Đồng Văn triển khai mô hình phòng khám bác sỹ gia đình

Mô hình phòng khám bác sỹ gia đình (BSGĐ) thực hiện quản lý sức khỏe cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng theo nguyên lý y học gia đình. Tại tỉnh ta, tháng 5.2017, UBND tỉnh ban hành Đề án BSGĐ và mô hình phòng khám BSGĐ, giai đoạn 2017 - 2020. Đầu năm 2019, huyện Đồng Văn triển khai thí điểm tại 2 xã Lũng Táo và Lũng Cú.

Trạm Y tế xã Lũng Táo khám bệnh định kỳ cho người dân và nhập dữ liệu vào phần mềm mô hình bác sỹ gia đình.

Trạm Y tế xã Lũng Táo khám bệnh định kỳ cho người dân và nhập dữ liệu vào phần mềm mô hình bác sỹ gia đình.

Mô hình BSGĐ có nhiều hình thức tổ chức, như: Mô hình phòng khám BSGĐ tư nhân; phòng khám BSGĐ phối hợp lồng ghép chức năng Trạm y tế xã; phòng khám BSGĐ tại khoa khám bệnh của các bệnh viện. Tại huyện Đồng Văn, hiện đang triển khai xây dựng mô hình phòng khám BSGĐ phối hợp lồng ghép chức năng trạm y tế. Để thực hiện hiệu quả mô hình, huyện Đồng Văn đã chỉ đạo Trung tâm Y tế tổ chức triển khai khám sàng lọc, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân theo mô hình BSGĐ tại 2 xã Lũng Táo và Lũng Cú; thành lập tổ khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho 13 cán bộ y, bác sỹ, điều dưỡng tại Trung tâm Y tế huyện và tăng cường hỗ trợ cho 2 xã.

Xã Lũng Táo triển khai xây dựng mô hình BSGĐ từ tháng 3.2019; hiện đã lập được 2.299 hồ sơ/3.756 khẩu, đạt tỷ lệ 61,2%. Từ việc lập hồ sơ bệnh án, đã phát hiện được nhiều bệnh, như: Tăng huyết áp, đái tháo đường; tiến hành siêu âm tổng quát được gần 400 lượt người; tỷ lệ nhập số liệu hồ sơ vào phần mềm đạt 95%. Bác sỹ Lương Văn Thuần, Trưởng trạm Y tế xã Lũng Táo cho biết: Việc triển khai thực hiện mô hình BSGĐ được người dân đồng tình cao, do những lợi ích mà mô hình này mang lại. Quyền lợi của người dân được đảm bảo, việc quản lý hồ sơ bệnh án, tiểu sử bệnh của người dân tại trạm y tế cũng thuận lợi hơn. Thời gian tới, Trạm y tế xã Lũng Táo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ cho những cá nhân chưa được khám để đảm bảo quyền lợi cho người dân trong công tác khám, chữa bệnh.

Trong quá trình thực hiện thí điểm mô hình BSGĐ tại 2 xã đã nhận được sự quan tâm của chính quyền đia phương, cũng như ngành chuyên môn. Các dự án, chương trình đào tạo, bồi dưỡng được thành lập, như: Dự án Hpet, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho các đối tượng là bác sỹ, y sĩ, hộ sinh, điều dưỡng, dược sỹ... UBND huyện hỗ trợ kinh phí cho cán bộ đi khám; thành lập các tổ phối hợp, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về nội dung, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe theo mô hình phòng khám BSGĐ tại địa phương. Nhờ đó đã nâng cao hiệu quả của mô hình tại 2 xã, có điều kiện thuận lợi để nhân rộng ra nhiều xã trên đia bàn huyện.

Chủ trương phát triển mô hình BSGĐ tại các trạm y tế được đánh giá là giải pháp phù hợp, vừa tận dụng được mạng lưới cơ sở hạ tầng sẵn có, vừa nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh sàng lọc ban đầu có ích cho người dân. Từ việc phát triển mạng lưới BSGĐ, các trạm y tế sẽ có thêm những thầy thuốc giỏi, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho tuyến y tế cơ sở; đồng thời kiểm soát các bệnh mãn tính, bệnh nhẹ cho người dân ngay từ khi phát hiện, tránh để bệnh nặng mới đi chữa; giúp người dân được chăm sóc một cách toàn diện, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của mô hình này, cần sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đến làm hồ sơ và khám sàng lọc, để họ hiểu rõ được những lợi ích trước mắt và lâu dài đối với sức khỏe của bản thân và gia đình. Cán bộ y tế xã và Trung tâm Y tế huyện cần được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên. Đồng thời có những biện pháp để từng bước khắc phục những khó khăn về điều kiện kinh tế… từ đó từng bước nâng cao hiệu quả của mô hình BSGĐ trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: My Ly

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/201908/dong-van-trien-khai-mo-hinh-phong-kham-bac-sy-gia-dinh-748783/