giao dịch 16/11, mặc dù nhóm nguyên liệu công nghiệp và năng lượng đều tăng đáng kể, nhưng mức giảm từ nhóm nông sản và đặc biệt là các mặt hàng kim loại đã gây sức ép, khiến chỉ số MXV-Index quay đầu giảm nhẹ 0,22% xuống 2.378 điểm, chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp trước đó.
Giá trị giao dịch toàn Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tăng mạnh gần 30% lên gần 4.200 tỷ đồng; trong đó, đáng chú ý nhất là sự phục hồi mạnh của nhóm nguyên liệu công nghiệp khi dòng tiền vượt trở lại mốc 1.000 tỷ, cao gấp 2,5 lần so với mức trung bình trong nửa đầu tháng.
Đồng USD tăng mạnh, tạo sức ép lên giá các mặt hàng kim loại quý
Kết thúc phiên giao dịch 16/11, các mặt hàng kim loại tiếp tục duy trì sắc đỏ với mức giảm thậm chí còn mạnh hơn phiên đầu tuần. Cả hai mặt hàng kim loại quý là bạc và bạch kim cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường trước áp lực đến từ đồng USD. Giá bạc giảm 0,64% còn 29,94 USD/ounce, giá bạch kim giảm hơn 2% còn 1084,5 USD/ounce.
Tối hôm qua, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố số liệu cho thấy, tổng mức bán lẻ của nước này tăng 1,7% trong tháng trước và cao hơn so với mức dự báo mà giới phân tích đưa ra trước đó là 1,3%.
Điều này đã đẩy chỉ số Dollar Index tiếp tục tăng mạnh lên mức 96 điểm và đạt mức cao nhất trong vòng 16 tháng qua. Lợi suất trái phiếu Kho bạc cũng tăng 1,38% làm giảm đi sức hấp dẫn của nhóm các mặt hàng kim loại quý, vốn được xem như một biện pháp phòng ngừa lạm phát.
Xu hướng bán mạnh cũng diễn ra đối với hầu hết các mặt hàng kim loại cơ bản. Giá đồng trên Sở COMEX giảm 1,1% xuống 4,35 USD/pound. Tồn kho đồng ở Trung Quốc tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất lịch sử, tuy nhiên tác động hỗ trợ của yếu tố này không còn quá mạnh trước các thông tin mới tạo sức ép lên giá.
Các số liệu xây dựng mới và giá nhà giảm xuống cho thấy sự suy yếu của thị trường bất động sản Trung Quốc cũng góp phần lý giải đà giảm của nhóm kim loại cơ bản trong phiên hôm qua.
Cùng diễn biến với đồng, giá nhôm Sở LME cũng giảm mạnh hơn 3% về mức 2.574 USD/tấn. Giá nhôm kì hạn trên Sở Thượng Hải giảm tương đương về mức 18.345 (2.869 USD/tấn). Còn tại thị trường giao ngay Thượng Hải (Trung Quốc), nhôm được bán với khoảng giá 19.170 – 19.210 NDT/tấn, tương đương 2.998 – 3.004 USD/tấn.
Giá quặng vẫn ở nền thấp, nhu cầu thép xây dựng tăng lên dịp cuối năm
Trong một diễn biến ngược chiều kim loại quý, giá quặng sắt kì hạn tháng 12 giao dịch trên Sở Singapore đã tăng 1,2% lên mức 89,08 USD/tấn. Còn ở Sở Đại Liên (Trung Quốc), giá quặng kì hạn tháng 1/2022 lại giảm hơn 1% về mức 540,5 NDT/tấn, tương đương 84,5 USD/tấn.
Trên thị trường nội địa, tình hình sản xuất - bán hàng sắt thép xây dựng đạt kết quả tốt so với tháng trước và cùng kì năm 2020, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA). Lũy kế 10 tháng đầu năm, sản xuất thép xây dựng đạt hơn 10,2 triệu tấn, tăng 3,7% so với cùng kì năm ngoái.
Trong đó, bán hàng lên tới hơn 10 triệu tấn, đặc biệt là xuất khẩu khoảng 1,8 triệu tấn, tăng 55% so với cùng kì. Chính sách môi trường của Trung Quốc và những biến động tăng mạnh của giá than cốc, phế liệu đã ảnh hưởng đến thị trường thép Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, thời điểm cuối năm đang cận kề có thể thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng tốt hơn nữa. Kết hợp với việc các biện pháp giãn cách được nới lỏng ở nhiều tỉnh thành, việc sản xuất và bán hàng sẽ được hỗ trợ hơn trước.
Trong dài hạn, nhu cầu ngành thép cũng sẽ dần hồi phục trở lại khi nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam đầu tư cho các công trình cơ sở hạ tầng.