Đồng Văn nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy học
Những năm qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của huyện và Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) Đồng Văn; ngoài việc bám sát các nội dung, chủ đề theo từng năm học, các đơn vị trường học đã không ngừng đổi mới công tác dạy học phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Qua đó, đã tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Đồng chí Mua Thị Hồng Minh, Trưởng phòng GD - ĐT huyện Đồng Văn cho biết: Năm học 2019 - 2020, toàn huyện Đồng Văn có 1.000 lớp, nhóm với 25.000 học sinh (HS). Trong đó, giáo dục Mầm non có 351 nhóm lớp với 8.198 HS; giáo dục phổ thông có 649 lớp với 16.919 HS. Toàn huyện có 1.746 cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc Phòng quản lý; trong đó, giáo viên trực tiếp đứng lớp là 1.438 người. Để thực hiện tốt nhiệm vụ của năm học, ngay từ đầu năm học, Phòng GD - ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua đến toàn thể cán bộ, giáo viên và HS. Từng đơn vị trường học tổ chức ký cam kết thi đua, xây dựng chỉ tiêu phấn đấu cho từng bộ môn giảng dạy của các thầy, cô giáo; tăng cường công tác kiểm tra giáo án, thăm lớp, dự giờ; qua đó đánh giá kịp thời và có giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế yếu kém trong dạy và học. Phòng khuyến khích các trường học, ngoài đồ dùng dạy học được cấp, giáo viên cần làm thêm đồ dùng mô phỏng phù hợp với mỗi bộ môn; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng máy chiếu hình ảnh trực quan để minh họa cho bài giảng thêm sinh động; giúp HS tiếp thu bài nhanh hơn…
Đặc biệt, để đảm bảo biên chế giáo viên thực hiện nhiệm vụ, Phòng GD - ĐT Đồng Văn đã phối hợp với Phòng Nội vụ căn cứ vào biên chế trường, lớp và số lượng giáo viên, nhân viên hiện có và chỉ tiêu biên chế tỉnh giao năm 2019 để cân đối giáo viên các bộ môn trong các đơn vị trường học; tham mưu cho UBND huyện thực hiện hợp đồng số giáo viên, nhân viên còn thiếu trong chỉ tiêu biên chế và thực hiện phân công giáo viên tăng cường cho các trường thiếu cục bộ theo cơ cấu môn để giảng dạy; tránh tình trạng dạy không đúng phân môn. Đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách của HS, nhất là đối với HS nghèo, bán trú, nội trú theo đúng quy định. Căn cứ vào điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, điều kiện đi lại của HS để chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện việc sáp nhập điểm trường; đối với những lớp tại các điểm trường có số lượng học sinh ít không đảm bảo số lượng HS/lớp theo quy định thì thực hiện ghép lớp; làm tốt việc xã hội hóa giáo dục, huy động tối đa các nguồn lực, vật lực đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đảm bảo các điều kiện tốt nhất phục vụ cho công tác dạy và học.
Thầy giáo Vàng Mí Khánh, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Sủng Là cho biết: Với đặc thù là trường vùng cao, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu thốn; khả năng tiếp thu của HS có nhiều hạn chế, đòi hỏi những giáo viên ở đây cũng phải có những giải pháp đặc thù; trước hết, thầy, cô giáo phải gợi mở được niềm đam mê, không tạo áp lực bài vở cho HS mà kết hợp kiểm tra kiến thức với các hoạt động ngoại khóa, đố vui trong học tập; biểu dương học sinh hàng tuần, tháng.
Cũng theo đồng chí Mua Thị Hồng Minh, để nâng cao chất lượng giáo dục và quan trọng nhất vẫn là vai trò của người thầy; ngoài trình độ, năng lực chuyên môn, bản thân mỗi giáo viên cũng phải thật sự tâm huyết, yêu nghề, nhiệt tình trong đổi mới phương pháp giảng dạy; tìm tòi, sáng tạo ra những đồ dùng dạy học thiết thực cho HS; phải có sự đoàn kết, thống nhất của tập thể sư phạm nhà trường…; có như vậy mới thực sự tạo được sự chuyển biến trong cách dạy, cách học để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
PHAN BÌNH MINH (Trường Chính trị tỉnh)