Đột phá từ Chỉ thị số 40-CT/TW (Kỳ 1)

Ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI ban hành Chỉ thị số 40- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40). Sau 10 năm triển khai, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Chỉ thị đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo bước đột phá, kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hỗ trợ, thúc đẩy nhóm yếu thế trong xã hội vươn lên, thay đổi cuộc sống; để không ai trong số họ bị bỏ lại phía sau, làm tô đậm thêm tính nhân văn của chính sách tín dụng xã hội riêng có dành cho người nghèo của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Kỳ I: “Chìa khóa” mở lối thoát nghèo

10 năm có sự dẫn đường của Chỉ thị số 40, tín dụng chính sách trở thành đòn bẩy, điểm sáng trong công tác giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình phát triển.

Trao sinh kế bền vững

Tới thăm các hộ gia đình đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH ở xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, chứng kiến những cái nắm tay thật chặt và những câu chuyện thân tình giữa cán bộ, nhân viên NHCSXH, chính quyền địa phương và hộ dân chúng tôi cảm nhận được sự đồng hành, sát sao cùng với cơ sở của họ đối với công tác an sinh xã hội và phát triển kinh tế ở xã miền núi còn nhiều khó khăn này.

Căn nhà của gia đình chị Phùng Thị Thủy (thôn 1, xã Phú Long) tuy nhỏ nhưng ấm cúng và đầy đủ tiện nghi, ngoài vườn nào cây ăn quả, rồi gà, lợn... Nhiều năm trước khi chồng mất, chị Thủy từng không dám nghĩ có cuộc sống như ngày hôm nay. Không có công ăn việc làm ổn định, một mình chị vất vả sớm khuya, gồng gánh nuôi dạy 2 đứa con nên cái nghèo cái khó cứ đeo đẳng mãi. Thế rồi, nhờ sự hướng dẫn, hỗ trợ của các tổ chức hội, đoàn thể địa phương chị được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, có điều kiện chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế, nuôi các con ăn học. Con gái lớn của chị sinh năm 2002 mặc dù bị khiếm khuyết về chiều cao, song đã nỗ lực vươn lên học tập, hiện là sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Ngoại ngữ.

Chị Thủy vui mừng chia sẻ: “Khi chồng mất, một mình nuôi 2 con nhỏ, tôi không biết bao giờ mình mới thoát được cảnh nghèo. Cũng nhờ trời thương cho tôi sức khỏe và được sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời từ địa phương, từ NHCSXH gia đình mới có được như ngày hôm nay”.

Không chỉ có huyện miền núi Nho Quan, về Yên Mô, chúng tôi cũng được gặp gỡ và nghe chia sẻ của không ít người dân về câu chuyện vượt khó, cải thiện đời sống gia đình từ nguồn vốn tín dụng chính sách như trường hợp của chị Phạm Thị Oanh và anh Nguyễn Ngọc Chi ở xóm Thái Bình, xã Yên Đồng.

Nhờ nguồn vốn chính sách mà chị Phạm Thị Oanh (xóm Thái Bình, xã Yên Đồng, huyện Yên Mô) có điều kiện phát triển chăn nuôi dê, thoát nghèo

Nhờ nguồn vốn chính sách mà chị Phạm Thị Oanh (xóm Thái Bình, xã Yên Đồng, huyện Yên Mô) có điều kiện phát triển chăn nuôi dê, thoát nghèo

Trước đây, gia đình chị Oanh thuộc diện hộ nghèo do hai vợ chồng không có công ăn việc làm ổn định, trong khi phải nuôi 3 con nhỏ, trong đó có một cháu bị khuyết tật. Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình, các cán bộ hội phụ nữ xã, thôn đến tận nhà tuyên truyền và hướng dẫn chị làm hồ sơ vay vốn NHCSXH để phát triển kinh tế.

Chị Oanh chia sẻ: Lúc bấy giờ là năm 2018, cầm số vốn 50 triệu trong tay, vợ chồng tôi phấn khởi vô cùng nhưng cũng lo lắng vì không biết sử dụng đồng tiền như thế nào cho có hiệu quả. May mắn được các hội đoàn thể của xã tư vấn, hướng dẫn cho kỹ thuật nuôi dê, vợ chồng tôi mới mạnh dạn mua mấy cặp dê về nuôi, đồng thời cải tạo lại cái ao sau nhà để thả cá... Đến nay, gia đình đã thoát nghèo bền vững, xây dựng được một ngôi nhà khang trang, mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt thiết yếu.

Câu chuyện thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH của vợ chồng chị Oanh không phải là hiếm ở xã vùng trũng Yên Đồng. Đồng chí Trần Xuân Đông, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Yên Đồng là xã thuần nông đặc biệt khó khăn, 10 năm trước tỷ lệ hộ nghèo ở xã lên tới trên 10%, thu nhập bình quân đầu người chưa đạt 20 triệu đồng/người/năm. Xác định tín dụng chính sách chính là “trụ cột” giúp địa phương giảm nghèo, những năm qua, địa phương luôn quan tâm, chỉ đạo phối hợp lồng ghép hoạt động tín dụng với các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm nhằm giúp các đối tượng trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo… sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích, từng bước thay đổi cuộc sống và thoát nghèo. Nhờ vậy, kinh tế của xã có bước phát triển, đời sống của người dân được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh đạt 75 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh chỉ còn trên dưới 1%. Vừa qua địa phương đã được công nhận là xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Những câu chuyện giảm nghèo ở 2 huyện Nho Quan, Yên Mô chính là minh chứng rõ nét cho nhận định tín dụng chính sách xã hội là một “trụ cột” quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Thực tế, còn có hàng vạn hộ nghèo ở các miền quê khác trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng đã thoát nghèo và đổi đời từ nguồn vốn chính sách. Nguồn vốn khi đến với người nghèo đã thúc đẩy họ tìm cách làm, bớt dần tư duy ỷ lại, chủ động, tự tin vươn lên trong cuộc sống.

Theo thống kê của NHCSXH chi nhánh tỉnh Ninh Bình, 10 năm qua, toàn tỉnh đã có gần 81 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo nhờ nguồn vốn chính sách. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 1,86%. Những kết quả này minh chứng về một quyết sách đúng đắn của Đảng, chuyển mạnh cách làm từ cho người nghèo “con cá” bằng cách đưa “cần câu”, tạo bước đột phá trong việc kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng NHCSXH hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách xoay chuyển đói nghèo để không ai bị “bỏ lại phía sau”.

Đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn

Những chiếc “cần câu” từ tín dụng chính sách xã hội đã giúp hàng vạn hộ trên địa bàn tỉnh thoát nghèo bền vững. Hơn nữa, việc sử dụng công cụ tín dụng chính sách hiệu quả còn là “đòn bẩy” giúp phát triển kinh tế bền vững của cả một địa phương, một vùng.

Nguồn vốn chính sách đã “thắp lửa” giúp anh Lã Phú Thuận (áo xanh), ở xóm 1, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô khởi nghiệp thành công với mô hình nông nghiệp hữu cơ

Nguồn vốn chính sách đã “thắp lửa” giúp anh Lã Phú Thuận (áo xanh), ở xóm 1, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô khởi nghiệp thành công với mô hình nông nghiệp hữu cơ

Anh Lã Phú Thuận, ở xóm 1, xã Khánh Thịnh (huyện Yên Mô) luôn mong muốn phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng hữu cơ thuận tự nhiên để đem những sản phẩm nông sản an toàn tới người tiêu dùng. Song nguồn vốn sản xuất luôn là điều anh trăn trở. Được vay 500 triệu đồng từ Chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH đã tạo động lực cho anh đầu tư phát triển cây khoai ngọt trên diện tích 4,2ha. Năm 2023, mô hình sản xuất của anh cung cấp ra thị trường 30 tấn ngó khoai, trên 6 tấn ốc nhồi thương phẩm… thu về trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 6 lao động với thu nhập 200.000 đồng/người/ngày.

Anh Thuận chia sẻ: Có ý tưởng, có hoài bão nhưng nếu không có vốn thì cũng không thể làm gì được. Rất mừng là thời gian qua, Nhà nước đã đặc biệt quan tâm, có chính sách hỗ trợ kịp thời về vốn để những nông dân như chúng tôi có cơ hội mở rộng sản xuất, làm giàu cho gia đình, cũng như tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động trong vùng.

Tại xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh, chúng tôi đến thăm xưởng may gia công của ông Phạm Văn Thủy. Gần 50 công nhân chủ yếu là chị em phụ nữ, người lớn tuổi đang miệt mài bên những chiếc máy may, kịp đáp ứng đơn hàng áo rét cho mùa Đông.

Gắn bó với xưởng may nhiều năm, bà Phạm Thị Ngoãn chia sẻ: Vì quá tuổi để xin vào làm ở các công ty nên trước đây tôi chỉ làm ruộng, thu nhập hầu như không có. May mắn là từ khi có xưởng may này, tôi có thêm việc làm, thêm thu nhập. Đặc biệt, do gần nhà, thời gian làm việc lại linh động nên tôi vẫn có thể lo việc đồng áng, chăm lo cho gia đình.

Ông Phạm Văn Thủy, chủ xưởng may cho biết, ông mở xưởng may với mong muốn vừa phát triển kinh tế cho gia đình, vừa tạo việc làm cho phụ nữ tại địa phương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, không có đơn hàng nên việc sản xuất gặp không ít khó khăn, có lúc tưởng chừng không cầm cự nổi. Thật may gia đình được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH để đầu tư mua nguyên vật liệu, từ đó mới có cơ hội vực dậy sản xuất, đón đầu sự phục hồi của ngành may mặc, duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động.

Những mô hình kinh tế năng động mà NHCSXH chi nhánh tỉnh Ninh Bình đang “thắp lửa” trong cộng đồng như của anh Thuận, anh Thủy đã và đang góp phần thúc đẩy các hoạt động sản xuất, ngành nghề ở nông thôn phát triển, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống cho một bộ phận người dân, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm và phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Nguyễn Lựu

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dot-pha-tu-chi-thi-so-40-cttw-ky-1-158912.html