Đồng Việt Nam đã mất giá 4% kể từ đầu năm so với USD
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỷ giá đồng Việt Nam so với Đô la Mỹ từ đầu năm đã tăng khoảng 4%, tương ứng với tỷ lệ mất giá của đồng Việt Nam so với ngoại tệ này.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho biết tỷ lệ mất giá của đồng Việt Nam như vậy vẫn ở mức ít hơn nhiều so với tỷ lệ mất giá của nhiều ngoại tệ khác.
Tỷ giá hôm nay (22/9): USD trung tâm tiếp đà tăng sau 1 phiên đứng giá Tỷ giá hôm nay (23/9): USD trung tâm tiếp tục tăng thêm 8 đồng
Theo Ngân hàng Nhà nước, nếu tính đến 20/9/2022, so với cuối năm 2021, nhiều đồng tiền chủ chốt trong khu vực và trên thế giới đã mất giá mạnh so với USD.
Cụ thể, đồng tiền Đài Loan (TWD giảm 13,5 %; đồng Baht Thái Lan (THB) giảm 11,95%; Yên Nhật Bản (JPY) giảm 25,18%; Won Hàn Quốc (KRW) giảm 17,57%; đồng Peso Philippines (PHP) giảm 13,65%; đồng Kyat của Myanmar (MYR) giảm 9,67%. Đồng Rupiah của Indonesia (INR) cũng giảm giá 7,44%; đồng Nhân dân tệ Trung Quốc (CNY) giảm 10,9%; Đồng tiền chung châu Âu Euro (EUR) giả 13,49%; đồng Bảng Anh (GBP) giảm 20,02%...
Việc các đồng tiền trên thế giới mất giá so với USD chủ yếu do bị tác động bởi động thái tăng lãi suất liên tục của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong thời gian qua.
Gần đây nhất vào ngày 22/9, lãi suất cho vay cơ bản của FED vừa được điều chỉnh tăng thêm 0,75 điểm phần trăm, dao động trong biên độ từ 3-3,25%.
Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 liên tiếp của Mỹ trong năm nay, đồng thời cũng là lần thứ 3 liên tiếp FED tăng lãi suất với mức 0,75 điểm phần trăm. Dự kiến đến cuối năm 2022, FED sẽ đưa lãi suất mục tiêu lên trên 4% và tiếp tục duy trì mức lãi suất này đến hết năm 2023.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc điều chỉnh tăng lãi suất điều hành mới đây cũng là một trong những giải pháp để Việt Nam giữ ổn định tỷ giá không bị tăng quá cao trong thời gian tới./.