Đợt bùng phát biến thể Omicron ở Nam Phi đang hạ nhiệt
Sau ba tuần kể từ khi xác nhận ca nhiễm đầu tiên, dữ liệu mới nhất cho thấy các ổ dịch do biến thể Omicron gây ra ở Nam Phi dường như đang có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6 giờ ngày 15/12 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 271.662.606 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.335.467 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 563.384 và 6.463 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 244.174.413 người, 22.152.726 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 89.554 ca nguy kịch.
Các nhà khoa học Nam Phi nghiên cứu biến thể Omicron trong phòng thí nghiệm đặc biệt ngày 8/12. Ảnh: AP
Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 85.947 ca; Pháp đứng thứ hai với 63.405 ca; tiếp theo là Anh với 59.610 ca. Nước Nga tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.145 người thiệt mạng trong ngày; tiếp theo là Mỹ 1.145 ca và Đức 575 ca.
Tại Nam Phi, sau ba tuần kể từ khi xác nhận ca nhiễm đầu tiên, dữ liệu mới nhất cho thấy các ổ dịch do biến thể Omicron gây ra dường như đang có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tờ Telegraph dẫn lời ông Louis Rossouw thuộc Nhóm ứng phó COVID-19 (ARG) Nam Phi cho hay, mặc dù số ca mắc mới hàng ngày đã vượt qua kỷ lục của các đợt bùng phát trước đó, song tình hình lây nhiễm tại một số khu vực đang bắt đầu tạm lắng.
Theo ông Rossouw, thống kê cho thấy, các ca nhiễm tại tỉnh Gauteng sau vài tuần tăng đột biến kể từ tháng 11 dường như đang giảm xuống. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm 7 ngày tại Tshwane, một trong những tâm dịch đầu tiên, hiện khá ổn định.
Một thống kê khác ở Nam Phi cũng cho kết quả rằng, tỷ lệ tử vong do COVID-19, tức phần trăm người tử vong sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2, đã giảm đáng kể kể từ khi biến thể Omicron xuất hiện.
Với biến thể Delta, gần 3% bệnh nhân, hay 1/33, đã thiệt mạng. Nhưng giờ đây, con số này giảm còn 0,5%, hay 1/200, và là mức thấp từng thấy từ đầu đại dịch đến nay tại Nam Phi, giảm 10 lần so với tháng 9 năm ngoái.
Một số chuyên gia cho rằng chưa có đủ thời gian để dữ liệu về số ca tử vong theo kịp với dữ liệu về số ca nhiễm. Và tỷ lệ tử vong trong trường hợp này sẽ tăng lên vào những tuần tới khi số ca nhiễm bắt đầu chuyển thành nhập viện và tử vong.
Tuy nhiên, ông Peter Streicher, một nghiên cứu viên tại Đại học Johannesburg, chỉ ra rằng độ trễ về tỷ lệ lây nhiễm dẫn đến tử vong ở Nam Phi chỉ tầm 10 ngày vì hầu hết các trường hợp chỉ được phát hiện khi họ đến bệnh viện - thời điểm mà nhiều người đã chuyển nặng. Điều này đồng nghĩa với việc dữ liệu tử vong do Omicron đã được thể hiện rõ ngay từ thời điểm này.
Ông Streicher lý giải thêm, tỷ lệ tử vong liên tục ở mức 3% cho đến cuối tháng 11, chủ yếu là do biến thể Delta. Nếu tỷ lệ tử vong của Omicron vẫn ở mức 3%, thì có thể thấy 200 người thiệt mạng hàng ngày. Hiện tại, Nam Phi có khoảng 21 ca tử vong mỗi ngày, trong đó có 8 ca có lẽ vẫn là do biến thể Delta. Do đó, ông nhấn mạnh rằng biến thể Omicron chỉ gây triệu chứng nhẹ nên không cần quá lo sợ.
Nhiều bác sĩ và nhà nghiên cứu cũng lập luận rằng Omicron có thể gây bệnh nhẹ hơn ngay cả khi nó dễ lây nhiễm hơn. Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi phát hiện ra rằng rất ít bệnh nhân nhiễm Omicron nhập viện cần được thở oxy hoặc chăm sóc đặc biệt.
Chuyên gia dịch tễ Harry Moultrie tại Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm ở Nam Phi cho biết, đã xuất hiện dấu hiệu phân tách giữa các ca mắc và ca nhập viện. Tình trạng này có thể là do kháng thể từ việc từng bị nhiễm hoặc tiêm chủng trước đó giúp bảo vệ người nhiễm khỏi nguy cơ chuyển nặng, ngay cả khi không thể ngăn ngừa biến thể Omicron.