Đột phá thể chế nên đi từ vấn đề thiết thân của doanh nghiệp
'Đột phá thể chế không cần điều gì to tát mà nên xuất phát từ những vấn đề thiết thân với cộng đồng doanh nghiệp. Đó là tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, hay mạnh dạn miễn toàn bộ lãi phạt chậm nộp tiền thuế, bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp', Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam NGUYỄN CÔNG HÙNG đề xuất.
“Chúng tôi vẫn có cảm giác lạc lõng”
- Một trong những động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế được các đại biểu đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 là phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nội địa. Ông nghĩ sao về động lực này?
- Những doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi hoàn toàn tán thành với ý kiến này. Phát triển khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta từ nhiều năm nay. Các doanh nghiệp tư nhân cũng không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân đã tạo dựng vị trí vững chắc trong nước và vươn ra cạnh tranh với các doanh nghiệp trên thế giới.
Tuy là tâm điểm chịu mọi rủi ro, từ thể chế, thiên tai, dịch bệnh, nhưng khi đất nước đương đầu với khó khăn thì doanh nghiệp tư nhân lại là lực lượng tiên phong sát cánh cùng Nhà nước, Nhân dân; điển hình như đóng góp lớn của lực lượng doanh nghiệp tư nhân trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Dù vậy chúng tôi nhiều khi vẫn có cảm giác lạc lõng, vẫn phải theo cơ chế “xin - cho” mà thiếu đi sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
- “Cảm giác lạc lõng” đó như thế nào, thưa ông?
- Sau hơn 2 năm chống chọi với dịch Covid-19, các doanh nghiệp vận tải đều trong tình cảnh thua lỗ, phải bán bớt tài sản để cắt lỗ. Nếu như trước dịch, riêng tại Hà Nội có khoảng 19.260 xe taxi thì hiện còn khoảng 11.000 - 12.000 xe; còn xe hợp đồng dưới 9 chỗ như taxi khoảng 130.000 - 140.000 xe thì hiện chỉ còn khoảng 63.000 xe. Đó là chưa tính các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định, vận tải du lịch.
Chính phủ đã ban hành chính sách tung ra hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, giảm lãi suất. Chúng tôi cũng rất muốn nhanh chóng nắm cơ hội khi thị trường dần hồi phục song hầu như cánh cửa tiếp cận nguồn vốn vẫn đóng lại với các doanh nghiệp vận tải vì những điều kiện rất ngặt nghèo như đòi hỏi phải không có nợ xấu, có tài sản thế chấp, thủ tục hồ sơ rất phức tạp, có những hồ sơ không thể tiếp cận nổi với nguồn vốn tín dụng. Hay có những công ty cho thuê mua tài chính của một ngân hàng muốn cho doanh nghiệp vận tải tiếp cận vốn để mua phương tiện hoạt động kinh doanh. Dù tài sản cho thuê vẫn đứng tên của công ty đó, song doanh nghiệp vừa bị yêu cầu phải nộp đối ứng 20%, vừa phải nộp thêm số tiền cọc 2 tháng tương ứng với doanh thu. Rõ ràng, doanh nghiệp tư nhân vẫn thiếu đi sự bình đẳng và vẫn phải theo cơ chế xin cho.
Trong khó khăn, doanh nghiệp vẫn cố gắng xoay sở giữ chân lao động và cơ cấu lại nợ. Nhưng nhiều doanh nghiệp đang phải chịu mức phạt lãi 18% tiền chậm nộp thuế, bảo hiểm xã hội; thậm chí còn trong “tầm ngắm” của các đoàn thanh kiểm tra. Như vậy, doanh nghiệp đã khó lại càng thêm khó.
Xem xét miễn lãi phạt chậm nộp tiền thuế, bảo hiểm xã hội
- Trong phát biểu bế mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ phải “có đột phá về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn”. Vậy theo ông, những đột phá đó nên là gì?
- Tôi rất ấn tượng với bài phát biểu bế mạc Diễn đàn của Chủ tịch Quốc hội. Tôi cũng rất tán thành với việc mà Chủ tịch Quốc hội nêu ra, là “cần phải có đột phá về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn. Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong nước hiện nay, nhất là về vấn đề thủ tục hành chính, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn, đặc biệt là khả năng tiếp cận và năng lực hấp thụ vốn và lao động”. Đây là những điều chúng tôi đang rất cần.
Thực ra, đột phá thể chế không cần điều gì to tát mà nên xuất phát từ chính những vấn đề cụ thể, thiết thân với cộng đồng doanh nghiệp. Đó là tạo cơ chế cho lưu thông dòng tiền, xây dựng chính sách về lãi suất, chính sách cho doanh nghiệp vay xem cái nào cần tài sản bảo đảm, cái nào cần vay tín chấp; đơn giản hóa thủ tục, điều kiện để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn dễ dàng. Thực tế, doanh nghiệp muốn vay phải có báo cáo tài chính dựa trên kết quả của công ty kiểm toán độc lập, vì thế không nhất thiết buộc doanh nghiệp phải chứng minh sẽ rất mất thời gian và làm chậm, thậm chí là mất đi cơ hội đầu tư.
Đặc biệt, Nhà nước cũng cần mạnh dạn miễn toàn bộ lãi phạt chậm nộp tiền thuế, bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp. Đây là số tiền rất lớn. Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất và rất mong Quốc hội sẽ xem xét vấn đề này tại Kỳ họp tháng 10 tới. Bởi những khó khăn của doanh nghiệp là do tác động khách quan của đại dịch, bản chất người ta đã trả gốc rồi mà còn phần lãi thì nên xem xét miễn phần lãi chậm nộp. Nếu cứ kéo dài tình trạng này, doanh nghiệp sẽ phải tìm cách sa thải lao động để ký lao động mùa vụ. Đây là biện pháp cực chẳng đã, bởi chúng tôi không muốn lãi chồng lãi, kiệt quệ thêm kiệt quệ nữa!
- Cũng tại Diễn đàn, có ý kiến nhận định với doanh nghiệp thì niềm tin rất quan trọng. Tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp là điều cần nhất lúc này, bằng cách nói phải đi đôi với làm, chính sách phải được thực thi đúng và nhất quán. Ở góc độ doanh nghiệp, ông nghĩ sao?
- Đúng vậy! Chúng tôi luôn đặt niềm tin vào Đảng, Nhà nước và rất ủng hộ, phấn khởi khi Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, đưa ra các giải pháp, cơ chế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; xử lý các vụ việc tham nhũng. Song, đúng là đâu đó, thời điểm nào đó, niềm tin bị ảnh hưởng bởi quy định một đằng thực thi một nẻo. Đơn cử, theo quy định của Bộ Công an, các xe kinh doanh vận tải phải sử dụng biển số màu vàng song ở nhiều địa phương vẫn chưa làm được điều này. Đó chính là sự thiếu công bằng, bình đẳng trong tuân thủ pháp luật. Chừng nào tình trạng này còn tiếp diễn, chừng đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới niềm tin của doanh nghiệp! Do vậy, mong sau Diễn đàn, Quốc hội, Chính phủ sẽ có những giải pháp cụ thể cho vấn đề thực thi.
- Xin cảm ơn ông!