Đột phá: Thuốc đầu tiên trị bệnh nan y gây chết sớm hàng thứ 7 thế giới
Một loại thuốc làm chậm quá trình phá hủy não của bệnh Alzheimer vừa thành công bước đầu trong thử nghiệm, được ca ngợi là đột phá và mang tính lịch sử.
Đài BBC đưa tin rằng bước đột phá trong nghiên cứu chấm dứt hàng thập kỷ thất bại và cho thấy sự hứa hẹn về một kỷ nguyên mới của thuốc điều trị bệnh Alzheimer, dù tác dụng còn hạn chế và đang được tranh luận.
Theo Reuters, đó là lecanemab, một kháng thể đơn dòng được tạo ra với sự phối hợp của hai hãng dược Nhật - Mỹ là Esai và Biogen, hoạt động trong giai đoạn đầu của bệnh.
Lecanemab tấn công các mảng bám amyloid beta tích tụ trong não người bệnh Alzheimer. Cuộc thử nghiệm kéo dài 18 tháng, với sự tham gia của gần 1.800 người mắc bệnh Alzheimer giai đoạn đầu, đã phát hiện ra rằng điều trị bằng lecanemab làm giảm 27% tỉ lệ suy giảm theo thang điểm sa sút trí tuệ lâm sàng (CDR-SB), khi so sánh với giả dược.
Điểm hạn chế của thuốc là nó hầu như không có tác dụng rõ rệt với nhóm bệnh nhân có hai bản sao của gien APOE4,một tình trạng di truyền góp phần gây Alzheimer, vốn chiếm 16% trong số các tình nguyện viên.
Ngoài ra, thuốc cũng ghi nhận tác dụng phụ là một dạngsưng não ở 12,6% bệnh nhân; 14% khác bị xuất huyết vi mô trong não.
Tuy nhiên theo BBC, đối với một lĩnh vực y tế "tràn ngập tuyệt vọng và thất vọng", đó đã là bước ngoặc chiến thắng, bởi các nghiên cứu nhằm tìm ra thuốc điều trị Alzheimer trong hàng thập kỷ đều thất bại.
Một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới đứng sau toàn bộ ý tưởng nhắm mục tiêu amyloid cách đây 30 năm, Giáo sư John Hardy từ University College London (ICL, trường thành viên của Đại học London - Anh) cho biết đó là "lịch sử" và rất lạc quan rằng "chúng ta đang thấy sự khởi đầu của các liệu pháp điều trị bệnh Alzheimer".
Hiện tại, những người mắc bệnh Alzheimer được cho dùng các loại thuốc khác để giúp kiểm soát các triệu chứng của họ, nhưng không có loại thuốc nào làm thay đổi tiến trình của bệnh.
Các kết quả vừa được trình bày tại hội nghị Thử nghiệm lâm sàng về bệnh Alzheimer ở San Francisco - Mỹ và được công bố trên Tạp chí Y học New England (NEJM).
Các nhà nghiên cứu cho biết đó không phải là một phương pháp chữa bệnh thần kỳ. Căn bệnh này tiếp tục cướp đi sức mạnh não bộ của con người, nhưng sự suy giảm đó đã chậm lại khoảng 1/4 trong suốt 18 tháng điều trị.
Dữ liệu đã được đánh giá bởi các cơ quan quản lý ở Hoa Kỳ, những người sẽ sớm quyết định liệu lecanemab có thể được phê duyệt để sử dụng rộng rãi hơn hay không. Eisai và Biogen - có kế hoạch đệ trình yêu cầu phê duyệt ở các quốc gia khác vào năm tới.
Alzheimer chiếm khoảng 70% trong nhóm bệnh mất trí nhớ, hiện được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp hàng thứ 7 trong các nguyên nhân gây tử vong sớm hàng đầu và dự báo số ca sẽ tăng mạnh trong những năm tới.