Đột phá công nghệ nhưng liệu ChatGPT có thể 'vượt mặt' công cụ tìm kiếm của Google?
Với khả năng tương tác như người thật và hiểu ngôn ngữ tự nhiên, một số luồng ý kiến cho rằng ChatGPT có thể sớm soán ngôi công cụ tìm kiếm của Google (Google Search).
Chỉ vừa mới công bố vào cuối tháng 11/2022 nhưng công ty trí tuệ nhân tạo OpenAI đã khiến cả thế giới “náo loạn” khi ra mắt phiên bản thử nghiệm của chatbot AI có tên là ChatGPT.
Công cụ AI này có thể trả lời mọi câu hỏi của người dùng, viết luận, làm thơ, lập trình… y như người thật. Đa số người dùng đều phải ngạc nhiên về mức độ thông minh của công cụ chatbot này.
Nhiều chuyên gia thậm chí còn coi ChatGPT là sự thay thế cho Google, vì ChatGPT có khả năng đưa ra giải pháp cho các vấn đề phức tạp một cách trực tiếp – gần giống như một người thầy dạy kiến thức cá nhân.
Theo thống kê của ngân hàng đầu tư UBS, ChatGPT đã thu hút được 57 triệu người dùng chỉ sau một tháng ra mắt. Tính đến 31/1, siêu AI đã đạt 100 triệu người dùng. Trung bình mỗi ngày trong tháng 1, nó có 13 triệu người truy cập.
Reuters dẫn thống kê của Sensor Tower cho thấy TikTok phải cần tới 9 tháng sau khi phát hành toàn cầu mới đạt 100 triệu người dùng. Instagram mất tới 2,5 năm, còn ứng dụng dịch Google Translate là 6,5 năm.
Bình luận về bước đột phá này, nhà phân tích Lloyd Walmsley của UBS chia sẻ trên CBS MoneyWatch: “Trong 20 năm theo dõi không gian Internet, đây là ứng dụng dành cho người dùng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất chúng tôi ghi nhận được. Thật phi thường!”.
Ngày 2/2, sau khi cán mốc 100 triệu người dùng, OpenAI đã công bố phiên bản ChatGPT Plus với giá 20 USD/tháng. ChatGPT Plus sẽ cung cấp cho người dùng dịch vụ ổn định hơn, nhanh hơn cùng các tính năng tiên tiến so với bản miễn phí.
ChatGPT có thể “vượt mặt” công cụ tìm kiếm của Google?
ChatGPT được xây dựng dựa trên GPT-3.5, một dòng mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI, và được tinh chỉnh bằng cả kỹ thuật học tăng cường lẫn kỹ thuật học có giám sát. Nó sớm thu hút sự chú ý nhờ việc hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát trên nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau.
Điểm đặc biệt của AI này nằm ở kho kiến thức mà ChatGPT đã học được. Bạn có thể hỏi nó vô số câu hỏi và thường sẽ nhận được câu trả lời hữu ích.
ChatGPT có thể trả lời lưu loát đầy đủ các câu hỏi mà bạn đưa ra, bất kể là thắc mắc về lĩnh vực gì, từ làm thơ, soạn nhạc, viết thư, thiết kế cho tới sửa lỗi lập trình.
Với khả năng tương tác như người thật và hiểu ngôn ngữ tự nhiên, một số luồng ý kiến cho rằng ChatGPT có thể sớm soán ngôi công cụ tìm kiếm của Google (Google Search).
Thế nhưng chính CEO Sam Altman của OpenAI từng khẳng định ChatGPT chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu và không thể đánh bại một thương hiệu công nghệ khổng lồ như Google.
Khác biệt rõ nét nhất giữa hai nền tảng này là giao diện và cách thức đưa ra câu trả lời. ChatGPT hiển thị nội dung dưới dạng tin nhắn (chat), tạo được cảm giác tự nhiên như đang trò chuyện với một người khác với thời gian phản hồi chỉ khoảng 2-5 giây, tùy độ khó.
Trong khi đó, Google là công cụ tìm kiếm có tốc độ trả kết quả dưới một giây. Kết quả được hiển thị dưới dạng một danh sách các đường link để người dùng tự đọc, chọn lọc và tổng hợp thông tin.
Mặc dù ChatGPT có thể trả lời nhiều câu hỏi phức tạp với khả năng phản hồi tự nhiên, nhưng dữ liệu không cập nhật như Google Search. ChatGPT được huấn luyện dựa trên kho dữ liệu khổng lồ có từ trước năm 2021, nên không thể cung cấp thông tin mới nhất.
Theo giải thích từ chính ChatGPT, vì dữ liệu được lấy từ tài liệu mở và trực tuyến trên Internet, được huấn luyện bằng công nghệ máy học sâu (deep learning) và trí tuệ nhân tạo của OpenAI nên câu trả lời sẽ không được đa dạng như trên Google Search.
Theo CNBC, ở giai đoạn hiện nay, kết quả từ Google vẫn đáng tin cậy nhờ nhiều năm kinh nghiệm trong việc phát triển công cụ tìm kiếm cũng như nguồn tài chính khổng lồ để đầu tư cho công nghệ. Ngược lại, ChatGPT đang trong quá trình thử nghiệm và nhiều lần gặp tình trạng dừng hoạt động do quá tải.
ChatGPT có thể được sử dụng để tìm kiếm thông tin, nhưng về bản chất, công cụ này không được thiết kế cho mục đích đó. Sam Altman, CEO OpenAI nhận định ChatGPT chỉ mới ở giai đoạn đầu và không thể lật đổ Google.
“Thật sai lầm khi cho rằng một công nghệ có thể đặt dấu chấm hết cho một gã khổng lồ", Sam Altman nhấn mạnh.