Đột phá trong xây dựng Đảng, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô

Với truyền thống đoàn kết, gương mẫu, trí tuệ, bản lĩnh, trong 70 năm qua (10/10/1954 – 10/10/2024), Đảng bộ TP Hà Nội luôn quán triệt, nỗ lực thực hiện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các thành viên đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, ngày 9/8/2024. Ảnh: Thanh Hải

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các thành viên đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, ngày 9/8/2024. Ảnh: Thanh Hải

Đây là những nhân tố quan trọng để góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị và xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Luôn xây dựng, gìn giữ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng

Với vị trí “là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia”, hiện Đảng bộ TP Hà Nội có số lượng tổ chức Đảng và đảng viên lớn nhất cả nước, với 50 Đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc, hơn 48 vạn đảng viên (chiếm hơn 9% tổng số đảng viên cả nước), trong mọi thời kỳ, Thủ đô Hà Nội luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, coi đây là yếu tố quyết định để triển khai và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị thường xuyên, đột xuất của TP.

Đặc biệt, trong 3 nhiệm kỳ (XV, XVI, XVII), Đảng bộ TP Hà Nội đều ban hành Chương trình 01-CTr/TU về công tác xây dựng Đảng, đây là chương trình xương sống, tiền đề để thực hiện các chương trình khác và được coi là cơ sở, định hướng đặc biệt quan trọng để Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, bền vững và toàn diện trên tất cả lĩnh vực.

Dấu ấn nổi bật còn thể hiện ở việc Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong ban hành các nghị quyết chuyên đề, Đề án về xây dựng Đảng, công tác cán bộ, như Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27/2/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khóa XV về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các DN ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020” và Kết luận số 67-KL/TU, ngày 10/7/2020 (khóa XVI) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU giai đoạn 2020 - 2025.

Sau hơn 12 năm thực hiện, toàn TP đã phát triển thêm được gần 1.700 tổ chức đảng; phát triển được gần 11.000 đảng viên mới (trong đó có gần 50 chủ DN tư nhân).... Đặc biệt thành lập 30/30 đảng bộ khối DN trực thuộc các quận, huyện, thị ủy, tạo cơ sở để Nghị quyết ngày càng đi vào cuộc sống, đồng hành cùng DN, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tập trung vào những hạn chế, yếu kém để khắc phục, Ban Thường vụ Thành ủy khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4/7/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội” và Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16/12/2016 của Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội”, hiện tiếp tục được các cấp, ngành tập trung thực hiện đồng bộ, xuyên suốt, hiệu quả.

Hàng loạt tổ chức cơ sở đảng yếu kém đã được củng cố, nâng cao chất lượng, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ sở. Đồng thời, với việc gắn trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu và tập trung thực hiện công tác tiếp công dân, đã hạn chế để xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp, nhất là không để phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự.

Đảng bộ TP Hà Nội cũng đặc biệt quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo bằng công tác tổ chức, cán bộ; chọn đây là một trong những khâu trọng tâm, có tính đột phá trong các nhiệm kỳ. Phương thức lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội thông qua công tác cán bộ đã có nhiều đổi mới theo hướng khoa học, công khai, dân chủ, sát thực tiễn hơn; đã được thể chế và cụ thể hóa thành nghị quyết, các quy định, quy chế của Thành ủy.

Cụ thể như, ngay trong đầu nhiệm kỳ khóa XVII này, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 31/5/2021 về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo”, đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Thành ủy về công tác cán bộ, với những giải pháp mạnh, tạo bước đột phá về công tác cán bộ nhằm nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của Thủ đô. Đồng thời ban hành nhiều quy định về công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ..., đây thực sự là những văn bản quan trọng, làm cơ sở để thực hiện tốt hơn nữa công tác tổ chức cán bộ, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo

Thực tiễn phát triển của Thủ đô liên tục đặt ra những thách thức mới, trong đó có việc lớn, việc mới, việc khó, phức tạp phát sinh, điều đó càng đặt ra những yêu cầu và trách nhiệm cao hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ TP Hà Nội. Đáng chú ý, Thành ủy đặc biệt đề cao tính tiền phong gương mẫu, tính nêu gương, nhất là của người đứng đầu các cấp, gắn trách nhiệm của các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, địa bàn, lĩnh vực mình được phân công phụ trách.

Điều này được thể hiện khi ngày 7/8/2023, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội”, chỉ rõ 25 biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, đã tạo ra sự cộng hưởng làm cho việc đổi mới phương thức lãnh đạo càng thêm mạnh mẽ, đồng thời cũng là nét mới, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm trong toàn hệ thống chính trị từ TP xuống cơ sở…

Thành ủy Hà Nội cũng lựa chọn những việc khó, tồn tại từ nhiều năm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ nhằm khơi thông nguồn lực phát triển Thủ đô, tạo chuyển biến tích cực cho hệ thống chính trị từ TP xuống cơ sở. Cụ thể như tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, biện pháp xử lý đối với các dự án chậm tiến độ; cải tạo chung cư cũ; thí điểm một số mô hình như chính quyền đô thị, tổ chức sinh hoạt chi bộ thôn, tổ dân phố có đông đảng viên theo tổ đảng ở các khu dân cư, khu chung cư và khu đô thị mới; đẩy mạnh phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP...

Thành ủy cũng đã ban hành và triển khai nghị quyết về ưu tiên đầu tư vào 3 lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo và văn hóa với tổng mức đầu tư hơn 49.200 tỷ đồng trong giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo. Sau hơn một năm thực hiện, khoảng 1.000 công trình đã được đầu tư cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới. Bước đầu đạt được những kết quả tích cực, các nội dung thí điểm được triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, cơ bản bảo đảm các mục tiêu, mục đích, tiến độ đề ra.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, thời gian tới, Thành ủy Hà Nội xác định, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy; đổi mới, sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị các cấp bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả… Đồng thời, thúc đẩy tinh thần đột phá, sáng tạo trong mọi cấp ủy, để khơi dậy tinh thần cống hiến, khát vọng đóng góp xây dựng Thủ đô ngày phát triển toàn diện và bền vững.

Trần Long

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dot-pha-trong-xay-dung-dang-thuc-day-su-phat-trien-cua-thu-do.html