Đột biến nhu cầu cát bồi nền ở La Gi
Ở thị xã có 1 dự án dân cư đang trong quá trình xây dựng với diện tích cần san lấp mặt bằng lên đến cả trăm ha. Vì vậy đã hút nhu cầu về vật liệu đắp nền và từ đó, cũng phức tạp thêm tình hình vận chuyển lẫn khai thác khoáng sản trái phép ở đây…
Đột biến nhu cầu cát bồi nền ở L
Biển số xe của nhiều tỉnh, thành
Nếu so cùng thời điểm năm ngoái, 6 tháng của năm nay, Công an thị xã La Gi xử phạt những xe chở vật liệu khoáng sản đi qua các tuyến đường trên địa bàn thị xã vi phạm quy định tăng hơn 200%. Trong đó, vi phạm về không có hóa đơn, chứng từ, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của cát bồi nền, cát xây chiếm phần lớn. Cụ thể, đã xử phạt 22 vụ vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không hợp pháp với 22 đối tượng, tịch thu 174 m3 cát bồi nền… Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái con số bị xử phạt chỉ 1 vụ. Và điều đáng nói, những Cảnh sát giao thông của thị xã nhận ra, 6 tháng qua trên các tuyến đường của thị xã La Gi, xe chở vật liệu khoáng sản có biển kiểm soát rất đa dạng, chứ không chỉ có biển số 86 của Bình Thuận hay lâu lâu có biển số TP. Hồ Chí Minh. Qua biển số xe cho thấy những xe này đã “di cư” từ một số tỉnh phía Bắc, ở miền Trung vào và cả các tỉnh ở phía Nam tới. Với các biển kiểm soát từ Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh thì còn ít nhiều quen thuộc, vì cùng nằm trong vùng Đông Nam bộ nên đó cũng là cái cớ khi xuất trình hóa đơn, chứng từ cát bồi nền chở chạy vào địa bàn thị xã.
Theo Công an thị xã La Gi, việc biển số xe của nhiều tỉnh, thành tập trung chở cát bồi nền vào địa bàn thị xã nói lên nhiều vấn đề đáng quan tâm. Nhiều chủ xe ở các địa phương trên không có việc làm đã “di cư” xe vào và tập trung chuyên chở cát bồi nền tới vùng có dự án đang triển khai ở thị xã. Từ đây, các lái xe chở cát vốn khai thác trái phép hoặc cát hợp pháp pha chung cát trái phép…có thể hợp thức hóa bằng các hóa đơn, chứng từ mua ở các mỏ tận Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai… Và cũng từ chỗ xe có biển số từ nhiều tỉnh, thành này sẽ góp phần làm phức tạp hơn tình hình khai thác khoáng sản trái phép khi các chủ xe cố tình thay đổi xe, mướn xe chạy tiếp, khi xe của họ đã bị vi phạm. Vì vậy, sẽ rất khó khăn trong xử lý hành vi tái phạm.
Theo phân tích của cán bộ và nhân dân thị xã La Gi là do ở thị xã có 1 dự án dân cư đang trong quá trình xây dựng với diện tích cần san lấp mặt bằng lên đến cả trăm ha. Vì vậy đã hút nhu cầu cần vật liệu đắp nền không chỉ ở thị xã La Gi mà vươn qua cả Hàm Tân, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai. Vì vậy, chưa lúc nào chuyện mua bán mặt hàng cát bồi nền lại nhộn nhịp lẫn phức tạp suốt từ tháng 1 đến thời điểm này.
3 biện pháp phối hợp
Từ đột biến trên, trong 6 tháng qua, chính quyền thị xã La Gi đã ban hành rất nhiều văn bản để quản lý, kiểm soát tình hình. Nổi lên là những văn bản chỉ đạo 4 xã gồm Tân Tiến, Tân Hải, Tân Bình và Tân Phước, khi những nơi này có biểu hiện bị khai thác khoáng sản trái phép ở một số điểm qua tin báo của nhân dân, qua phát hiện của cơ quan chức năng. Cụ thể người dân phát hiện và có tin báo tại khu vực Đồi Xương Rồng, thôn Hiệp Cường, xã Tân Tiến có tình trạng khai thác đá trái phép; khu vực đường Lê Đức Thọ thuộc xã Tân Bình có xuất hiện nhiều phương tiện ô tô vận chuyển khoáng sản vật liệu xây dựng trái phép. Hay Công ty Điện lực Bình Thuận phát hiện tại thôn Phước Tiến, xã Tân Phước diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép trong hành lang an toàn lưới điện cao áp, có nguy cơ gây đổ ngã trụ điện, ảnh hưởng đến việc vận hành hệ thống điện quốc gia. Và cả chỉ đạo xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực Động Râm Xanh, xã Tân Hải từ Sở Tài nguyên và Môi trường…
Đồng thời, chính quyền thị xã cũng ban hành các văn bản chỉ đạo đến các xã, phường khác nhằm quản lý chặt chẽ các khu vực được quy hoạch khai thác khoáng sản, lẫn tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn. Cụ thể, tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của UBND thị xã tại các công văn đã ban hành. Song song đó, cũng tiếp tục rà soát, thống kê, tập hợp đầy đủ thông tin về các đối tượng đã bị xử phạt hành chính về hành vi khai thác khoáng sản trái phép theo dõi chặt chẽ không để tái phạm. Đồng thời, rà soát nguồn gốc đất các khu vực khai thác khoáng sản trái phép để mời chủ đất xử lý vi phạm hành chính và ký cam kết không tái phạm… Ngoài ra, kiện toàn Đoàn kiểm tra liên ngành cũng như ban hành kế hoạch kiểm tra cụ thể.
Nhờ vậy, 6 tháng qua, thị xã đã xử lý 45 vụ khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép với số tiền xử phạt 161 triệu đồng, trong khi cùng năm ngoái là 60 vụ, xử phạt 217 triệu đồng. Con số giảm, vì các ngành chức năng có liên quan xác định 3 biện pháp phối hợp, đó là kiểm tra bắt, xử lý nguồn cung cấp, vận động tuyên truyền nơi tiêu thụ không sử dụng hàng không rõ nguồn gốc và kiểm soát các nơi trung gian mua đi bán lại.
Hảo Chi