'Đợt dịch năm 2011 thật sự đau đớn và ám ảnh'
Từ đầu tháng 4, số ca mắc tay chân miệng nhi tại hầu hết bệnh viện tăng đột biến, nguy cơ lặp lại đợt dịch 10 năm trước.
Một bé trai 18 tháng tuổi được gia đình đưa từ Bình Dương đến TP.HCM trong tình trạng sốt cao. Bé vào viện vẫn tỉnh, tay cầm ổ bánh mỳ.
Tuy nhiên, sau vài giờ, bé kích thích, la hét. Sau đó, trẻ rơi vào bệnh cảnh suy hô hấp, phù phổi, sùi bọt hồng và không qua khỏi.
"Bé mắc tay chân miệng độ IV. Chúng tôi cứu không kịp. Bé tử vong ngay trước mắt chúng tôi khi chỉ vài giờ trước vẫn cầm ổ bánh mỳ trên tay. Đợt dịch xảy ra năm 2011 thật sự đau đớn và ám ảnh tôi đến hiện tại", bác sĩ Dư Tấn Quy, Phó trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), kể về đợt dịch tay chân miệng kinh hoàng năm 2011.
Các chuyên gia nhận định diễn biến tay chân miệng năm nay có xu hướng giống đợt dịch của 10 năm trước. TP.HCM đứng trước nguy cơ bùng phát dịch.
"Mỗi ngày một ca tử"
Bác sĩ Dư Tấn Quy kể lại những ngày bùng phát dịch của 10 năm trước, ông cùng các đồng nghiệp làm việc suốt ngày đêm. Có thời điểm, khoa tiếp nhận hàng trăm ca bệnh. Nhân viên y tế phải thay phiên nhau để ăn uống. Toàn khoa Nhiễm - Thần kinh tập trung điều trị tay chân miệng. Các bệnh khác phải tạm chuyển qua điều trị tại khoa, phòng khác.
"Cứ cách một lúc thì lại có thêm 5-10 hồ sơ bệnh án trẻ nhập viện do tay chân miệng, hồ sơ chất chồng. Cũng có những lúc, mỗi ngày chúng tôi chứng kiến một ca tử vong. Trong đó ca bệnh bé trai ở Bình Dương, tử vong khi trước đó vẫn tỉnh táo ăn bánh mỳ khiến tôi không sao quên được", bác sĩ Quy kể lại.
Với kinh nghiệm hàng chục năm công tác trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm và Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Trưởng phòng Công tác xã hội, từng kinh qua nhiều trận dịch lớn nhỏ. Tuy nhiên, trong ký ức của "bác sĩ nhi đồng quốc dân", đợt dịch tay chân miệng năm 2011 khiến ông ám ảnh.
"Thời điểm đó, trẻ nhập viện nhiều vô kể, số ca tử vong cũng gần như kỷ lục đến hiện tại. Nhưng kinh nghiệm điều trị, phát hiện sớm không đồng đều giữa trung ương và địa phương. Khoa Nhiễm - Thần kinh thời điểm đó gần như là tuyến đầu, có ngày phải điều trị đến hơn 200 ca. Từ giai đoạn 2011 đến những năm sau này, chưa có đợt bùng phát tay chân miệng nào nguy hiểm như vậy", bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.
"Tôi cảm giác tình hình tay chân miệng năm nay có nguy cơ quay về đợt dịch năm 2011 và mới đây là 2018. Tình hình hiện tại không nguy hiểm như thế, nhưng khả năng lặp lại vòng quay này rất cao nếu chúng ta không có biện pháp tích cực ngay từ bây giờ", ông nói thêm.
70-80 trẻ khám tay chân miệng mỗi ngày
Theo bác sĩ Dư Tấn Quy, Phó trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện tại, đơn vị này tiếp nhận khoảng 70-80 ca khám ngoại trú mỗi ngày. Số trẻ đang điều trị, theo dõi nội trú khoảng 40. Trong đó, có khoảng 4-5 bé cần được theo dõi đặc biệt tại phòng hồi sức và một bé mắc tay chân miệng diễn biến nặng, phải thở máy.
Hiện đơn vị này điều trị một bệnh nhi mắc tay chân miệng độ IV, 3 ca độ III và 8 bệnh nhi mắc độ IIb. Bệnh viện cũng ghi nhận chùm ca bệnh sống cùng khu nhà trọ ở Bình Dương do một trẻ đi học mắc tay chân miệng, sau đó lây cho nhiều bé ở nhà.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết tình hình tay chân miệng năm nay đáng lo. Trong đó, tình hình tay chân miệng năm nay có 3 điểm đặc biệt cần lưu ý. Trước tháng 4, số ca mắc bệnh không quá nhiều. Tuy nhiên, trong vòng 2 tuần trở lại đây, số trẻ mắc tay chân miệng tăng nhanh rõ rệt.
Điểm đáng lưu ý thứ 2 là số bệnh nhi ở TP.HCM ngang bằng ca mắc từ các tỉnh. Trước đó, ca bệnh ở thành phố chỉ khoảng 20-30% so với bệnh nhi ở tỉnh. Hiện tại, tỷ lệ này là 50-50.
Điểm đặc biệt thứ 3 là tỷ lệ ca nặng trong tổng số ca nhập viện tăng cao. Theo phân tích của bác sĩ Khanh, có 2 nguyên nhân khiến số ca nặng tăng nhiều. Thứ nhất là chủng virus EV71, thậm chí có cả chủng C4 gây tình trạng bệnh nặng. Đây là chủng virus đã gây dịch tay chân miệng lớn trên cả nước trong năm 2011. Chủng này liên quan các biến chứng thần kinh nặng và có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, nhiều phụ huynh hiện nay có kiến thức về tay chân miệng, do đó, khi trẻ có dấu hiệu bệnh nặng thì đưa con nhập viện theo dõi ngay.
"TP.HCM chưa ghi nhận ca tử vong, tuy nhiên, rải rác ở các tỉnh miền tây đã có. Về tốc độ tăng, tỷ lệ bệnh nặng, biến chứng... tay chân miệng của năm nay so với đợt dịch 2011 khá giống", bác sĩ Khanh nhận định.
Chuyên gia này cho biết điều đáng lo là sau một năm giãn cách xã hội, các trẻ sinh ra từ năm 2019 đến nay chưa có miễn dịch tốt. Do đó, ở khu vực tập trung, khả năng lây lan tay chân miệng giữa các bé cao hơn và nguy cơ tăng nặng hơn do miễn dịch chưa có.
"Đây chỉ mới là đầu mùa bệnh. Nếu không có biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa, tình hình sẽ còn nguy hiểm hơn nữa", chuyên gia này nói.
Điểm khác biệt của năm nay là ý thức của người dân cải thiện hơn rất nhiều. Phụ huynh nhận biết được dấu hiệu bệnh. Bác sĩ nào ra trường sau năm 2011 và 2018 thì không hình dung ra được nên sẽ khó khăn trong việc tiếp cận.
Bệnh viện Nhi đồng 1 đang phối hợp hướng dẫn cách nhận biết bệnh cho phụ huynh và giáo viên mầm mon. Về nhân lực, bệnh viện huấn luyện lại phác đồ điều trị cho nhân viên y tế trong khoa và các bệnh viện địa phương.
"Chúng ta có phác đồ rõ ràng trong chẩn đoán và điều trị, thuốc men đầy đủ, nhân lực y tế được đào tạo bài bản cộng với kinh nghiệm trong đợt dịch những năm trước và phối hợp đa ngành. Tôi nghĩ chúng ta có khả năng đầy lùi bệnh. Hiện bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống bệnh bùng phát thành dịch", bác sĩ Dư Tấn Quy nói.