Đồng Văn 'Xây dựng trường mầm non lấy trẻ em làm trung tâm'
Ngày 25.1.2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Kế hoạch số 56/KH-BGDĐT về triển khai Chuyên đề 'Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm' giai đoạn 2016 - 2020.
Đây là một trong những chuyên đề sát thực, có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động tại các cơ sở mầm non trong xu thế thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Qua 5 năm thực hiện, chương trình đã mang lại kết quả tích cực cho ngành Giáo dục nói chung, huyện Đồng Văn nói riêng.
Chuyên đề giáo dục lấy trẻ làm trung tâm tập trung vào 5 tiêu chí: Môi trường giáo dục, kế hoạch giáo dục, tổ chức hoạt động giáo dục, đánh giá sự phát triển của trẻ và sự phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ và cộng đồng. Từ đó, chuyên đề hướng đến cá thể hóa chương trình học, phù hợp với tâm, sinh lí và năng lực từng trẻ, khơi gợi khả năng, sự khám phá. Hiểu được vai trò và ý nghĩa quan trọng của chuyên đề, các đơn vị trường học đã chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng kế hoạch và thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đồng thời, tích cực đổi mới các hoạt động giáo dục theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, tăng cường hoạt động vui chơi, tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm, khám phá, hình thành và phát triển kỹ năng.
Trường Mầm non Liên Cơ, thị trấn Đồng Văn là trường điểm của huyện thực hiện chuyên đề. Nhà trường hiện có 10 lớp, 280 học sinh. Để thực hiện hiệu quả chuyên đề, nhà trường chú trọng đầu tư trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đa dạng; sắp xếp, bố trí các khu vực vui chơi ngoài trời cho trẻ hoạt động thuận tiện. Trong lớp, tạo không gian cho trẻ sáng tạo như: Góc sáng tạo của bé, góc bé tự trang trí… Thường xuyên tổ chức các hội thi xây dựng môi trường giáo dục trong lớp học dưới hình thức trang trí lớp, làm mới đồ dùng, đồ chơi giữa các khối lớp để các em giao lưu, học hỏi và phát huy sự sáng tạo của mình. Chị Hoàng Thị Vinh, có con trai theo học lớp 5 tuổi tại Trường Mầm non Liên Cơ chia sẻ: Qua tìm hiểu, tôi được biết đến chương trình xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm và thấy vô cùng ý nghĩa, thiết thực cho các con. Ở đây, các con được học tập, vui chơi hết sức khoa học, phát huy được thế mạnh, đặc biệt là có sự giao tiếp với bên ngoài. Tôi cũng như nhiều phụ huynh khác đều yên tâm khi để con học tập tại trường.
Cô giáo Trần Thị Sáng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để tạo môi trường tốt nhất cho các con học tập, bên cạnh đảm bảo cơ sở vật chất theo đúng tiêu chí của chuyên đề, chúng tôi cũng chú trọng tới bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ, giáo viên để các cô là người định hướng hiệu quả nhất cho các con. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục cũng được nhà trường thực hiện nhiều năm qua. Từ đó xây dựng môi trường giáo dục tích cực, sáng tạo, giao tiếp cởi mở, thân thiện giữa giáo viên với trẻ, giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với phụ huynh và môi trường xung quanh, tạo cơ hội cho trẻ hình thành nền tảng nhân cách tốt nhất.
Bà Mua Thị Hồng Minh, Trưởng phòng giáo dục huyện Đồng Văn cho biết: Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đã và đang góp phần tạo nên diện mạo mới cho các trường mầm non huyện vùng cao Đồng Văn. Cơ sở vật chất, khu vực học tập, vận động, vui chơi của trẻ em được đầu tư bài bản; chất lượng giáo viên, học sinh từng bước được nâng cao. Chương trình được xây dựng dựa trên hứng thú, nhu cầu và khả năng của trẻ vì vậy sẽ tạo cơ hội cho trẻ được phát triển toàn diện, không chỉ chú trọng tới sự phát triển trí tuệ mà còn nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển thể chất và khả năng giao tiếp xã hội của trẻ.
Hiện, toàn huyện có 20 trường mầm non chính và 144 điểm trưởng lẻ. Ngay từ khi chương trình được triển khai, 20/20 trường đã bắt tay vào thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả tích cực trong công tác nuôi, dạy trẻ. Tuy nhiên, để chuyên đề thực sự đi vào chiều sâu, có hiệu quả, cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành cũng như sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các nguồn xã hội hóa, từ đó chung tay xây dựng được môi trường giáo dục tốt đẹp, ý nghĩa, nuôi dưỡng những mầm non của đất nước.