Doping phá hỏng sự nghiệp dàn 'sao' thể thao Việt Nam
Nhiều ngôi sao của thể thao Việt Nam bị ảnh hưởng sự nghiệp, thậm chí giải nghệ sau khi bị phát hiện sử dụng doping.
Sự việc một số VĐV đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 31 dương tính với doping trong mẫu thử lần 1 (mẫu A) gợi nhắc về những vụ việc đáng tiếc trong quá khứ.
Theo thống kê, kể từ lần đầu tiên phát hiện có VĐV sử dụng doping năm 2003 đến nay, thể thao Việt Nam ghi nhận hơn 20 trường hợp, đến từ các bộ môn cử tạ, lặn, điền kinh, thể hình, đua thuyền, futsal, thể dục dụng cụ, boxing.
Những trường hợp đầu tiên bị phát hiện tại SEA Games 22 năm 2003 do Việt Nam đăng cai gồm Phạm Thị Dịu (3 HCV, lặn), Phạm Toàn Thắng (3 HCV, lặn), Hoàng Hồng Anh (2 HCV, canoeing) và Nguyễn Mai Quỳnh (HCB, điền kinh).
Kế đó, lần lượt một loạt ngôi sao thể thao nước nhà bị Cơ quan Phòng, chống doping thế giới (WADA) nêu tên.
Đầu tiên phải kể đến lực sỹ cử tạ Hoàng Anh Tuấn - HCB Olympic 2008. Anh bị phát hiện dương tính với chất oxilofrine tại giải vô địch thế giới năm 2010 sau một lần sử dụng nước uống đóng chai không rõ nguồn gốc.
Hoàng Anh Tuấn bị phạt 5.000 USD, cấm thi đấu 2 năm và sự nghiệp của đô cử này cũng khép lại từ đó.
Mười năm sau, một đô cử khác là Trịnh Văn Vinh (vô địch thế giới, HCV SEA Games) bị Liên đoàn Cử tạ thế giới phạt 5.000 USD, cấm thi đấu 4 năm do dương tính với 2 chất trong danh mục cấm của WADA.
Không lâu sau đó, hai nhà vô địch cử tạ trẻ thế giới là Nguyễn Thị Thu Trang và Bùi Đình Sáng cũng bị áp án phạt cấm thi đấu 4 năm, với vi phạm tương tự.
Ở môn thể dục dụng cụ, "búp bê" Đỗ Thị Ngân Thương bị phát hiện dương tính với furosemide - một chất lợi tiểu có tác dụng khiến cơ thể không tích nước, dẫn đến giảm cân - tại Olympic 2008.
Cô bất đắc dĩ trở thành VĐV thể dục dụng cụ đầu tiên bị trục xuất khỏi Thế vận hội do sử dụng doping.
Ngân Thương khi đó bị cấm thi đấu 2 năm, sau giảm xuống còn 1 năm do chứng minh được mình chỉ vô tình sử dụng chất cấm (muốn có thân hình thon gọn hơn khi dự Olympic nên dùng thuốc giảm cân).
Đa số các VĐV "dính án" doping đều do vô tình sử dụng các loại nước uống, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh tùy tiện, không tham khảo ý kiến chuyên gia y tế. Song cũng có trường hợp không chứng minh được việc sử dụng chất cấm là vô ý.
Án phạt nặng khiến sự nghiệp của nhiều VĐV lao dốc, thậm chí kết thúc sớm.
Dù vậy, cũng có trường hợp trở lại sau án phạt, điển hình như lực sỹ thể hình Nguyễn Thị Mỹ Linh. Cô bị phát hiện dương tính với chất cấm furosemide tại giải vô địch châu Á 2008, nhận án phạt 2.000 USD và cấm thi đấu 2 năm.
Tuy nhiên, Mỹ Linh đã kháng cáo thành công với lý do cô dính chất cấm này khi uống thuốc để chữa bệnh và được giảm án xuống còn 1 năm. Khi trở lại, Mỹ Linh giành chức vô địch châu Á và thế giới.