Đồng yen yếu giúp Nhật Bản hút lượng khách du lịch kỷ lục

Theo số liệu công bố ngày 14/1, Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản ước tính trong năm 2024 nước này đã đón hơn 36,8 triệu lượt khách du lịch, vượt qua mốc kỷ lục gần 32 triệu lượt khách của năm 2019.

Khách du lịch ngắm hoa anh đào tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/ TTXVN

Khách du lịch ngắm hoa anh đào tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/ TTXVN

Mốc sự kiện này đánh dấu sự trở lại của giai đoạn bùng nổ của ngành du lịch tại đất nước “Mặt trời mọc” cách đây hơn 1 thập kỷ nhưng đã bị đại dịch Covid-19 chặn lại. So với năm 2012, số lượt khách du lịch đến Nhật Bản năm 2024 đã tăng khoảng 4 lần.

Lý giải cho sự bùng nổ khách du lịch trong năm 2024, nhiều nhà phân tích nhận định kết quả này đạt được một phần nhờ các chính sách quảng bá các điểm tham quan của chính phủ Nhật Bản. Tuy nhiên, điều này cũng không thể phủ nhận sự đóng góp của yếu tố đồng Yen Nhật đã “rẻ” hơn nhiều so với giai đoạn trước đây. Đồng tiền của Nhật Bản đã giảm mạnh so với các loại tiền tệ khác trong vòng 3 năm qua, khiến mọi thứ, từ một bát mì ramen đến một con dao nhà bếp thủ công, trở nên dễ mua hơn.

Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tham vọng tăng gấp đôi lượng khách du lịch lên mức 60 triệu lượt vào năm 2030. Chính quyền cũng mong muốn khách du lịch sẽ được phân bổ đồng đều hơn trên khắp cả nước và tránh tình trạng tập trung, quá tải vào một số khu vực nhất định hoặc một thời điểm cố định trong năm.

Tuy nhiên, chính sách thu hút khách du lịch của Nhật Bản cũng đang gặp không ít sự phản đối đến từ người dân nước này, nhất là tại các điểm đến như cố đô Kyoto. Thành phố Kyoto chỉ cách thủ đô Tokyo vài giờ đi tàu cao tốc, nổi tiếng với các nghệ sĩ geisha mặc kimono và những ngôi chùa Phật giáo. Người dân địa phương phàn nàn về tình trạng khách du lịch thiếu tôn trọng quấy rối các geisha để chụp ảnh, cũng như gây tắc nghẽn giao thông và xả rác.

Để cải thiện tình hình những vẫn duy trì được nguồn lợi từ khách du lịch, ngày 14/1, Nhật Bản đã công bố kế hoạch tăng thuế lưu trú với mục đích triển khai “du lịch bền vững” đáp ứng sự hài lòng của cả người dân, khách du lịch và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một số địa phương và các cơ sở du lịch cũng đã thực hiện một số biện pháp khác như: áp dụng phí vào cửa và giới hạn số lượng người leo núi Phú Sĩ mỗi ngày. Năm ngoái, một rào chắn đã được dựng lên tạm thời bên ngoài một cửa hàng tiện lợi để ngăn mọi người đứng trên đường chụp ảnh ngọn núi Phú Sỹ nổi tiếng.

Việc có đông khách du lịch đến lưu trú cũng đang khiến các doanh nghiệp du lịch phải “vật lộn” với chi phí cho dịch vụ khách sạn, nhất là tại Tokyo và các thành phố lớn khác vì nhu cầu cao của khách du lịch đã đẩy giá tăng nhanh.

Một số doanh nghiệp du lịch đang xem xét, tìm kiếm các giải pháp chi phí rẻ hơn cho phòng nghỉ của du khách, từ dịch vụ đặt phòng trực tuyến Airbnb đến các khách sạn con nhộng – nổi tiếng “ngột ngạt” tại Nhật Bản.

Mặc dù còn một số hệ lụy nên trên, nhưng lợi ích kinh tế đến từ du lịch là một vấn đề không phải bàn cãi đối với nền kinh tế Nhật Bản. Tại nền kinh tế số 2 châu Á, doanh thu từ ngành du lịch chỉ đứng sau xuất khẩu xe cộ.

Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo Bangkokpost)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/dong-yen-yeu-giup-nhat-ban-hut-luong-khach-du-lich-ky-luc-20250115170648348.htm