Dòng vốn ETF đang khuấy đảo TTCK Việt

Làn sóng mua vào dữ dội của khối ngoại trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam 2 tháng trở lại đây đang gây bất ngờ lớn. Từ chỗ bị đánh 'tụt hạng' xuống hàng 'nhỏ lẻ' khi chỉ chiếm trung bình 6-7% giao dịch hàng ngày, tỷ trọng mua vào của khối ngoại từ tháng 10 đến 2 tuần đầu tháng 12 này đã chiếm gần 14%.

Bên cạnh những nguồn vốn “ẩn danh” được tính chung vào số liệu giao dịch của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, dòng vốn ETF “có danh tính” đã nổi lên như một “tay chơi lớn”.

Dòng vốn châu Á nổi bật

2 quỹ ETF châu Âu rất quen thuộc với số đông NĐT là quỹ The Market Vector Vietnam ETF của Công ty quản lý quỹ Van Eck Global (được gọi tắt là quỹ V.N.M), và các quỹ của FTSE Russell là FTSE Vietnam và FTSE Vietnam All-Share. Thực ra các quỹ ETF ngoại đầu tư vào TTCK Việt Nam khá nhiều, nhưng chủ yếu là phân bổ một tỷ trọng vốn không lớn hoặc quy mô nhỏ.

Nhưng với 2 quỹ này được NĐT biết đến nhiều hơn, do phân bổ tỷ trọng lớn vào Việt Nam đủ để gây ra hiệu ứng từ các đợt tái cơ cấu danh mục định kỳ. Bên cạnh đó cũng có khá nhiều quỹ ít được chú ý hơn như KIM KINDEX Vietnam VN30, Premia MSCI Vietnam, iShare MSCI Frontier...

Tuy nhiên, dòng vốn đến từ châu Á mà chủ đạo là Thái Lan và Đài Loan mới là các quỹ “chiếm sóng” giao dịch trong những tháng gần đây. Khởi động từ 2018, các NĐT Thái Lan chủ yếu rót tiền thông qua hình thức mua chứng chỉ lưu ký (Depositary Receipts, viết tắt là DR), chẳng hạn DR FUEVFVND do Bualuang Securities phát hành để đầu tư vào quỹ ETF nội DCVFM VNDiamond ETF.

Số liệu đến ngày 7-12 do Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan công bố, thì lượng chứng chỉ lưu ký này tới gần 169,83 triệu, đạt vốn hóa quy đổi hơn 3.800 tỷ đồng. Hay như lượng chứng chỉ DR E1VFVN30 để đầu tư vào quỹ DCVFM VN30 ETF cũng tới 238,83 triệu, đạt vốn hóa quy đổi gần 4.200 tỷ đồng.

Số lượng chứng chỉ lưu ký FUEVFVND (trái) và E1VFVN30 (phải) tăng đột biến kể từ đầu tháng 10-2022 đến nay. Nguồn: Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan.

Số lượng chứng chỉ lưu ký FUEVFVND (trái) và E1VFVN30 (phải) tăng đột biến kể từ đầu tháng 10-2022 đến nay. Nguồn: Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan.

Số liệu cũng cho thấy sự gia tăng khối lượng chứng chỉ lưu ký là đột biến kể từ đầu tháng 10-2022 tới nay. Cụ thể, thời điểm cuối tháng 9-2022, lượng DR FUEVFVND mới là 78,86 triệu, nhưng đến ngày 7-12 đã là 169,83 triệu, tương đương tăng gần 2,2 lần chỉ trong hơn 2 tháng. Chứng chỉ này mới được phát hành từ cuối tháng 3-2022 với khối lượng ban đầu 23,26 triệu đơn vị.

Tương tự, DR E1VFVN30 sau khi có thời điểm thoái trào trong 4 tháng đầu năm 2022, khối lượng tụt xuống khoảng 163,1 triệu đơn vị thời điểm giữa tháng 4-2022, thì đến cuối tháng 9-2022 phục hồi lên 180,48 triệu đơn vị và hiện là 238,83 triệu đơn vị, cũng là tăng 1,3 lần trong hơn 2 tháng.

Mặc dù đón nhận dòng vốn lớn từ các NĐT Thái Lan, nhưng các quỹ ETF nội này giao dịch trên TTCK Việt Nam và không ghi nhận vào số liệu khối ngoại. Thống kê từ Fiin, quỹ VNDiamond từ đầu tháng 10 tới ngày 6-12 hút ròng khoảng 3.302,7 tỷ đồng. Quỹ VN30 hút ròng 1.398,5 tỷ đồng.

Dòng vốn Đài Loan gần đây nổi bật nhờ hoạt động sôi động từ quỹ Fubon ETF. Khởi động từ cuối tháng 3-2021 và niêm yết ngày 19-4-2021, nhưng quỹ này thu hút chú ý khi liên tục tăng quy mô. Mới nhất cuối tháng 11 vừa qua quỹ được chấp thuận huy động vốn bổ sung lần thứ 4 với quy mô lên đến 5 tỷ Đài tệ, tương đương gần 4.000 tỷ đồng. Thống kê của Fiin cũng cho thấy từ đầu tháng 10-2022 đến nay, quỹ này hút vốn ròng không thua kém gì các quỹ VNDiamond và VN30 khi có thêm tới 4.810,5 tỷ đồng.

Số liệu 11 tháng của năm 2022, ghi nhận lượng vốn lũy kế vào ròng TTCK Việt Nam qua các quỹ ETF lên tới 18.600 tỷ đồng. Chỉ riêng từ đầu tháng 10 tới ngày 6-12, lượng vốn vào ròng khoảng 13.357 tỷ đồng. Trong đó, tới hơn 71% (khoảng 9.512 tỷ đồng) là vào thông qua các quỹ Fubon, VNDiamond và VN30, với bóng dáng đậm nét của dòng vốn Thái Lan và Đài Loan. Trong khi đó khoảng 25% (3.315 tỷ đồng) là vốn vào ròng thông qua các quỹ châu Âu như V.N.M, FTSE, iShare MSCI Frontier.

Cơ hội trong một thị trường lao dốc kỹ thuật

Không phải ngẫu nhiên TTCK Việt Nam bất ngờ thu hút được nhiều tiền như vậy. Tháng 10 là giai đoạn thị trường Việt Nam sụt giảm dưới áp lực giải chấp chéo liên quan đến hoạt động cầm cố cổ phiếu, cũng như những áp lực thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khiến gần như tất cả các cổ phiếu niêm yết đều bị vạ lây. Rất nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bình thường cũng giảm giá trị, nhiều mã trong số này thuộc danh mục đầu tư của các quỹ. Trong khi đó kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cơ bản vẫn tăng trưởng, nền kinh tế khá ổn định, thậm chí còn có tốc độ tăng trưởng cao. Đó chính là lý do giúp các quỹ thuyết phục được NĐT rót nhiều tiền hơn.

TTCK Việt Nam cũng có nhiều nét tương đồng với TTCK Thái Lan hay Đài Loan. Các NĐT trên 2 thị trường này đều trải qua giai đoạn phát triển cận biên giống nhau, chưa kể đến các nét tương đồng về văn hóa, con người. Mặt khác, sau thời gian dài giữ giá so với các đồng tiền khác trong khu vực, VNĐ giảm giá nhiều hơn từ tháng 10 vừa qua cũng khiến lợi thế chuyển đổi tiền tệ trở nên hấp dẫn.

Thực tế cho thấy, dòng vốn ETF từ đầu tháng 10 tới nay chính là một lực lượng quan trọng giúp TTCK Việt Nam tạo đáy. Thống kê trên sàn HoSE, quy mô mua ròng từ đầu tháng 10 tới ngày 6-12 của NĐT nước ngoài lên tới 20.784 tỷ đồng, trong đó mua ròng riêng cổ phiếu là gần 18.707 tỷ đồng. Riêng trong tháng 11 mức vốn mua ròng là gần 16.000 tỷ đồng, và tổng mức giải ngân của khối ngoại chiếm tới 17,5% tổng giá trị giao dịch của HoSE.

Tháng 10 là giai đoạn TTCK Việt Nam sụt giảm dưới áp lực giải chấp chéo liên quan đến hoạt động cầm cố cổ phiếu, cũng như những áp lực thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khiến gần như tất cả các cổ phiếu niêm yết đều bị vạ lây. Trong khi đó kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cơ bản vẫn tăng trưởng.

NGUYÊN HÀ

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chung-khoan/dong-von-etf-dang-khuay-dao-ttck-viet-112030.html