Đồng yen giảm về mức thấp mới trong 24 năm, Nhật Bản lo ngại nhưng chưa vội can thiệp
Đồng yen giảm về mức thấp mới trong 24 năm, khiến các quan chức cấp cao chính phủ Nhật Bản đưa ra những phát biểu mạnh mẽ nhất từ trước đến nay về khả năng can thiệp để chặn đứng đà giảm. Dù vậy, giới phân tích cho rằng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ vẫn duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ hiện nay vì động thái tăng lãi suất khó giúp vực dậy đồng yen.
Vào đầu giờ chiều nay (7-9), theo giờ địa phương, đồng yen có lúc giảm hơn 1%, về mức 144,38 yen ăn 1 đô la Mỹ, ngưỡng thấp mới trong 24 năm khi giới đầu tư tiếp tục bán đồng yen do lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất.
“Các dữ liệu kinh tế mạnh mẽ khiến giới đầu tư tin rằng Fed sẽ duy trì lập trường siết chặt chính sách tiền tệ và có thể tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm vào cuối tháng này”, Yukio Ishizuki, nhà chiến lược hối đoái cấp cao ở Công ty chứng khoán Daiwa Securities, nhận định.
Ishizuki cho biết, áp lực mua đồng đô la sẽ còn duy trì trong một thời gian nữa sau khi đô la tăng nhanh so với đồng yen từ mức 1 đô la đổi 140 yen vào hôm qua. Các nhà nhập khẩu Nhật Bản cũng đang mua mạnh đô la để thanh toán cho các lô hàng nhập khẩu.
Trong cuộc trao đổi với Financial Times hôm 7-9, Thomas Barkin, Chủ tịch Ngân hàng dự trữ khu vực Richmon, một trong 12 ngân hàng khu vực của Fed, nhấn mạnh Fed cần phải tăng lãi suất lên mức giúp kiềm chế các hoạt động kinh tế và cho đến lúc các nhà hoạch định chính sách tin rằng lạm phát đã được kiểm soát thực sự.
Tại cuộc họp báo ở Tokyo hôm 7-9, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nói ông lo ngại trước đà “giảm giá nhanh, một chiều” của đồng yen và Nhật Bản sẽ cần phải hành động nếu đà giảm tiếp tục.
Đây là những ngôn ngữ mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của giới chức trách Nhật Bản để bày tỏ khả năng can thiệp tỷ giá. Ông nói: “Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi các chuyển động trên thị trường ngoại hối với tinh thần khẩn trương và thực hiện các phản ứng cần thiết nếu các chuyển động như vậy tiếp tục”.
Hãng tin Kyodo News dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết ông đang quan sát chặt chẽ sự suy yếu của đồng yen. Đồng yen của Nhật Bản đã giảm giá 20% trong năm nay và đã vượt qua đợt giảm giá hàng năm tồi tệ nhất trước đó vào năm 1979.
Đợt bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ trong trong tháng này đã nới rộng chênh lệch lợi
suất giữa trái phiếu chính phủ Mỹ và trái phiếu chính phủ Nhật Bản, đẩy đồng đô la tăng giá, còn đồng yen rơi xuống mức thấp nhất trong 24 năm.
Những phát biểu mạnh mẽ của các quan chức chính phủ không đủ để ngăn chặn sự trượt giá tiếp tục của đồng yen. Teppei Ino, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu tại Ngâm hàng MUFG Bank, nói: “Mặc dù giai đoạn can thiệp bằng lời nói đã trở nên ấn tượng hơn một chút, nhưng độ nhạy cảm của thị trường đối với các phát biểu đó có thể giảm xuống vì hiện tại mối quan tâm chính của giới đầu tư là liệu sẽ có một sự can thiệp thực sự hay không. Một sự can thiệp bằng lời nói mạnh mẽ hơn hoặc một cuộc họp ba bên thực tế giữa Ngân hàng trung ương Nhật Bản BOJ, Bộ Tài chính (MoF) và Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản (FSA) có vai trò quan trọng hơn đối với thị trường”.
Tỷ giá đồng yen so với đô la vượt ngưỡng 144 yen ăn 1 đô la lần đầu tiên từ năm 1998 sẽ gia tăng sức ép cho Thống đốc BoJ, Haruhiko Kuroda, người vẫn “ngược dòng” với xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu, cũng như sự tín nhiệm của Thủ tướng Fumio Kishida, người ủng hộ lập trường của ông Kuroda.
Mari Iwashita, nhà kinh tế trưởng thị trường tại Công ty Daiwa Securities, nhận định: “MoF và BoJ có thể tin rằng giai đoạn hiện tại rõ ràng là sức mạnh của đồng đô la, chứ không phải vấn đề của đồng yen. Điều này không mấy có nghĩa đối với thái độ khẩn cấp hay sự cần thiết đối với BoJ để điều chỉnh chính sách”.
Hồi tháng 6, khi đồng yen lao dốc mạnh, sau cuộc họp ba bên giữa MoF, BoJ và FSA, các quan chức Nhật Bản cho biết họ sẽ hành động can thiệp nếu cần thiết, mà không nói rõ hành động đó là gì. Lần cuối cùng Nhật Bản can thiệp để hỗ trợ đồng yen là vào năm 1998, thời điểm phần lớn châu Á đang rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính khu
vực.
Ông Kuroda đã nhiều lần nói rằng chính sách ngoại hối là nhiệm vụ của MoF, không phải của BOJ, trong khi vẫn giữ lập trường của ông về việc duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục để hỗ trợ nền kinh tế và tạo ra một hình thức lạm phát ổn định hơn. Ông đã nhấn mạnh rằng một sự điều chỉnh chính sách để xoay chuyển tình thế tiền tệ phần lớn không có tác dụng.
Harumi Taguchi, nhà kinh tế chính tại S&P Global Market Intelligence, nói: “Tôi nghĩ ông Kuroda đã đúng vì các mức tăng lãi suất nhỏ của BoJ sẽ không ngăn được xu hướng giảm giá của đồng yen”.
Taguchi cho rằng ngoài việc cung cấp nhiều sự hỗ trợ hơn để kìm hãm giá cả tăng do đồng yen mất giá, các lựa chọn khác là hạn chế đối chính phủ Nhật Bản. Bà nói: “Nhật Bản chỉ có thể đơn phương can thiệp vào ngoại hối nhưng điều này sẽ không đảo ngược xu hướng giảm giá của đồng yen ngoài sau cú bật nảy tạm thời”.
Katsutoshi Inadome, nhà chiến lược tại Công ty Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities ở Tokyo, cho biết: “Ông Kuroda cũng đã nói sau cuộc họp hồi tháng 7 rằng ông không tin đồng yen sẽ ngừng suy yếu chỉ bằng cách tăng lãi suất một chút. Phát biểu đó trên thực tế loại bỏ bất kỳ khả năng điều chỉnh chính sách nào”.
BoJ có thể sẽ duy trì chính sách kích thích lớn hiện nay, ngay cả khi lạm phát được dự báo sẽ lên tới 3% trong những tháng tới, để đảm bảo nhu cầu trong nước đủ mạnh, giúp bù đắp tác động do tăng trưởng toàn cầu chậm lại, theo nhận định Goushi Kataoka, cựu thành viên hội đồng thống đốc BoJ.
Việc BoJ giữ lãi suất mức thấp, trong khi các ngân hàng trung ương khác tăng lãi suất, sẽ làm suy yếu đồng yen, thúc đẩy lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Nhật Bản và đẩy lạm phát lên do chi phí nhập khẩu tăng.
Tuy nhiên, ông Kuroda đã nhiều lần nói rằng BoJ không có ý định rút lại các biện pháp kích thích trừ khi lạm phát tăng đi kèm với tăng trưởng tiền lương cao hơn và nhu cầu trong nước mạnh hơn.
Theo Financial Times, Bloomberg, Reuters
Chánh Tài