Đợt hồi phục của thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ đối mặt với thử thách trong mùa báo cáo
Đợt phục hồi của chứng khoán toàn cầu trong năm nay sẽ đối mặt với thời điểm quan trọng khi hàng trăm công ty báo cáo lợi nhuận trong vài tuần tới.
Theo dữ liệu do Bloomberg Intelligence tổng hợp, lợi nhuận trong quý hai các công ty thuộc S&P 500 dự kiến sẽ giảm 9%, khiến đây là mùa báo cáo tồi tệ nhất kể từ năm 2020. Ở châu Âu, mùa báo cáo này còn có thể còn tồi tệ hơn, với mức sụt giảm dự kiến là 12%. Nhưng một số nhà phân tích cho rằng, nhờ vào mức nền thấp trong cùng kỳ nên kết quả vẫn có thể tương đối khả quan.
Evgenia Molotova, giám đốc đầu tư cấp cao của Pictet Asset Management cho biết: “Tôi nghi ngờ rằng các công ty sẽ có thể chứng minh mức độ phục hồi lợi nhuận tương tự trong quý này. Tăng trưởng doanh thu và ổn định biên lợi nhuận sẽ là chìa khóa để xem liệu lợi nhuận có thể phục hồi trong nửa cuối năm hay không”.
Các lĩnh vực trọng tâm của thị trường bao gồm tác động của đồng đô la sụt giảm đối với các nhà xuất khẩu lớn sang Mỹ, câu chuyện kỳ vọng về trí tuệ nhân tạo (AI) đã thúc đẩy đà phục hồi của chứng khoán trong năm nay và manh mối về mức độ ảnh hưởng của các công ty do chi phí cao hơn và người tiêu dùng hạn chế chi tiêu.
Những người theo dõi thị trường đặc biệt quan tâm đến các yếu tố sau:
Ảnh hưởng của các cổ phiếu công nghệ lớn
Sự điên cuồng xung quanh AI đã thúc đẩy chỉ số Nasdaq 100 có nửa đầu năm tốt nhất từ trước đến nay. Giờ đây, các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm bằng chứng về tác động thực sự tới lợi nhuận của công nghệ non trẻ này.
Aneeka Gupta, giám đốc nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại WisdomTree cho biết: “Nếu sự hưng phấn dành cho AI không thể hiện đầy đủ trong báo cáo của các công ty công nghệ, thì ít nhất chúng ta có thể trải qua sự điều chỉnh tạm thời về giá cổ phiếu”.
Theo Bloomberg Intelligence, các cổ phiếu công nghệ lớn nhất - Apple, Microsoft, Amazon, Nvidia và Alphabet - được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất trong số các công ty Mỹ trong quý hai.
Hiệu ứng lạm phát
Các dấu hiệu lạm phát hạ nhiệt đã làm dấy lên sự lạc quan rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể sớm ngừng tăng lãi suất, đây là thông tin tích cực đối với thị trường. Nhưng đối với các công ty, họ phải đối mặt với chi phí nhân công và các chi phí khác vẫn tăng cao, trong khi đang phải vật lộn để tăng giá cho khách hàng hơn nữa.
Rob Haworth, chiến lược gia đầu tư cao cấp tại US Bank Wealth Management cho biết: “Lạm phát toàn phần đã chậm lại nhanh hơn so với tiền lương, điều này có thể giúp ích cho người tiêu dùng nhưng lại làm ảnh hưởng đến biên lợi nhuận. Chúng tôi sẽ theo dõi sự tương tác giữa tăng trưởng tiền lương với lạm phát giá cả để biết liệu các doanh nghiệp có còn chịu áp lực hay không”.
Hạn chế chi tiêu
Những người tham gia thị trường cho biết họ tập trung vào chi tiêu của người tiêu dùng và xem xét doanh số bán ô tô cũng như lĩnh vực du lịch và khách sạn để đánh giá sức khỏe của doanh nghiệp Mỹ. Một lĩnh vực trọng tâm khác sẽ là các khoản nợ của công ty và các kế hoạch tái cấp vốn, đặc biệt đối với những công ty có bảng cân đối kế toán yếu hơn.
Ross Mayfield, nhà phân tích chiến lược đầu tư tại Baird cho biết: “Người tiêu dùng đã hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trong nhiều tháng, được thúc đẩy bởi thị trường lao động mạnh mẽ và tiết kiệm dư thừa, vì vậy, bất kỳ bằng chứng nào về việc thắt lưng buộc bụng, giao dịch giảm hoặc chi tiêu cho dịch vụ giảm dần đều sẽ là chìa khóa”.
Được điều chỉnh theo lạm phát, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ phần lớn đã bị đình trệ sau khi tăng mạnh vào đầu năm và một số dự báo lợi nhuận kém khả quan từ phía các doanh nghiệp. Nhà sản xuất chip nhớ Micron Technology dự đoán thị trường PC và điện thoại thông minh sẽ giảm và tập đoàn hóa chất BASF SE của Đức đã cảnh báo về lợi nhuận do nhu cầu chậm đối với các sản phẩm tiêu dùng.
Sự kém hiệu quả của Châu Âu
Theo các chiến lược gia của Barclays Plc, lợi nhuận của châu Âu dự kiến sẽ giảm nhiều hơn so với ở Mỹ do sự yếu kém trong lĩnh vực sản xuất. Các nhà xuất khẩu lớn cũng đang phải đối mặt với một rào cản nữa khi các loại tiền tệ bao gồm đồng euro và đồng franc Thụy Sĩ mạnh lên. Nhà sản xuất đồng hồ Swatch Group AG đã cảnh báo rằng, sự thay đổi tiền tệ sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng trong năm nay.
Thị trường chứng khoán bắt đầu phản ánh những thách thức của châu Âu trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, khi chỉ số Stoxx 600 có diễn biến kém hiệu quả hơn so với chỉ số S&P 500 tính theo đồng đô la. Trong khi việc định giá rẻ hơn đã khiến cổ phiếu khu vực trở nên hấp dẫn trở lại đối với một số người, những người khác cho rằng sự khan hiếm cổ phiếu công nghệ có thể khiến triển vọng trở nên khó khăn.
Trung Quốc phục hồi chậm chạp
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bỏ lỡ đà phục hồi toàn cầu trong năm nay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm chạp, làm sâu sắc thêm mối lo ngại về lĩnh vực bất động sản và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên gia tăng.
Báo cáo từ các nhà sản xuất ô tô trong nước của Trung Quốc được kỳ vọng là điểm sáng khi doanh số bán hàng trong nước và xuất khẩu đạt được đà tăng trưởng, trong khi kết quả của các hãng công nghệ có thể yếu do thị trường chip toàn cầu vẫn mờ nhạt.