Đồng yên lao dốc, người lao động Việt lo khó 'hồi vốn'
Tình trạng đồng yên rớt giá diễn ra suốt hơn 1 năm vừa qua khiến người lao động Việt tại Nhật Bản phải chật vật chi tiêu trong nỗi lo không đủ tiền trả nợ.
Hơn một năm trở lại đây, đồng yên rớt giá, lao động Việt Nam ở Nhật Bản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Các chi phí sinh hoạt tăng cao đột biến giữa thời điểm đồng tiền mất giá khiến người lao động phải tìm mọi cách để xoay xở.
Đầu năm 2021, chị Hoàng Thị Yến (23 tuổi, Quảng Xương, Thanh Hóa) trúng đơn chuyên làm lĩnh vực chế biến và đóng gói rau, củ, quả ở Osaka (Nhật Bản). Để có tiền đi sang Nhật, chị Yến đã vay ngân hàng 150 triệu đồng cùng với số tiền tiết kiệm và vay thêm bạn bè.
Dự định ban đầu, với tiền lương khoảng 140.000 yên/tháng (tương đương khoảng hơn 30 triệu/tháng), trừ hết chi phí sinh hoạt, trong khoảng 1-1,5 năm, chị Yến có thể hoàn trả hết nợ.
Tuy nhiên, đồng yên bất ngờ mất giá khiến cho thu nhập của chị giảm sút. Hiện, cùng với mức lương cũ, số tiền quy đổi ra chỉ được khoảng 23 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, mọi chi phí sinh hoạt đều đắt đỏ hơn. Trừ các chi phí tiền nhà, tiền ăn, điện nước….1 tháng chị Yến chỉ gửi về được 13-15 triệu đồng. Với số tiền như trên, chị Yến không đủ để trả nợ ngân hàng.
Theo chị Yến, khoảng vài tháng nữa chị hết hợp đồng. Thay vì trở về nước như nhiều lao động Việt khác, chị quyết định gia hạn hợp đồng để chờ đồng yên phục hồi.
“Hiện tại, không chỉ ở Nhật mà tại thị trường Việt Nam cũng rất khó khăn. Bạn bè của tôi hết hợp đồng đã về nước trước nhưng họ đều khuyên tôi nên ở lại vì rất khó để tìm việc mới” - chị Yến chia sẻ.
Khác với chị Yến, anh Hưng (33 tuổi, Nghệ An) mong có tích cóp đáng kể để có thể về nước vào đầu năm 2024 sau khi hết hạn hợp đồng lao động. Dù đã trả nợ hết vốn vay nhưng việc dư dả là điều khó khăn đối với anh Hưng.
“May mắn là tôi đã trả hết nợ nên không quá vất vả như trước đây. Hiện tại tôi chưa vội gửi tiền về nước vì cũng không được bao nhiêu cả, tôi vẫn gom tiền chờ đồng yên phục hồi” - anh Hưng nói.
Anh cho biết thêm, việc liên tục trì hoãn đi lao động nước ngoài do Covid 19, anh đã phải gánh trên vai món nợ khổng lồ để cầm cự suốt gần 3 năm trước khi sang Nhật. Trong 3 năm tại Nhật Bản, anh đã rất chật vật để xoay tiền trả nợ ngân hàng do trước đó, anh đã phải vay để lấy vốn đi lao động.
“Với giá Yên như hiện nay, dù đã chi tiêu tiết kiệm nhưng thu nhập chỉ đủ để trang trải cuộc sống chứ không có dư. Ba năm làm việc tại Nhật, tôi chỉ mong dư một khoản để về nước, đủ để có thể tu sửa lại nhà cửa và mở tiệm sửa chữa” - anh Hưng chia sẻ.
Trao đổi với PV, anh Vũ Văn Quang - môi giới xuất khẩu lao động Nhật Bản cho biết, người lao động Việt Nam dần không còn mặn mà với thị trường Nhật Bản do đồng Yên rớt giá.
Theo anh Quang, người lao động thường cân nhắc rất cẩn thận tỷ giá đồng yên nên khi đồng tiền mất giá, nhiều người thường chọn đất nước khác để xuất khẩu. Thay vì lựa chọn đi Nhật, hiện nay người lao động có xu hướng lựa chọn Đài Loan hoặc các nước như Đức, Úc… để xuất khẩu lao động.
“Hiện nay, thị trường Nhật Bản không còn đủ sức hấp dẫn đối với lao động Việt khi mà chênh lệch lương giữa Nhật và các nước trong khu vực ngày càng thu hẹp. Trong khi đó, các công ty chủ yếu đưa những lao động còn tồn đọng xuất cảnh, số lượng tuyển dụng mới rất ít” - anh Quang cho biết.