Đợt nắng nóng gay gắt ở khu vực Bắc Bộ kéo dài đến bao giờ?
Nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ C, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bêtông, đường nhựa.
Ngày 29/5, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bắt đầu từ ngày 29/5, nắng nóng quay trở lại Bắc Bộ, ngày 30/5, nắng nóng mở rộng ra Trung Bộ.
Đợt nắng nóng này có thể kéo dài tới ngày 1-2/6 ở Bắc Bộ và ngày 2-3/6 ở Trung Bộ. Tuy nhiên, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ C, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bêtông, đường nhựa.
Cụ thể, ngày 30/5, phía Đông Bắc Bộ, ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, chiều tối và đêm có mưa rào, dông vài nơi.
Ngày 31/5, Bắc Bộ có nắng nóng diện rộng, riêng khu vực Tây Bắc có nắng nóng và nắng nóng gay gắt. Từ đêm 1-7/6 có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to.
Khu vực Bắc và Trung Trung Bộ ngày 30/5 có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt. Từ ngày 31/5-2/6, nắng nóng và nắng nóng gay gắt; từ ngày 3-7/6, chiều và tối có mưa rào, dông rải rác.
Khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ từ ngày 30/5-7/6, có mưa rào, rải rác có dông, cục bộ có mưa to (mưa lớn tập trung vào chiều tối và đêm), trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn, có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và xảy ra cháy rừng.
Nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Thời điểm này, Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc, miền Trung bước vào đợt nắng nóng gay gắt, mức nhiệt cao, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sinh hoạt người dân. Song những người lao động ngoài trời như người bán hàng rong, xe ôm, công nhân xây dựng và vệ sinh môi trường… vẫn phải làm việc dưới nắng nóng để mưu sinh.
Anh Nguyễn Văn Minh (thợ xây dựng) ở thôn Xuân Nộn, xã Xuân Nộn, Đông Anh, Hà Nội cho biết dưới thời tiết nắng gắt như những ngày gần đây, anh thường phải dậy rất sớm và đi làm từ lúc 5 giờ, đến khoảng hơn 10 giờ là nghỉ, buổi chiều bắt đầu làm việc từ lúc 16 giờ đến 18 giờ 30.
Anh thường làm những công trình gần, cách nhà khoảng 3-4km nên buổi trưa, anh tranh thủ về nhà nghỉ ngơi, tránh nắng nóng. Chiều khi trời dịu nắng, anh lại tiếp tục quay về công trình để làm việc.
Anh Bùi Ngọc Đĩnh, chạy xe ôm công nghệ tại Hà Nội, chia sẻ hằng ngày anh phải làm việc dưới trời nắng nóng. Để tránh tác hại của nắng, anh thường xuyên phải mặc quần áo dài tay, đội mũ bảo hiểm có kính che mặt và đeo khẩu trang mỗi khi đi làm. Lúc không có khách, anh tranh thủ ngồi nghỉ dưới bóng cây râm mát. Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt nhưng vì mưu sinh, anh phải cố gắng làm việc.
Để phòng ngừa say nắng, sốc nhiệt, bác sỹ chuyên khoa 1 Huỳnh Văn Mười Một, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng khi chỉ số nhiệt lên cao, tốt nhất người dân nên ở trong môi trường có không khí mát mẻ.
Trường hợp phải ra ngoài khi trời nắng, người dân lưu ý bổ sung các loại nước trái cây giúp giảm nhiệt độ cơ thể, mặc quần áo thoáng mát, thoải mái, sáng màu và đội mũ rộng vành; sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên.
Người dân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung khi tập thể dục hoặc làm việc ngoài trời. Trong khi tập thể dục, cứ sau 20 phút, nên uống thêm 250ml nước ngay cả khi không cảm thấy khát, tránh các chất lỏng có chứa caffeine hoặc rượu vì các chất này có thể khiến tình trạng mất nước hơn trầm trọng hơn.
Người dân không nên uống viên muối khi chưa có chỉ định của bác sỹ; hạn chế ra ngoài đường khi thời tiết nắng nóng; tạo không gian thoáng mát trong nhà, buông rèm cửa, che chắn ánh nắng chiếu trực tiếp vào phòng vào thời điểm nóng nhất trong ngày./.