Tốc độ biến mất của động vật hoang dã trên toàn cầu đang diễn ra nhanh hơn so với những dự đoán trước đây.
Theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc, gần một nửa số loài trên hành tinh đang bị sụt giảm số lượng nhanh chóng và nguy cơ bị tuyệt chủng trong tương lai gần là rất cao.
Con người đã đóng góp một phần không nhỏ trong tình trạng này.
Chúng ta đã xóa sổ một số lượng lớn các loài động vật hoang dã và đẩy nhiều loài khác đến bờ vực tuyệt chủng.
Với tình trạng khai thác, săn bắt trái phép và môi trường sống đang bị tổn hại nghiêm trọng, việc các loài động vật có thể tồn tại đang được đặt dấu hỏi lớn.
Điều này đã khiến một số nhà khoa học cho rằng chúng ta đang bước vào thời kỳ đại tuyệt chủng thứ 6, và lần này là do con người gây ra.
Những gì đang xảy ra không chỉ ảnh hưởng đến việc duy trì sự đa dạng sinh học, mà còn ảnh hưởng đến tất cả các mặt của cuộc sống trên hành tinh này của chúng ta.
Theo nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Đánh giá sinh học mới đây, 48% các loài trên toàn cầu đang suy giảm về số lượng, với chưa đầy 3% có sự gia tăng.
Daniel Pincheira-Donoso, nhà nghiên cứu tại Trường Khoa học Sinh học tại Đại học Queen's Belfast cho biết trong nhiều thập kỷ, cuộc khủng hoảng tuyệt chủng đã được xác định bởi “các hạng mục bảo tồn” mà Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), gán cho từng loài mà họ đánh giá tại một thời điểm nhất định.
Dựa trên phương pháp đó, Danh sách đỏ các loài bị đe dọa của IUCN đã xếp hạng khoảng 28% các loài đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Ông Pincheira-Donoso cho biết nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp không nhằm chỉ ra các loài đang bị đe dọa hay không, mà thay vào đó, liệu quy mô quần thể của chúng có đang trở nên ngày càng nhỏ hơn hay không. Xu hướng giảm dân số theo thời gian là tiền thân của sự tuyệt chủng.
Theo đánh giá này, 33% các loài hiện được phân loại là “không bị đe dọa” trong Sách đỏ của IUCN trên thực tế đang suy giảm dần tới mức tuyệt chủng.
Xem thêm video: Khó tin những cách mà động vật áp dụng để sinh tồn.
Thiên Trang (TH)