Đồng Văn đảm bảo giao thông trong mùa mưa lũ

Đồng Văn có địa hình phức tạp, các tuyến đường chạy quanh co trên các sườn núi cao, nhiều khu vực núi đất địa chất không ổn định; kết cấu mặt đường hẹp, ta luy dương cao nên khi mưa lớn dễ xảy ra sạt lở đất đá, sói lở mặt đường. Để đảm bảo giao thông trong mùa mưa lũ, huyện Đồng Văn đã xây dựng kế hoạch và phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả với nỗ lực cao nhất đảm bảo giao thông thông suốt.

Tuyến đường vào xóm Sính Tủng Chứ, xã Thài Phìn Tủng được mở mới, người dân đi lại thuận tiện.

Tuyến đường vào xóm Sính Tủng Chứ, xã Thài Phìn Tủng được mở mới, người dân đi lại thuận tiện.

Xác định đảm bảo giao thông trong mỗi mùa mưa lũ là nhiệm vụ trọng tâm, nên huyện đã sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng triển khai các phương án khi có sự cố sạt lở đất, đá gây tắc đường. UBND huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng và các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra các vị trí xung yếu, chuẩn bị đầy đủ máy móc, nhân lực, vật lực, sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh huy động; thực hiện đúng phương châm “4 tại chỗ”.

Đồng chí Kiều Mạnh Thắng, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đồng Văn cho biết: Đồng Văn hiện có gần 200 km đường huyện, 219 km đường liên xã. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ huyện giao, Phòng đã chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn, làm việc với các cơ quan quản lý đường bộ duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu, đảm bảo giao thông thông suốt khi có sự cố xảy ra; có phương án dự phòng rọ thép, đá hộc, máy xúc ở những đoạn xung yếu. Đối với các tuyến đường từ trung tâm xã, thị trấn đi các thôn, xóm; Phòng yêu cầu chính quyền cơ sở kiểm tra, rà soát, đánh giá mức độ an toàn các khu vực xung yếu có nguy cơ sụt lún, sạt lở gây tắc đường; kiểm tra các vị trí cống, rãnh thoát nước, đập tràn để khơi thông dòng chảy, tránh gây ngập úng cục bộ. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ môi trường huyện tiến hành chỉnh trang đô thị, thu dọn, khơi thông cống rãnh trên các trục đường nội thị trấn; tuyên truyền, vận động nhân dân tu sửa các tuyến đường dân sinh, mở mới các tuyến đường vào thôn, xóm. Huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng khảo sát, cắm biển cảnh báo tại các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở, nhất là đối với khu vực có ta luy dương cao, khu vực có nền đất yếu; huy động sự tham gia của người dân, doanh nghiệp để khi xảy ra ách tắc đường với phạm vi lớn thì có sự giúp đỡ kịp thời.

Trong thời gian qua, để đảm bảo giao thông thông suốt, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện tiến hành nâng cấp, bảo dưỡng các tuyến đường trọng yếu, có lượng người và phương tiện qua lại lớn, như: Má Lé - Lũng Cú, Sáng Ngài - Lao Sa, Phố Bảng - Phố Là, Thẩm Mã - Lũng Thầu, đường thôn Mã Sồ, xã Lũng Táo đi thôn Gì Thàng, xã Má Lé… Theo thống kê, trên địa bàn 19 xã, thị trấn của huyện hiện còn khoảng trên 100 km đường cấp xã thuộc loại xấu và rất xấu cần được đầu tư, nâng cấp mở rộng. Trên cơ sở đó, huyện đã xây dựng kế hoạch phân bổ đầu tư, xây dựng gắn với mỗi giai đoạn trong xây dựng Nông thôn mới nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống đường giao thông, đảm bảo cho người dân đi lại, giao thương thuận tiện nhất.

Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/phong-chong-thien-tai/201907/dong-van-dam-bao-giao-thong-trong-mua-mua-lu-747845/