Đột phá đưa TP Hồ Chí Minh phát triển xứng tầm (Tiếp theo và hết ) (*)
Bài 2: Tầm nhìn cho một siêu đô thị tương lai
Bài 2: Tầm nhìn cho một siêu đô thị tương lai
Giới chuyên gia nhận định, với vai trò, vị thế và các dư địa hiện nay, TP Hồ Chí Minh không thể chỉ là đầu tàu của đất nước mà cần được định vị và vươn tầm hướng tới một đại đô thị thông minh, năng động, sáng tạo, mang đẳng cấp khu vực và quốc tế. Để thực hiện mục tiêu đó, thành phố cần những điều kiện nào và cần phải thực hiện những gì?
Định vị đúng vai trò vị thế
Phác họa bức tranh tổng thể của TP Hồ Chí Minh trong 10 - 15 năm tới, chuyên gia kinh tế TS Trần Du Lịch cho rằng: TP Hồ Chí Minh sẽ là một trong những thành phố hiện đại, phát triển nhanh và năng động nhất khu vực Đông - Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Thành phố cũng sẽ vươn lên trở thành một trung tâm đa chức năng, trong đó nổi bật là một trung tâm tài chính của khu vực và vươn tầm quốc tế. Sau năm 2035, cơ cấu kinh tế của thành phố sẽ giống cơ cấu kinh tế của các nền kinh tế phát triển (hậu công nghiệp), với các ngành dịch vụ cao cấp dựa trên nền tảng công nghệ số. Với điểm nhấn là TP Thủ Đức và đô thị mới dọc sông Sài Gòn, thành phố sẽ trở thành thành phố toàn cầu, với đời sống kinh tế thành phố gắn chặt với đời sống kinh tế thế giới, là cửa ngõ giao lưu quan trọng nhất của Việt Nam với bên ngoài.
Tuy nhiên, mục tiêu đó có trở thành hiện thực hay không phụ thuộc vào “sự bắt đầu” của chính quyền thành phố cũng như sự chung tay của các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Chúng ta cần định vị xem TP Hồ Chí Minh đang ở đâu và sẽ phát triển như thế nào trong giai đoạn tới? Lựa chọn và định vị sẽ giúp thành phố có sự ứng xử tương xứng. Thực tế cho thấy, dù vẫn luôn giữ vị thế đầu tàu nhưng thành phố đang “chững” lại trên nhiều ngành và lĩnh vực. TS Trần Du Lịch dẫn chứng: Giai đoạn 1991 - 2010, tốc độ tăng GDP trên địa bàn thành phố đạt bình quân 10,5%/năm và cao hơn mức bình quân tăng trưởng GDP của cả nước khoảng 1,5 lần; nhưng trong 10 năm (2011 - 2020), những con số nêu trên chỉ đạt lần lượt là: 7,2%/năm và 1,2 lần. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố chỉ bằng khoảng 45% so với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước (1,4% so với 2,91%). Mặc dù có nguyên nhân khách quan từ đại dịch Covid-19, nhưng thực tế này cũng cho thấy, khả năng chống chịu trước những biến động bất thường của kinh tế thành phố còn rất nhiều hạn chế.
Các chuyên gia cũng chỉ ra một loạt bất cập mà thành phố chưa khắc phục được như: Cơ cấu kinh tế không khai thác được thế mạnh về kinh tế; nguồn nhân lực; tiềm năng khoa học - công nghệ…, nhất là truyền thống năng động, sáng tạo của người dân thành phố… không gian đô thị được quy hoạch theo hướng “đa trung tâm” nhưng đến nay, công tác này vẫn còn nhiều dang dở, độ nén của đô thị vẫn là một thực trạng khiến thành phố đang tìm cách giải quyết. Điển hình như quy hoạch các tuyến đường vành đai 1-2-3-4 đã có từ lâu nhưng đến nay chưa có tuyến nào hoàn thành, để lại nhiều hệ lụy trong hoạt động giao thông vận tải nói riêng và sức bật của nền kinh tế thành phố, Vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói chung cũng bị tác động không nhỏ. Tương tự, nhiều năm trước, thành phố đã ấp ủ mô hình chính quyền đô thị nhưng cho đến nay, mô hình này chỉ mới manh nha triển khai tại TP Thủ Đức còn rất non trẻ.
Đột phá về tư duy để phát triển
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu: Đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD. Đến năm 2030, thành phố sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13 nghìn USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông - Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045, TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37 nghìn USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Đây là mục tiêu cụ thể trung và dài hạn. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích, việc phát triển thành phố thời gian qua không chỉ vì địa phương này bởi thành phố đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của cả vùng, cả nước. Bởi vậy, để giữ vị thế, vai trò đầu tàu, TP Hồ Chí Minh cần những đột phá mới về tư duy để khắc phục những hạn chế, tạo sức bật cho các nguồn lực. Gợi ý về giải pháp, TS Trần Du Lịch cho biết: Một trong các hạn chế thành phố cần khắc phục ngay là liên kết vùng. Và muốn liên kết thành công, thì hạ tầng giao thông cần phải đi trước một bước. Nhưng đây là bất cập mà thành phố và các tỉnh, thành phố quá chậm giải quyết. Nếu không đột phá giao thông liên vùng thì thành phố sẽ rất khó “bung” thêm để phát triển.
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright nhận định: Thành phố cần đánh giá đúng những dư địa của mình để đề ra chiến lược phát triển. Đơn cử, nếu như trước đây, thành phố khai thác các lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào chi phí rẻ, đầu tư nước ngoài thì thời gian tới, động lực của sự phát triển phải là năng suất, giá trị chất xám trong sản phẩm. Để thực hiện được giải pháp này thì phát triển khu vực tư nhân là một vấn đề cần được ưu tiên thực hiện. Tương tự, đối với vấn đề cơ sở hạ tầng. Trước đây, hạ tầng thường được hiểu là hệ thống cơ sở vật chất hiện hữu như đường, điện, cầu cảng; hiện nay, hạ tầng còn là những thứ “vô hình” nhưng có tác động sâu sắc đến nền kinh tế, đó chính là cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, truyền thông.
TS Vũ Thành Tự Anh cũng đề xuất các giải pháp gỡ các “nút thắt” về môi trường đầu tư, thể chế và nguồn nhân lực. Các điều kiện này mặc dù đang được thành phố đầu tư, chú trọng nhưng vẫn có những bất cập, hạn chế lớn cần sớm khắc phục. Câu hỏi đặt ra là, chúng ta đã có mục tiêu cụ thể, tầm nhìn dài hạn nhưng tại sao sự phát triển của thành phố vẫn chưa đạt yêu cầu như mong đợi? Vấn đề nằm ở cơ chế thực thi.
Tại hội thảo khoa học định hướng phát triển TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết: Với tinh thần cầu thị, thành phố muốn được lắng nghe các ý kiến xây dựng, đóng góp của các chuyên gia, đơn vị về những giải pháp lớn để phát triển. Đây sẽ là cơ sở để đặt ra những yêu cầu đối với đơn vị tư vấn lập quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phát triển đúng như những mục tiêu đã đề ra.
--------------------
(*) Xem Báo Nhân Dân, Trang thành phố Hồ Chí Minh số ra ngày 11-5.