Đột phá trong công tác cán bộ
Xác định xây dựng đội ngũ cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, những năm qua Điện Biên chú trọng thực hiện có hiệu quả công tác điều động, luân chuyển cán bộ kết hợp với bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, gắn với phát hiện, khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo và sàng lọc cán bộ yếu kém.
Nhận thức tầm quan trọng của công tác điều động, luân chuyển cán bộ, những năm qua Tỉnh ủy đã cụ thể hóa và ban hành nhiều văn bản về điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và thực tiễn của tỉnh. Công tác này được chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, mở rộng dân chủ và thích hợp; đồng thời, tiến hành đồng bộ với các khâu trong công tác cán bộ. Đặc biệt là khâu đánh giá, nhận xét cán bộ, làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ và bố trí cán bộ trước, sau thời gian luân chuyển.
Trong thời gian luân chuyển, các cấp ủy đã thường xuyên kiểm tra, theo dõi và giúp đỡ để cán bộ kịp thời phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Việc luân chuyển cán bộ phải đảm bảo sự đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, cán bộ địa phương và cán bộ ở các đơn vị được luân chuyển về. Từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2024 đối với các chức danh thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có 74 lượt cán bộ được luân chuyển, điều động (trong đó, luân chuyển 20 lượt cán bộ; điều động 54 lượt cán bộ). Cán bộ được điều động, luân chuyển cơ bản tiếp cận nhanh với điều kiện, môi trường làm việc mới; phát huy năng lực, sở trường công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thực hiện công tác điều động, luân chuyển gắn với bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không là người địa phương, đã tạo hiệu ứng tích cực, giúp các địa phương đột phá trong thực hiện các mục tiêu nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, 10/10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có bí thư, chủ tịch UBND, chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân, cấp trưởng ngành tài chính không phải người địa phương. Thực tiễn này đã và đang tạo hiệu ứng tích cực, giúp địa phương, đơn vị tháo gỡ khó khăn về công tác cán bộ. Khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ, tư tưởng cục bộ địa phương, khép kín; tâm lý thỏa mãn, bảo thủ, trì trệ trong quản lý, điều hành của cán bộ.
Tháng 9/2022, anh Lò Văn Thân, công chức Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nậm Pồ được Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ định giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã Pa Tần, giới thiệu ứng cử để HĐND xã bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Pa Tần. Với vai trò mới, môi trường mới, anh Thân đã dành nhiều thời gian nghiên cứu thực tế, tìm hiểu những thuận lợi và khó khăn của địa phương, nắm bắt tình hình trong cán bộ và nhân dân; từ đó có những định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Anh Lò Văn Thân chia sẻ: “Đây là môi trường thuận lợi để tôi rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành; áp dụng những kiến thức chuyên môn, kỹ năng trong giải quyết công việc vào thực tế”.
Công tác quy hoạch cán bộ đã được thực hiện khách quan, dân chủ, đúng quy định, bảo đảm liên thông giữa các cấp, ngành, của cả hệ thống chính trị tỉnh; thực hiện nghiêm phương châm “động” và “mở”, gắn với các khâu trong công tác cán bộ. Số lượng nguồn quy hoạch bảo đảm theo quy định, chất lượng nguồn quy hoạch được nâng lên. Theo đó, số lượng nhân sự quy hoạch ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ và các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026 cấp tỉnh có 126 lượt cán bộ, cấp huyện 1.210 lượt cán bộ, cấp xã 7.684 lượt cán bộ. Quy hoạch nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031 cấp tỉnh có 120 lượt cán bộ, cấp huyện 1.198 lượt, cấp xã là 8.124 lượt cán bộ.
Bên cạnh đó, việc bố trí và sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người DTTS được Tỉnh ủy lãnh đạo ngay từ khâu chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Hiện nay, cơ cấu về độ tuổi cấp ủy các cấp trong tỉnh: Cấp tỉnh, cấp huyện, dưới 40 tuổi, đạt từ 10% trở lên; cấp xã, dưới 35 tuổi đạt từ 10 - 15%. Về cơ cấu cán bộ nữ, cán bộ người DTTS: Cấp xã, tỷ lệ cán bộ nữ đạt 28%, cán bộ người DTTS đạt 84%. Cấp huyện, tỷ lệ cán bộ nữ đạt 63%, cán bộ người DTTS đạt 49%. Cấp tỉnh, tỷ lệ cán bộ nữ đạt 56%, cán bộ người DTTS đạt 29%. Việc bố trí, sử dụng hợp lý đã phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, chủ động tạo nguồn cán bộ các cấp, tạo điều kiện cho cán bộ kế thừa kinh nghiệm, có điều kiện học hỏi, giúp nhau cùng tiến bộ, nâng cao năng lực công tác.
Cán bộ là nhân tố căn bản quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, khơi dậy khát vọng, tạo sức bật cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Từ thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín trên địa bàn tỉnh đã góp phần chủ động nguồn cán bộ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, sẵn sàng bổ sung, tạo sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, thực hiện thành công các nhiệm vụ được giao, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.