Đột phá từ các chương trình trọng tâm
Phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015-2020, kinh tế - xã hội của TP Thanh Hóa đã có bước phát triển khá toàn diện. Trong đó, những kết quả từ 4 chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX đã đóng góp tích cực vào thành quả chung của thành phố.
Trong 5 năm qua, ngành du lịch TP Thanh Hóa đã có những bước phát triển đáng ghi nhận với nhiều điểm, tuyến du lịch được hình thành.
Nhìn vào sự phát triển toàn diện của TP Thanh Hóa nhiệm kỳ qua mới thấy hiệu ứng tích cực của 4 chương trình trọng tâm mang lại là khá rõ nét. Thực hiện Chương trình “Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và mở rộng không gian thành phố theo quy hoạch”, thành phố đã tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối các khu đô thị, kết nối nội thị và ngoại thị. Mạng lưới giao thông ngày càng hoàn chỉnh, với nhiều tuyến đường giao thông quan trọng được đầu tư, như: Đường tránh phía Tây, Đại lộ Đông - Tây, nâng cấp Quốc lộ 47 đoạn qua thành phố. Đến nay, hầu hết các tuyến đường lớn trong nội thành được cải tạo, nâng cấp mặt đường, vỉa hè, cống thoát nước, hạ ngầm dây điện và cáp viễn thông, phối hợp với ngành điện xây dựng và nâng cấp hệ thống tải điện. Nhiều dự án, công trình kiến trúc trọng điểm, quy mô lớn được quy hoạch, thiết kế và đầu tư đồng bộ, hiện đại đã và đang triển khai, như: Trung tâm Thương mại Vincom và các shop house khu dân cư phường Điện Biên, dự án Vinhome Starcity Thanh Hóa, khu đô thị Đông Hải, Khu đô thị Núi Long, Trung tâm Hành chính thành phố... Nhờ đó, bộ mặt đô thị thành phố thay đổi nhanh chóng, trở thành điểm nhấn đẹp về kiến trúc và cảnh quan, đồng thời, tạo ra giá trị mới trong phát triển.
Dấu ấn của nhiệm kỳ qua của Đảng bộ phường Đông Vệ chính là tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, trong đó, trọng tâm là công nghiệp – xây dựng và thương mại, dịch vụ. Nhờ vậy, hạ tầng thương mại, dịch vụ của phường phát triển mạnh với nhiều khu thương mại sầm uất, với điểm nhấn là khách sạn Mường Thanh; hệ thống siêu thị Vinmart, Sunshine Group, nhiều cửa hàng tiện ích và 3 chợ được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Đặc biệt, triển khai thực hiện chương trình “Xây dựng đô thị văn minh - công dân thân thiện”, phường luôn luôn đề cao vai trò tham gia của người dân trong xây dựng nếp sống đô thị. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, phường đã vận động Nhân dân đóng góp 2,5 tỷ đồng để xây mới, cải tạo nhà văn hóa, nâng cấp đường giao thông, hệ thống thoát nước, vỉa hè, điện chiếu sáng các khu dân cư. Đến nay, 100% các tuyến đường, ngõ phố trong khu dân cư của phường được bê tông hóa, hệ thống thoát nước và vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng ở các khu dân cư được đầu tư xây dựng đồng bộ. Qua đó góp phần tạo nên diện mạo mới, sức vươn mạnh mẽ của một phường trung tâm của TP Thanh Hóa.
Trong thực hiện Chương trình “Xây dựng đô thị văn minh - công dân thân thiện”, với việc xác định người dân là trung tâm, các cấp ủy đảng, chính quyền của thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức và tính tự giác trong xây dựng nếp sống đô thị. Mặt khác, thành phố cũng chú trọng đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình phúc lợi xã hội tại khu dân cư và tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao. Công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, giữ gìn an ninh trật tự được cả hệ thống chính trị và Nhân dân tích cực tham gia thực hiện. Toàn thành phố đã thành lập được hơn 50 mô hình, câu lạc bộ bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự của các tổ chức đoàn thể, thu hút hàng ngàn lượt hội viên tham gia. Đặc biệt, trong dịp lễ, tết người dân đã tự giác đóng góp kinh phí trang trí các ngõ phố, tổ chức giao lưu văn hóa, tạo không khí đoàn kết và môi trường sống lành mạnh, thân thiện, nghĩa tình.
Về Chương trình “Phát triển dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch”, thành phố đã ban hành và tổ chức thực hiện các Đề án “Phát triển du lịch TP Thanh Hóa đến năm 2030”, “Du lịch trải nghiệm đồng quê”, bước đầu mang lại hiệu quả. Đồng thời, hình thành và khai thác có hiệu quả tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã”, điểm du lịch “Làng cổ Đông Sơn” kết nối với các di tích lịch sử, văn hóa khu vực Hàm Rồng – núi Đọ. Trong 5 năm qua, lượng khách du lịch đến thành phố đạt 8,33 triệu lượt người, trong đó, khách quốc tế 261.500 lượt người, tăng 38% so với giai đoạn 2011 – 2015; doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 8.150 tỷ đồng. Du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm được quan tâm phát triển. Các địa điểm du lịch của thành phố đã có sự kết nối với nhiều địa phương trong tỉnh.
Đối với Chương trình “Phát triển công nghiệp”, thành phố đã xây dựng và triển khai Đề án “Hỗ trợ khuyến khích một số lĩnh vực để phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016 – 2020” nhằm thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Trong đó, chú trọng thu hút lĩnh vực sản xuất sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường. Song song với đó, thành phố phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh để tạo điều kiện, tăng cường đảm bảo an ninh trật tự cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn phát triển sản xuất, kinh doanh. Kết quả, giai đoạn 2016 – 2020, toàn thành phố đã có 41 dự án nhà máy sản xuất và kho bãi được đầu tư, với tổng vốn đầu tư 621 tỷ đồng. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp trong 5 năm qua dự kiến đạt 162.740 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011 – 2015.
Những kết quả phát triển về kinh tế - xã hội trong 5 năm qua là tiền đề vững chắc để TP Thanh Hóa tiếp tục phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và bền vững hơn trong những giai đoạn tiếp theo.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/dot-pha-tu-cac-chuong-trinh-trong-tam/119688.htm