Đồng yên Nhật giảm xuống đáy 24 năm so với đồng đô la Mỹ
Đồng yên Nhật đang dao động quanh mức giá thất nhất kể từ năm 1998, đòi hỏi giới chức Nhật Bản phải hành động để ngăn chặn đà suy giảm của đồng tiền này.
Đồng yên nhích nhẹ 0,16% vào trưa nay 21/9 và giao dịch ở mức 143.95 JPY đổi 1 USD. Trước khi có quyết định về lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào cuối tuần này, nhiều dự đoán cho rằng cơ quan tiền tệ Nhật Bản sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ đang rất lỏng lẻo hiện nay, bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ lập trường "diều hâu" và tiếp tục tiến hành các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Theo tờ Nikkei, tuần trước Ngân hàng Trung ương Nhật Bản được cho là đã tiến hành "kiểm tra" thị trường ngoại hối - một động thái phần nhiều được coi là bước chuẩn bị cho hành động can thiệp chính thức để bảo vệ đồng yên.
Nói về khả năng can thiệp thị trường ngoại hối của Nhật Bản, các nhà phân tích cho rằng còn một lý do khác đằng sau sự suy yếu của đồng yên. Đó là chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - một chiến lược được thực hiện vào năm 2016, trong đó áp trần lợi suất trái phiếu 10 năm của chính phủ Nhật Bản ở mức 0% và quy định không giới hạn lượng mua vào trái phiếu chính phủ để ổn định lợi suất trái phiếu.
Thực tế, chính sách kiểm soát đường cong lợi suất nhằm đến mục tiêu đưa lạm phát ở Nhật Bản về mục tiêu 2%. Theo số liệu mới công bố, lạm phát lõi của Nhật Bản trong tháng 8 đã tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng nhanh nhất trong gần 8 năm qua, đồng thời đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp lạm phát vượt mốc 2% mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đề ra.
Bà Joey Chew, chuyên gia cấp cao về ngoại hối khu vực châu Á của HSBC cho rằng, bảo vệ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất sẽ là ưu tiên của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, thay vì can thiệp tiền tệ - một quyết định do Bộ Tài chính ấn định còn Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có vai trò thực hiện.
"Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ tiến hành mua vào trái phiếu - về mặt lý thuyết là không giới hạn - để duy trì chính sách kiểm soát đường cong lợi suất của mình", bà Chew bình luận trên đài CNBC.
Bà Chew cũng cho biết: "Sự can thiệp vào thị trường ngoại hối ở thời điểm này có thể không tạo tác động đáng kể". "Ngay cả sự can thiệp thực tế cũng chỉ có thể dẫn đến một phản ứng mạnh nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn".
Tương tự, các chiến lược gia tại Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cũng không thấy khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản chuyển hướng sau chính sách kiểm soát đường cong lợi suất, bởi ngân hàng trung ương của các nước lớn đang giữ quan điểm "diều hâu", sẵn sàng tăng lãi suất.
Goldman Sachs cho biết các chuyên gia kinh tế của họ kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ duy trì vững chắc cam kết đối với chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) tại cuộc họp tuần này. Tập đoàn này nhận định, nhiều khả năng Nhật Bản sẽ can thiệp trực tiếp hơn vào tỷ giá, nhưng cơ hội thành công trong việc bảo vệ đồng yên là "thậm chí vẫn thấp".