Lãi suất huy động tăng có đáng lo?

Kinhtedthi - Thời gian gần đây, các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động, xác lập mặt bằng giá vốn đầu vào mới. Lãi suất tiết kiệm tăng có kéo lãi suất cho vay đi lên là câu hỏi đang được nhiều người đặt ra?

Theo số liệu của Công ty Chứng khoán Maybank, các ngân hàng khác ngoài nhóm Big 4 đã tăng lãi suất tiền gửi 0,1 - 1,7% ở các kỳ hạn khác nhau, kéo lãi suất tiền gửi tăng trung bình 40 điểm cơ bản so với mức dự báo 100 điểm cơ bản mà tổ chức này dự báo trước đó.

Chi phí vốn của các ngân hàng không chỉ tăng lên ở thị trường tiền gửi mà còn ở trên thị trường liên ngân hàng khi sức ép tỷ giá vẫn còn lớn. Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu can thiệp vào giữa tháng 3/2024, lãi suất liên ngân hàng tiệm cận ngưỡng 5%, trong khi lãi suất các kỳ hạn khác từ 1 - 4 tuần cũng quanh mức 3,6 - 4,5%.

Điều này đồng nghĩa với việc thị trường đã thiết lập mặt bằng mới khi nhu cầu về thanh khoản gia tăng.

Nguyên nhân khiến lãi suất tiền gửi xác lập mặt bằng mới theo hướng đi lên, theo các chuyên gia, ngân hàng nâng lãi suất xuất phát từ chính lợi ích của họ, nhằm bảo đảm chỉ số an toàn vốn, hệ số thanh khoản…

Thực tế, lãi suất huy động vẫn trong xu hướng tăng giúp vốn huy động của các ngân hàng dồi dào hơn so với thời điểm đầu năm. Các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động vốn, trong đó có việc phát hành chứng chỉ tiền gửi nhằm kích thích người dân chuyển đổi gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài; đồng thời, đẩy mạnh phát hành trái phiếu.

Thống kê của FiinRatings trong báo cáo trái phiếu phát hành mới đây cho thấy, trong tháng 5 và tháng 6, lãi suất tiết kiệm 12 tháng trung bình của các ngân hàng tư nhân đã tăng lần lượt 19 và 17 điểm phần trăm so với tháng liền trước.

Lãi suất huy động tăng giúp kênh tiết kiệm hấp dẫn trở lại. Tuy nhiên, nỗi lo lãi suất cho vay tăng lại thêm hiện hữu. Mặt khác, các ngân hàng sẽ đau đầu với câu chuyện lợi nhuận do chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra không lớn.

Lãi vay được xác định dựa trên lãi đầu vào cộng với biên độ của từng ngân hàng nên nỗi lo lãi vay tăng theo giá vốn đầu vào là có cơ sở.

Tuy nhiên, tinh thần của Thủ tướng Chính phủ và NHNN đặt ra với ngành ngân hàng là phấn đấu ổn định và giảm tiếp 1 - 2 điểm phần trăm lãi suất cho vay qua những chính sách giảm chi phí, ứng dụng công nghệ thông tin. Vì thế, việc giữ mặt bằng lãi suất thấp nhằm ổn định để phục hồi nền kinh tế ở thời điểm hiện tại rất quan trọng. Và lãi suất cho vay sẽ vẫn tiếp tục ở mức thấp và lãi suất tiết kiệm sẽ điều chỉnh tăng nhẹ.

Nhìn tổng thể bối cảnh chung của nền kinh tế, các DN vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Nhu cầu hấp thụ vốn trong nền kinh tế vẫn còn tương đối yếu. Điều này dẫn đến mức tăng trưởng tín dụng chưa cao so với mục tiêu tăng trưởng 15% của năm nay. Do đó, các ngân hàng sẽ phải cân nhắc khi tăng lãi suất cho vay do phải bảo đảm việc lãi suất cần hấp dẫn các DN.

Phía các ngân hàng cũng cho biết, họ đã cân đối chi phí vốn đầu vào, tiết kiệm chi phí hoạt động để có mức lãi suất cho vay cạnh tranh nhằm giữ chân khách hàng và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Hà Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lai-suat-huy-dong-tang-co-dang-lo.html