Đột phá công nghệ mở ra tiềm năng to lớn của năng lượng địa nhiệt
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 13/12 công bố báo cáo 'Tương lai của năng lượng địa nhiệt' cho hay, trong bối cảnh nhu cầu điện toàn cầu dự kiến tăng mạnh, các công nghệ mới đang mở ra tiềm năng to lớn của năng lượng địa nhiệt để cung cấp năng lượng sạch 24/7 tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Trong đó, năng lượng địa nhiệt có thể đáp ứng 15% mức tăng nhu cầu điện toàn cầu từ nay đến năm 2050, tương đương với mức triển khai lên tới 800 gigawatt (GW) công suất năng lượng địa nhiệt trên toàn thế giới, cung cấp sản lượng hàng năm tương đương với tổng nhu cầu điện hiện tại của Mỹ và Ấn Độ.
Năng lượng địa nhiệt cung cấp nguồn điện dồi dào, linh hoạt và sạch, có thể hỗ trợ các công nghệ tái tạo đa dạng như năng lượng gió và năng lượng mặt trời, đồng thời bổ sung cho các nguồn năng lượng phát thải thấp khác như năng lượng hạt nhân.
Ngày nay, năng lượng địa nhiệt đáp ứng khoảng 1% nhu cầu điện toàn cầu. Tuy nhiên, IEA cho rằng, các công nghệ địa nhiệt thế hệ tiếp theo có tiềm năng kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu điện và nhiệt toàn cầu cao hơn gấp nhiều lần.
Điều quan trọng là năng lượng địa nhiệt có thể tận dụng chuyên môn của các ngành công nghiệp dầu khí ngày nay, bằng cách sử dụng các kỹ thuật và thiết bị khoan hiện có để đi sâu hơn dưới bề mặt trái đất, nhằm khai thác các nguồn năng lượng phát thải thấp khổng lồ.
“Các công nghệ mới đang mở ra chân trời mới cho năng lượng địa nhiệt trên toàn cầu, mang đến khả năng đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu điện đang tăng nhanh của thế giới một cách an toàn và sạch. Hơn nữa, địa nhiệt cũng là một cơ hội lớn để tận dụng công nghệ và chuyên môn của ngành công nghiệp dầu khí”, Giám đốc Điều hành IEA Fatih Birol nhận định.
Hiện nay, các quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này bao gồm Mỹ, Iceland, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Kenya và Italy. Thế nhưng, các công nghệ mới đang khiến triển vọng về địa nhiệt thực sự mang tính toàn cầu, mở ra tiềm năng hưởng lợi từ nguồn năng lượng này ở hầu hết các quốc gia.
Theo IEA, hơn 100 quốc gia đã có chính sách về năng lượng mặt trời và năng lượng gió trên bờ, nhưng chỉ có 30 quốc gia có chính sách tương tự đối với năng lượng địa nhiệt. Việc đưa năng lượng địa nhiệt lên chương trình nghị sự năng lượng quốc gia với các mục tiêu cụ thể, hỗ trợ đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ có thể góp phần đáng kể vào việc mở ra các khoản đầu tư mới.
Đến năm 2035, chi phí có thể giảm 80% xuống còn khoảng 50 USD cho mỗi megawatt giờ (MWh). Điều này sẽ khiến năng lượng địa nhiệt trở thành nguồn năng lượng phát thải thấp có thể phân phối rẻ nhất, ngang bằng với các cơ sở thủy điện và hạt nhân hiện có.
Trong khi đó, tổng đầu tư vào năng lượng địa nhiệt có thể đạt 1 nghìn tỷ USD đến năm 2035 và 2,5 nghìn tỷ USD đến năm 2050. Nếu năng lượng địa nhiệt thế hệ tiếp theo phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, việc làm trong lĩnh vực địa nhiệt nói chung có thể tăng gấp 6 lần lên 1 triệu việc làm đến năm 2030.