Động vật sở thú 'nhớ' bóng du khách trong đại dịch COVID-19

Một số sở thú khắp nơi trên thế giới cho biết các loài động vật đang trở nên 'cô đơn' vì thiếu vắng du khách.

Theo kênh BBC (Anh), các sở thú nhiều nơi phải đóng cửa để phòng dịch bệnh COVID-19.

Một số động vật có dấu hiệu nhớ con người. Ảnh: Getty Images

Một số động vật có dấu hiệu nhớ con người. Ảnh: Getty Images

Tại sở thú Phoenix (Mỹ), nhân viên trông coi các con thú phải “hẹn hò” ăn trưa cùng voi, đười ươi và một con chim thích giao lưu với con người. Các loài khỉ cũng đang nhớn nhác tìm bóng dáng du khách.

Sở thú Dublin ở Ireland cho biết động vật ở đây cũng đang “tự hỏi chuyện gì xảy ra với con người”. Giám đốc sở thú, ông Leo Oosterweghel cho biết các con vật nhìn ông đầy ngạc nhiên. Ông nói: “Chúng xuất hiện với vẻ ngoài đẹp đẽ. Chúng quen với sự có mặt của du khách”.

Tại công viên hoang dã Orana ở New Zealand, tê giác và hươu cao cổ thường xuất hiện để “gặp công chúng” vào giờ thường ngày. Phát ngôn viên Nathan Hawke nói: “Vẹt và khỉ đột dường như đặc biệt nhớ con người. Chúng thực sự thích nhìn thấy đám đông”.

Nhân viên sở thú phải ăn trưa cùng voi cho chúng đỡ buồn. Ảnh: BBC

Nhân viên sở thú phải ăn trưa cùng voi cho chúng đỡ buồn. Ảnh: BBC

Sở thú Phoenix thậm chí còn thấy các động vật thay đổi hành vi. Giám đốc truyền thông Linda Hardwick nói với BBC: “Chúng tôi nhận thấy một số loài động vật thích ‘giao du’ không ưa gì lệnh giãn cách xã hội và ở nhà. Khỉ đặc biệt chú ý tới việc du khách biến mất và nháo nhác tìm họ”.

Ông Paul Rose, giảng viên về hành vi động vật tại Đại học Exeter, cho rằng không có du khách, một số động vật không có hứng thú. Ông nói: “Một số cá thể, như khỉ và vẹt, hứng khởi khi nhìn và tương tác với du khách. Điều này rất có lợi cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống của động vật. Nếu không còn sự khuyến khích từ du khách, động vật thiếu hứng khởi”.

Theo ông Rose, để giúp động vật bận rộn, chúng cần được thả trong khu vực của chúng như bình thường.

Tại sở thú Phoenix, nhân viên trông coi thú tìm cách dành càng nhiều thời gian bên chúng càng tốt. Bà Hardwick kể: “Chuồng chim nhiệt đới của chúng tôi có một con chim rất đặc biệt và thích giao du. Đó là Dynah, con chim sáo Bali biết nói tiếng người. Nó nhớ sự quan tâm của du khách. Nhân viên chăm sóc chim phải thăm nom cô nàng thường xuyên để nàng bớt cô đơn”.

Nhân viên ở Slimbridge phải cho chim chóc ăn để chúng quen thuộc với con người. Ảnh: BBC

Nhân viên ở Slimbridge phải cho chim chóc ăn để chúng quen thuộc với con người. Ảnh: BBC

Tại quỹ bảo tồn vùng đầm lầy và chim săn bắn ở Slimbridge, Anh, nhân viên quỹ tiếp tục bầu bạn với vịt và ngỗng như du khách. Họ rắc hạt cho chúng ăn và đi xung quanh khu vực của chúng để đảm bảo chúng quen với việc có con người ở bên.

Trái lại, một số động vật lại nhanh chóng quên con người khi thiếu vắng du khách. Thủy cung Sumida ở Tokyo, Nhật Bản đã đề nghị mọi người “trò chuyện” với cá chình qua FaceTime để chúng thấy thoải mái khi có con người xung quanh. Loài động vật này lẩn trốn mỗi khi nhìn thấy người tiếp cận khu vực của chúng. Hiện tượng này khiến nhân viên chăm sóc rất lo lắng.

Người dân gọi điện qua FaceTime tới thủy cung để trò chuyện với cá chình. Ảnh: BBC

Người dân gọi điện qua FaceTime tới thủy cung để trò chuyện với cá chình. Ảnh: BBC

Vốn nhút nhát nhưng chúng đã quen với sự có mặt của hàng trăm người nhòm vào bể. Do đó, khi thủy cung đóng cửa từ ngày 1/3, chúng bắt đầu vùi mình xuống cát khi có người đi qua. Điều này khiến nhân viên chăm sóc khó kiểm tra sức khỏe của chúng.

Họ đã phải cầu xin mọi người gọi điện qua FaceTime tới thủy cung để cho loài vật này nhìn mặt, nhắc chúng rằng con người rất thân thiện.

Loài động vật này rất nhút nhát. Ảnh: Getty Images

Loài động vật này rất nhút nhát. Ảnh: Getty Images

Khi mà lệnh giãn cách xã hội vẫn được duy trì, hiện chưa rõ bao giờ các sở thú và công viên hoang dã có thể mở cửa trở lại.

Tại Đức, các sở thú đã mở cửa lại cho du khách nhưng với một số nước, thời gian mở cửa còn chưa rõ.

Liệu có cần phải lo ngại về việc động vật ngạc nhiên khi thấy con người trở lại?

Ông Rose nói: “Tôi cho rằng nhiều động vật sở thú khá dạn dĩ và sẽ quen với sự thay đổi trong nhịp sống hàng ngày. Nhưng mở cửa lại các chuồng thú theo từng giai đoạn sẽ tốt hơn để đảm bảo thay đổi tiếng ồn đột ngột từ yên lặng sang huyên náo không ảnh hưởng xấu tới động vật. Nhân viên sở thú vẫn tiếp tục hiện diện nên các động vật sẽ không đột ngột xa lạ với con người”

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/dong-vat-so-thu-nho-bong-du-khach-trong-dai-dich-covid19-20200503223259557.htm