Đột phá phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư ở Đồng Nai

Đồng Nai nằm trong 'tứ giác' kinh tế Đông Nam Bộ, có tốc độ phát triển nhanh hàng đầu cả nước. Hiện tại, Đồng Nai là một trong những địa phương thuộc tốp đầu cả nước về thu ngân sách và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Có được kết quả đó là nhờ chủ trương đột phá phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư, nhất là vốn FDI, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, hiện đại, bền vững.

Nâng cấp hạ tầng, kết nối giao thông

Tháng 7 vừa qua, cầu Bạch Đằng 2 kết nối huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) với TP Tân Uyên (Bình Dương) đã hợp long và chính thức thông xe. Cây cầu này góp phần tạo ra các trục kết nối thuận tiện cho hàng hóa, phương tiện từ các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ... lưu thông tới Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành và các cảng trong tương lai. Đây là một trong những nỗ lực của Đồng Nai thực hiện chiến lược phát triển hạ tầng, kết nối giao thông để tăng trưởng kinh tế.

Đồng Nai hiện có hệ thống hạ tầng phát triển khá toàn diện, bao gồm: Giao thông, đô thị, thủy lợi, bến cảng, khu công nghiệp, viễn thông, công trình thủy điện... Trong đó, hệ thống hạ tầng giao thông được tỉnh chú trọng nâng cấp, phát triển đồng bộ. Hàng loạt công trình giao thông đã hoàn thành và đang được thi công mang lại diện mạo mới, kỳ vọng trở thành điểm nhấn trong phát triển hạ tầng kinh tế để Đồng Nai tiếp tục bứt phá, điển hình như: Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây; cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết; dự án cầu Phước An; dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành; tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh) kéo dài tới ngã ba chợ Sặt (Biên Hòa, Đồng Nai); dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; đường vành đai 3... Có thể nói, Đồng Nai là địa phương có nhiều đường cao tốc và dự án xây dựng đường cao tốc thuộc tốp đầu Nam Bộ.

 Hệ thống giao thông kết nối ở TP Biên Hòa (Đồng Nai).

Hệ thống giao thông kết nối ở TP Biên Hòa (Đồng Nai).

Ông Lê Quang Bình, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai, chia sẻ: Tỉnh có vị trí quan trọng trong “tứ giác” kinh tế (TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu), là điểm kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương nên việc phát triển hạ tầng kinh tế, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư khá lớn. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Giao thông vận tải chủ động tham mưu, đề xuất giải pháp giúp UBND tỉnh chỉ đạo hoàn thiện hạ tầng giao thông; đồng thời phối hợp với sở giao thông vận tải các địa phương lân cận kết nối giao thông liên vùng tạo thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Trong số dự án giao thông ở Đồng Nai phải kể đến dự án xây dựng Cảng HKQT Long Thành. Với tầm vóc và quy mô lớn, sau khi hoàn thành, Cảng HKQT Long Thành sẽ là động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Đồng Nai nói riêng, vùng kinh tế Đông Nam Bộ nói chung. Để kết nối với Cảng HKQT Long Thành, Đồng Nai đầu tư xây dựng mới và nâng cấp mở rộng 4 dự án hạ tầng giao thông. Chưa tính các dự án này, hiện tại toàn tỉnh có khoảng 78.447km đường giao thông, 18 cảng biển đang hoạt động, 87,5km đường sắt Thống Nhất, 139 công trình thủy lợi, 33 khu công nghiệp... Theo ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đây là những lợi thế về hạ tầng kinh tế của Đồng Nai. Tỉnh đang tập trung phát triển hạ tầng kinh tế theo hướng đồng bộ, thông minh gắn với tăng trưởng xanh để phát triển bền vững. Cho nên, việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng là chủ trương lớn của tỉnh, tạo động lực liên kết vùng, phát triển kinh tế-xã hội và mời gọi đầu tư, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Thu hút đầu tư, chọn lọc dự án

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 7-2024, toàn tỉnh thu hút vốn FDI đạt khoảng 981,98 triệu USD (tăng 39,73% so cùng kỳ năm 2023); tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư và điều chỉnh tăng vốn xấp xỉ 11.672 tỷ đồng (gấp hơn 1,7 lần so với cùng kỳ)... Như vậy, chỉ sau 7 tháng, thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp của Đồng Nai đã vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2024 (kế hoạch xác định thu hút vốn FDI là 700 triệu USD, vốn trong nước 2.000 tỷ đồng). Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết: “Cùng với các cơ chế thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp, việc nâng cấp, phát triển hạ tầng góp phần không nhỏ thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Đồng Nai. Điều quan trọng là các dự án đầu tư vào Đồng Nai chủ yếu thuộc những ngành sản xuất có công nghệ tiên tiến, không thuộc danh mục ngành nghề có yếu tố gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động, phù hợp với chủ trương chọn lọc dự án, tăng trưởng xanh của tỉnh”.

 Đồng Nai chú trọng thu hút doanh nghiệp FDI có công nghệ sản xuất tiên tiến.

Đồng Nai chú trọng thu hút doanh nghiệp FDI có công nghệ sản xuất tiên tiến.

Thực tế cho thấy, muốn thu hút các nhà đầu tư, các công ty kinh doanh hạ tầng phải thường xuyên nâng cấp dịch vụ tiện ích, tạo ra những dịch vụ hạ tầng chất lượng cao, phong cách phục vụ chuyên nghiệp. Đồng Nai cũng đang tập trung thu hút đầu tư, nhưng không phải bằng mọi giá mà luôn ưu tiên cho các dự án thân thiện với môi trường. Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, hiện tại, tỉnh tích cực mời gọi các nhà đầu tư tham gia vào các dự án thuộc lĩnh vực mới như: Chuỗi đô thị-dịch vụ-du lịch ven sông, đổi mới sáng tạo, công nghiệp chế tạo máy và cơ khí chính xác, sản xuất phương tiện vận tải... Muốn vậy, các cấp, các ngành cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp để đón dòng vốn FDI chất lượng cao.

Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai rất chú trọng mời gọi các nhà đầu tư lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc)... Và thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp từ các quốc gia, vùng lãnh thổ này đầu tư vào Đồng Nai với hàng loạt dự án lớn. Ông Peter Wu, Phó chủ tịch VPIC Group-tập đoàn có Công ty Cổ phần Công nghiệp chính xác Việt Nam, đang hoạt động tại huyện Trảng Bom, đánh giá: Hướng đi của Đồng Nai trong thu hút đầu tư nước ngoài khá sáng tạo, hiệu quả. Ngay cả trong các lần tham gia xúc tiến đầu tư ở nước ngoài hay tiếp tổng lãnh sự, đại diện các doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng chủ động giới thiệu lợi thế của tỉnh và bày tỏ mong muốn kết nối doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh để phát triển cùng có lợi.

Với mục tiêu đến năm 2025, hơn 80% doanh nghiệp sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, thân thiện với môi trường, phát triển các khu công nghiệp mới, có tính chất chuyên sâu, đạt hiệu quả cao hơn về kinh tế, môi trường, xã hội... tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng xanh, theo đuổi mục tiêu "Net zero", chọn lọc trong thu hút đầu tư với những dự án có công nghệ tốt, hàm lượng chất xám cao, những dự án thân thiện với môi trường, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Ông Nguyễn Trí Phương, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, chia sẻ: "Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng báo cáo chi tiết chuyển đổi xanh trong việc phát triển khu công nghiệp theo hướng đạt mục tiêu phát thải ròng "Net zero" năm 2050; xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh trong các khu công nghiệp và trung tâm logistics. Mục tiêu đó càng đòi hỏi Đồng Nai thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển hiện đại, bền vững".

Bài và ảnh: THANH HUYỀN - VƯƠNG NGUYỄN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dot-pha-phat-trien-ha-tang-thu-hut-dau-tu-o-dong-nai-791047