Động vật hồi sinh kỳ diệu sau 30 năm bị đông lạnh

Lâu nay, gián được đánh giá là loài có khả năng sinh tồn hàng đầu trong thế giới động vật, có thể chống chịu được cả vụ nổ bom hạt nhân. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện, loài tardigrade hay còn gọi là 'gấu nước', thậm chí còn sở hữu sự dẻo dai tuyệt vời hơn nhiều.

Theo trang New Scientist, “gấu nước” thuộc nhóm sinh vật không xương sống, di chuyển chậm như rùa và “bà con” với họ chân đốt. Loài vật tí hon này có chiều dài cơ thể thường không quá 1mm với hình thù kỳ lạ, có 4 ngấn trên lưng, 8 chân mũm mỉm, móng nhỏ xíu và đầu luôn cúi xuống như đang tìm kiếm vật gì đó. Tên gọi của chúng có thể xuất phát từ ngoại hình giống như gấu.

Theo báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí ScienceDirect, điều kỳ diệu xảy ra khi các chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu địa cực quốc gia của Nhật cố gắng "đánh thức" những mẫu vật thu thập được cách đây 30 năm ở Nam cực.

Gấu nước

Gấu nước

"Chúng tôi do đó đã ghi chép lại các điều kiện hồi phục và sinh sản ngay lập tức sau sự hồi sinh của các cá thể tardigrade trích lấy từ một mẫu rêu đóng băng thu được ở Nam cực năm 1983 và lưu trữ ở nhiệt độ -20°C suốt 30,5 năm qua. Các ghi chép về quá trình hồi sinh 2 cá thể cũng như quá trình phát triển của một trứng riêng rẽ ở loài gấu nước nam cực đã cung cấp bằng chứng về kỷ lục sống sót của một loài động vật hoặc trứng", trích tuyên bố của nhóm nghiên cứu.

Báo The Mainichi dẫn lời đại diện nhóm nghiên cứu tiết lộ thêm rằng, họ đã lấy các mẫu rêu chứa cả gấu nước gần trạm nghiên cứu Showa Station ở Nam cực cách đây 30 năm và lưu trữ chúng trong máy đông lạnh của viện nghiên cứu. Cả hai mẫu SB-1 và SB-2 đều bắt đầu động đậy khi chúng được rã đông.

Trong đó, mẫu SB-1 cho thấy cử động nhẹ đầu tiên ở cặp chân thứ 4, vào ngày thứ nhất sau quá trình tái hyđrat hóa. Mọi việc tiến triển theo hướng ngọ ngoạy cơ thể từ ngày thứ 5 cùng với sự cử động ở cặp chân thứ nhất và thứ hai, nhưng các cử động vật còn chậm. Sau khi bắt đầu nỗ lực nhấc mình vào ngày thứ 6, SB-1 bắt đầu bò chậm trên bề mặt thạch trắng của đĩa nuôi cấy vào ngày thứ 9, và bắt đầu ăn tảo được cung cấp trên đĩa nuôi cấy vào ngày thứ 13.

Tóm lại, SB-1 mất khoảng 1 tuần để hồi phục hoàn toàn. Điều này ám chỉ, chúng có thể làm ngừng các tổn hại oxy hóa xảy ra bên trong cơ thể. Song, nó cũng ám chỉ, gấu nước vẫn cần thời gian để hàn gắn bất kỳ tổn thương nào xảy ra trong lúc ở trạng thái đông lạnh do SB-1 không ăn trong 2 tuần đầu tiên tỉnh thức.

Một trong 2 cá thể gấu nước đã chết sau 20 ngày rã đông, nhưng mẫu vật thứ hai bắt đầu sinh sản sau 23 ngày được "đánh thức". Một búi trứng được phát hiện bám dính vào rêu và đã ấp nở trong vòng 6 ngày sau đó.

Nhóm nghiên cứu tin rằng, gấu nước đông lạnh 30 năm vẫn sống sót và chức năng sinh sản vẫn được bảo tồn do khả năng giữ các tổn hại đối với tế bào và gen của nó ở mức tối thiểu trong các điều kiện đóng băng. Họ dự kiến sẽ tiếp tục kiểm tra tổn hại đối với các gen và chức năng hồi sinh của gấu nước để tìm ra cơ chế sống sót dài hạn của loài vật này.

Các chuyên gia hy vọng, những khám phá của họ rốt cuộc sự giúp mở rộng sự hiểu biết về các cơ chế và điều kiện quyết định sự bảo tồn và hồi sinh của gấu nước.

Theo Tuấn Anh/Vietnamnet

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/dong-vat-hoi-sinh-ky-dieu-sau-30-nam-bi-dong-lanh/20210216020926068