Dòng vốn tiếp tục đổ mạnh vào lĩnh vực chăn nuôi

Dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng vốn đầu tư đổ vào lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam vẫn đang tiếp tục được các nhà đầu tư trong và ngoài nước 'rót' mạnh.

Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) vừa đưa vào hoạt động trại heo thịt quy mô 48.000 con tại huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Trại chăn nuôi có diện tích 40 ha với tổng vốn đầu tư gần 400 tỉ đồng nhằm cung ứng nguồn thịt sạch, an toàn cho thị trường...

Đầu tư công nghệ cao cho chăn nuôi

Với quy mô 24 khu chuồng trại đạt công suất 48.000 heo thịt, dự án này của Japfa Việt Nam dự kiến sẽ cung ứng cho thị trường hơn 100.000 con, tương đương hơn 11.000 tấn mỗi năm.

Trao đổi riêng với VnBusiness, ông Arif Widjaja - Tổng Giám đốc công ty Japfa Việt Nam cho biết: “Đây là trại heo tiên phong tại Việt Nam được thiết kế và xây dựng theo mô hình hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến của thế giới”. Theo đó, để nâng cao hiệu suất sử dụng, dự án được xây dựng theo công nghệ hoàn toàn tự động, dễ dàng vệ sinh nhờ sử dụng 100% tấm đan, tiết kiệm diện tích xây dựng đến 40%, giảm chi phí vận hành và thân thiện với môi trường nhờ vào hệ thống xử lý nước thải áp dụng theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của cơ quan quản lý.

Ông Arif Widjaja - Tổng Giám đốc công ty Japfa Việt Nam.

Ông Arif Widjaja - Tổng Giám đốc công ty Japfa Việt Nam.

Dù đang vận hành 6 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, hơn 1.000 trang trại chăn nuôi gia cầm và gia súc cùng hệ thống hơn 40 cửa hàng bán các sản phẩm thịt tươi sống và thực phẩm chế biến thương hiệu Japfa Best. Với nguồn nhân lực hơn 5.000 nhân viên có trình độ và tay nghề cao, Japfa vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, góp phần phát triển ngành chăn nuôi tại Việt Nam.

Một trong những lý do khiến Japfa tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam được ông Arif Widjaja giải thích, Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm của Japfa tại khu vực châu Á. Japfa Việt Nam luôn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược mở rộng của tập đoàn, hướng đến mục tiêu đưa ngành sản xuất chăn nuôi tại Việt Nam vào nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Chính vì thế, sự kiện Japfa chính thức đưa vào hoạt động trang trại quy mô 48.000 heo thịt có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn chỉnh chuỗi chăn nuôi khép kín từ di truyền, nguồn giống, thức ăn chăn nuôi, quy cách chuồng trại, tiêu chuẩn dinh dưỡng và an toàn sinh học.

“Chúng tôi kỳ vọng rằng, khi dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần tích cực vào việc bình ổn giá ngành heo, cũng như tiên phong trong mô hình chăn nuôi, quy cách chuồng trại và nâng cao tiêu chuẩn của ngành chăn nuôi tại Việt Nam”, ông Arif Widjaja - Tổng giám đốc công ty nói, đồng thời cho biết trại heo tại Phú Riềng được thiết kế và xây dựng theo mô hình hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến của thế giới.

Không chỉ riêng gì Japfa Việt Nam, gần đây nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đang "đổ" tiền tỷ để tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, vốn được xem là thị trường còn nhiều tiềm năng ở Việt Nam.

Đầu tháng 3 này, công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam vừa công bố Nghị quyết về việc đầu tư vào 2 công ty có trại nuôi quy mô 10.000 nái và 120.000 heo thịt mỗi lứa tại Gia Lai.

Trước đó, đầu năm nay, công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC) và công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam cũng ký kết hợp tác trong việc phát triển chăn nuôi lợn với mục tiêu đạt 1 triệu con đến năm 2028 tại các tỉnh phía Nam từ Đà Nẵng trở vào. Theo thỏa thuận, Dabaco sẽ cung cấp giống, thức ăn, thuốc thú y, kỹ thuật, còn TSC sẽ tìm địa điểm, xây dựng chuồng trại và trang thiết bị chăn nuôi. Tổng vốn đầu tư của liên doanh là 3.000 tỷ đồng, trong đó TSC đóng góp 55% và Dabaco góp 45% giá trị. Trước đó, HĐQT Dabaco cũng đã thông qua việc thành lập Công ty TNHH Dabaco Thanh Hóa với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi lợn và sản xuất lợn giống.

Năm ngoái, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cũng rót 1.000 tỷ đồng vào trái phiếu kỳ hạn 7 năm của doanh nghiệp sản xuất heo giống và thức ăn chăn nuôi GreenFeed Việt Nam. Khoản đầu tư này là cơ sở để doanh nghiệp nâng cao công suất chăn nuôi hướng đến mục tiêu cung ứng 125.000 tấn heo thịt mỗi năm cho thị trường vào năm 2023.

Hiện tại, cả nước đã có khoảng hơn 50 dự án chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ cao và chăn nuôi theo quy trình khép kín được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, với số vốn hàng tỷ USD.

Đảm bảo phát triển bền vững

Theo nhận định mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), chiến sự Nga-Ukraine sẽ làm ảnh hưởng lớn đến thương mại thịt toàn cầu, giá thực phẩm, trong đó có giá thịt lợn có thể sẽ tăng cao hơn. Đặc biệt là khi chịu những tác động tiêu cực từ các biện pháp trừng phạt, nhiều khả năng Nga sẽ cấm xuất khẩu thịt bò và thịt lợn trong tương lai để đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu trong nước. Điều này càng đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc cần phát triển nguồn cung thịt trong nước để giảm lệ thuộc vào thịt nhập khẩu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, ngành chăn nuôi xuất khẩu 434 triệu USD, tăng 2,1% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 111 triệu USD, tăng 8%; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 116 triệu USD, tăng 18,5%. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2021 lên tới 3,4 tỷ USD, giảm 3,4% so với năm 2020. Bao gồm 1,2 tỷ USD giá trị nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa, tăng 13%; 1,4 tỷ USD giá trị nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật, tăng 17%.

Việc ngày càng có nhiều DN đầu tư quy mô lớn, bài bản sẽ giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững hơn.

Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, so với trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi, hiện nay các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn đã tăng trưởng trên 160%. Trong đó, 16 tập đoàn trong và ngoài nước chiếm khoảng 23% tổng đàn lợn đã áp dụng công nghệ chăn nuôi, giết mổ phân phối hiện đại, tạo ra tiền đề quan trọng để ngành chăn nuôi Việt Nam tái cấu trúc tập trung vào sản xuất lớn.

Xu hướng hiện nay của các DN đều là đầu tư theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, giết mổ - chế biến. Qua đó giúp kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất cũng như chi phí, giúp mang lại sản phẩm chất lượng với giá thành hợp lý. Với việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường, nhiều DN còn đặt kỳ vọng trong tương lai Việt Nam có thể xuất khẩu thịt heo chính ngạch ra thị trường quốc tế, tương tự như câu chuyện thành công của thịt gà thời gian qua.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo hiện nay sự mất cân bằng giữa lĩnh vực đầu tư trực tiếp vào chăn nuôi và giết mổ với lĩnh vực sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm cũng đang ngày càng gia tăng. Ngành thức ăn chăn nuôi hiện nay mỗi năm phải chi ra gần 4 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản. Do đó, việc mở rộng đầu tư chăn nuôi cần song hành với việc đảm bảo nguồn cung thức ăn chăn nuôi để đảm bảo ngành chăn nuôi phát triển nhanh và bền vững.

Theo dự báo, thị trường chăn nuôi toàn cầu sẽ tăng trở lại vào nửa sau của năm 2022 do các nước trong đó có Việt Nam cơ bản đã khống chế được dịch, thực hiện chính sách mở cửa an toàn, sống chung với dịch. Nếu dự báo này đúng, chuỗi cung ứng thức ăn chăn nuôi và sản phẩm chăn nuôi sẽ dần trở lại như trước khi có dịch, giúp giá thức ăn xuống thấp theo đúng giá trị, chi phí vận chuyển hàng hóa giảm, nguồn lao động ngành chăn nuôi dồi dào…

Rõ ràng, đây là cơ hội lớn nhất, quan trọng nhất của ngành chăn nuôi toàn cầu nói chung và ngành chăn nuôi Việt Nam nói riêng trong năm 2022. Do đó, việc các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi như Japfa Việt Nam và các doanh nghiệp trong và ngoài nước khác tiếp tục mở rộng đầu tư vào chăn nuôi được xem là phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Trà My

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/dong-von-tiep-tuc-do-manh-vao-linh-vuc-chan-nuoi-1084366.html