Đột phá thể chế và trọng trách của Quốc hội khóa XV

Kiến tạo, phát triển với thể chế là 2 vấn đề vừa là nguyên nhân vừa là kết quả. Đột phá, giải quyết bất cập về thể chế là tác nhân quan trọng thúc đẩy phát triển.

Quá trình xây dựng Nhà nước kiến tạo và phát triển chính là việc xác định mức độ và cách thức Nhà nước can thiệp vào đời sống kinh tế- xã hội. Trong quá trình ấy, Nhà nước không chỉ tạo khuôn khổ cho sự phát triển mà còn định hướng và thúc đẩy sự phát triển. Nhà nước không đứng ngoài thị trường, không làm thay thị trường mà chủ động can thiệt vào thị trường bằng cách thức thích hợp để thúc đẩy phát triển theo các mục tiêu đã định. Trong quá trình đó, thể chế có ý nghĩa cốt lõi.

Đột phá về thể chế được hiểu ở nhiều góc độ, đó là cải cách, đột phá về tổ chức bộ máy, quản trị quốc gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đột phá trong công tác xây dựng luật. Về công tác xây dựng luật với ý nghĩa là cơ sở pháp lý quan trọng để điều chỉnh mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, yêu cầu khắc phục những tồn tại lâu nay, cũng như dự báo, điều chỉnh được vấn đề phát sinh trong thực tiễn là một đòi hỏi cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong khóa tới, Quốc hội sẽ chấp hành nghiêm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật và rà soát để tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp theo hướng đồng bộ, thống nhất, mang tính khả thi cao và tuổi thọ của các bộ luật phải có đời sống dài cho kiến tạo phát triển đất nước.

Nếu cuộc sống không đi vào luật pháp, nghị quyết thì nghị quyết, luật pháp cũng sẽ không đi vào cuộc sống được. Nếu chỉ ngồi phòng lạnh để làm luật, làm nghị quyết thì chắc chắn sẽ không sát thực, không lắng nghe được người dân muốn gì, không lắng nghe thực tiễn cuộc sống như thế nào. Đây cũng là hướng mà Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội tới đây phải hết sức chú trọng, có hình thức lắng nghe như thế nào, đánh giá tác động như thế nào, nhất là các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng chịu tác động của các dự án luật.

Theo ông Hà Sỹ Đồng (ĐBQH khóa XIV vừa trúng cử khóa XV, đoàn Quảng Trị), nhiều luật bị vướng ở các nghị định, thông tư hướng dẫn, nên các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, triển khai còn vướng mắc, có lúc còn lúng túng nên cũng ảnh hưởng một phần không nhỏ đến thực hiện kế hoạch hàng năm của các địa phương. Trong nhiệm kỳ mới, cần cải cách mạnh mẽ hơn, rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, không nợ đọng văn bản để các địa phương tiếp cận các chính sách; doanh nghiệp, người dân tiếp cận văn bản quy phạm pháp luật và các chủ trương, chính sách một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Còn theo ông Hoàng Văn Cường (ĐBQH khóa XIV vừa trúng cử khóa XV, đoàn TP Hà Nội), yêu cầu trên đòi hỏi công tác lập pháp phải thay đổi và từng đại biểu Quốc hội phải tham gia ý kiến trong quá trình sửa đổi luật pháp, phải thay đổi về phương thức hành động.

Trước hết phải xem các quy định của luật pháp đưa ra có mang tính chất tạo điều kiện phát triển hay đi theo lối mòn là tạo ra các ràng buộc, rào cản. Bên cạnh đó, các đại biểu phải đưa ra ý kiến đóng góp làm thế nào để luật pháp chuyển đổi phương thức hành động của những người thực thi pháp luật là không phải dùng công cụ luật pháp để trói buộc, cản trở những đối tượng quản lý, mà phải dùng các công cụ luật pháp trở thành những yếu tố là thước đo, là tiêu chí đánh giá xem người quản lý đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình chưa và tạo những điều kiện tốt nhất cho các đối tượng quản lý phát triển hay chưa.

Đại biểu Hoàng Văn Cường

Đại biểu Hoàng Văn Cường

Vai trò của các đại biểu Quốc hội cũng phải xem xét các quy định về mặt thể chế đã thực sự tạo ra môi trường bình đẳng cho các đối tượng quản lý, tránh tình trạng tạo ra kẽ hở, có thể tạo ra yếu tố, cơ chế không minh bạch giữa các đối tượng quản lý. "Nó phụ thuộc vào quyền của những người thực thi và khi đó chúng ta không thể chuyển từ cơ chế quản lý sang cơ chế phục vụ và kiến tạo" - ông Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.

Theo các chuyên gia, kiến tạo, phát triển với thể chế là hai vấn đề vừa là nguyên nhân vừa là kết quả. Nên đột phá về thể chế, giải quyết bất cập về thể chế là tác nhân quan trọng thúc đẩy phát triển. Đột phá về thể chế là yêu cầu có tính tất yếu trong bối cảnh hiện nay.

Để các chính sách phù hợp với thực tiễn, Quốc hội cần lưu tâm những nguồn thông tin từ chuyên gia, từ cử tri và nhân dân, lấy đó là cơ sở quan trọng để kiểm tra chéo với những vấn đề Chính phủ, bộ ngành đề xuất đưa ra khi soạn thảo điều luật có thực sự cần thiết và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, đòi hỏi của cử tri và nhân dân hay không.

Ở góc độ kinh tế, ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, sự phát triển của khoa học công nghệ, sự thay đổi của phương thức kinh doanh, công tác xây dựng luật phải đổi mới theo hướng tạo cơ chế thúc đẩy cho kinh tế thị trường phát triển và đây là thách thức đối với Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XV.

“Quốc hội vẫn đang làm nhưng tại sao Quốc hội khóa tới lại thách thức hơn. Tại vì dư địa cải cách khi đã đạt được một chất lượng nhất định thì công việc có thể dễ dàng hơn, nhưng khi nâng cấp lên một bước thể chế, từ mức độ khá lên mức độ tốt hoặc mức độ tốt nhất thì yêu cầu cải cách trở nên khó khăn hơn nhiều. Trước đây chúng ta dễ dàng tranh luận về việc bỏ đi 1 giấy phép đánh máy chữ, nhưng bây giờ không còn những cái dễ dàng như vậy, những giấy phép hiện nay cũng đã qua 10-20 năm sàng lọc những quy định, thì việc tiếp tục bãi bỏ cái này, cải cách cái kia trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Thứ hai, có những vấn đề không còn đơn thuần nằm trong phạm vi của một ngành, một lĩnh vực hoặc một quốc gia mà nó bị tác động bởi nhiều quốc gia khác nhau thì tính phức tạp, hàm lượng kiến thức để giải quyết một vấn đề hiện nay rất lớn” – ông Phan Đức Hiếu phân tích.

Ở góc nhìn khác, luật sư Nguyễn Tiến Lập – Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, để xây dựng nhà nước pháp quyền, việc quan trọng là thiết lập, xây dựng được thiết chế gọi là Hội đồng bảo vệ Hiến pháp trực thuộc Quốc hội. Bảo vệ Hiến pháp phải có cơ chế, mà cơ chế này phải do luật định. Còn các nhiệm vụ khác để hướng tới vừa bảo đảm tính pháp quyền, vừa củng cố năng lực kiến tạo, phát triển thì có một số nhiệm vụ Quốc hội cần quan tâm.

“Cụ thể, cần giám sát được hoạt động quy hoạch của quốc gia, trong đó có quy hoạch phát triển, giám sát chặt chẽ các hoạt động liên quan đến ngân sách, giám sát được các dự án kinh tế lớn và các vấn đề lớn mang tính chính trị, kinh tế-xã hội. Quốc hội cần phải bảo đảm nguyên tắc tối đa việc luật hóa các chính sách lớn của Nhà nước như bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời đại kinh tế số, công nghệ 4.0; hay vấn đề liên quan đến đất đai,...” - luật sư Nguyễn Tiến Lập cho biết và lưu ý cần luật hóa, hạn chế tối đa ban hành nghị định

Đột phá về thể chế, trong đó vấn đề quan trọng là đột phá trong công tác xây dựng luật nhằm kiến tạo, phát triển đòi hỏi những nhà luật pháp cũng phải có hiểu biết, tư duy phù hợp, bên cạnh sự đổi mới mạnh mẽ về quy trình xây dựng luật, để có một hệ thống pháp luật có ý nghĩa trực tiếp tạo cơ chế thúc đẩy, phát triển các quan hệ trong mọi lĩnh vực của xã hội./.

PV/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/dot-pha-the-che-va-trong-trach-cua-quoc-hoi-khoa-xv-873620.vov