Đột phá ứng dụng khoa học và công nghệ
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra bước đột phá về ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ (KHKT&CN) vào sản xuất giai đoạn 2016-2020. Qua 5 năm thực hiện đã giải quyết được những vấn đề cấp thiết, mang tính đột phá, phù hợp với điều kiện, nguồn lực kinh tế của địa phương.
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), đã ứng dụng đồng bộ hệ thống văn phòng điện tử, thư điện tử, một cửa điện tử, hội nghị trực tuyến... vào hoạt động quản lý và điều hành của các cơ quan Đảng, nhà nước, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính (CCHC), nâng cao chất lượng hoạt động công vụ. Đến nay một số huyện, thành phố đã triển khai mạng nội bộ LAN phục vụ chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; 100% các xã, phường, thị trấn hoàn thành kiện toàn Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC. Triển khai Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT quan trọng, cho phép kết nối, liên kết tích hợp ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được đầu tư tại 73 điểm kết nối. Hệ thống cổng/trang thông tin điện tử được triển khai và đưa vào hoạt động hiệu quả gồm: 1 cổng thông tin điện tử của tỉnh; 47 trang thông tin điện tử thành phần của sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các tổ chức đoàn thể của tỉnh và 195 trang thông tin điện tử thành phần của các xã, phường, thị trấn. Đưa vào sử dụng toàn diện và thống nhất việc thuê dịch vụ phần mềm quản lý văn bản điều hành điện tử (VNPTIOffice) và ứng dụng chữ ký số đến 100% các cơ quan đảng, sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn…
Một trong những kết quả nổi bật trong ứng dụng CNTT vào CCHC của tỉnh ta giai đoạn 2016 - 2020, đó là hệ thống thiết bị hội nghị truyền hình trực tuyến (HNTHTT) được triển khai, vận hành hiệu quả tại các cơ quan đảng, chính quyền của tỉnh kết nối với các cơ quan Trung ương và các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn với quy mô 218 điểm cầu trong toàn tỉnh. Đây là một trong những việc làm thiết thực cụ thể hóa Chỉ thị của BCH T.Ư Đảng về hạn chế tối đa các hội nghị tập trung có qui mô lớn và là một bước đi trong tiến trình CCHC, hướng tới Chính phủ điện tử của tỉnh ta.
Đồng chí Đỗ Thái Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Trong năm 2017-2018, Hà Giang là một trong những tỉnh đầu tiên đầu tư lắp đặt là hệ thống thiết bị HNTHTT. Qua đánh giá cho thấy hệ thống HNTHTT linh hoạt, phù hợp với xu hướng công nghệ trên nền “Điện toán đám mây”. Hiệu quả rõ nét mà hệ thống này mang lại là “An toàn – Chính xác – Tiết kiệm”; phát huy hiệu quả trong thời gian cả tỉnh thực hiện cách ly phòng, chống dịch COVID-19.
Đối với các huyện, thành phố việc triển khai hệ thống HNTHTT đến cấp xã đã thực sự mang lại hiệu quả. Đồng chí Đặng Kim Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết: Trong những năm qua, huyện đạt được những kết quả quan trọng trong việc ứng dụng CNTT vào sản xuất, đặc biệt là phục vụ CCHC. Hiện toàn huyện đã lắp đặt hệ thống HNTHTT đến 24 xã, thị trấn, qua triển khai, vận hành cho thấy, hệ thống này có chất lượng âm thanh, hình ảnh rõ nét, dễ vận hành, rất phù hợp với điều kiện của các xã. Việc tổ chức hội nghị trực tuyến đến các xã, thị trấn đã nâng cao được chất lượng các hội nghị, đồng thời tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí ăn, ngủ, xăng xe của lãnh đạo các xã, thị trấn.
Xác định lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, chế biến là trọng tâm, tỉnh ưu tiên các đề tài nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, khả năng phòng, chống dịch bệnh tốt, xây dựng các mô hình chăn nuôi tập trung, sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết, chuỗi giá trị, nông nghiệp sạch; đẩy mạnh phát triển các giống cây, con đặc trưng, có lợi thế của tỉnh... Điển hình là các kết quả nghiên cứu sản xuất giống 20 loài dược liệu trong danh mục ưu tiên của tỉnh, mô hình nhân giống, thân canh hồng không hạt Quản Bạ, mô hình phát triển trâu lai tại Bắc Quang, mô hình phát triển bò vàng Cao nguyên đá... Đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học là̀m chủ công nghệ sản xuất một số giống dược liệu quý và giống cây trồng vật nuôi đặc sản của tỉnh bằng phương pháp Invitro. Để tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tỉnh đã tiếp nhận các công nghệ sản xuất có quy mô phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm như: Công nghệ giảm thủy phần mật ong Bạc hà; chiết xuất dược liệu đa năng, công nghệ sản xuất ván ghép thanh từ gỗ rừng trồng, công nghệ chế biến chè xuất khẩu…
Y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tỉnh xác định là lĩnh vực ưu tiên và triển khai hiệu quả phần mềm quản lý bệnh viện VNPT-HIS; phần mềm quản lý khám, chữa bệnh tại 16/16 bệnh viện; phần mềm y tế xã/phường liên thông đối với 195/195 trạm y tế cấp xã, đáp ứng yêu cầu quản lý của các cơ sở y tế và phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước. Nhiều kỹ thuật mới được ứng dụng góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh.
Trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, vừa qua Công ty Điện lực Hà Giang đã đưa vào vận hành Trung tâm điều khiển xa và trạm biến áp không người trực, vốn đầu tư gần 11 tỷ đồng. Tại trung tâm điều khiển xa, dự án đầu tư lắp đặt các thiết bị viễn thông, CNTT và phần mềm SCADA thu thập, giám sát, điều khiển và phân tích lưới điện tỉnh Hà Giang. Tại các trạm biến áp, dự án đầu tư nâng cấp hệ thống thu thập dữ liệu các trạm biến áp 110 kV ở huyện Yên Minh, Vị Xuyên, Xín Mần. Kết nối và chia sẻ dữ liệu về Trung tâm điều khiển xa Hà Giang, Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Bắc và Trung tâm giám sát dữ liệu của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc…
Trong nhiệm kỳ qua, việc nghiên cứu, ứng dụng KHKT&CN vào sản xuất và đời sống đã được tỉnh ta triển khai có hiệu quả, với 18 nhiệm vụ cấp trung ương; 86 nhiệm vụ cấp tỉnh; 40 nhiệm vụ cấp sở, ngành; 62 nhiệm vụ cấp huyện, thành phố. Việc ứng dụng KHKT&CN trên mọi lĩnh vực đạt hiệu quả, đặc biệt là trong lĩnh vực Công nghệ thông tin (CNTT), sản xuất nông lâm nghiệp, chế biến, chăm sóc sức khỏe nhân dân… đã góp phần thúc đẩy KT-XH, giải quyết được những vấn đề cấp thiết, mang tính đột phá, phù hợp với điều kiện, khả năng kinh tế của tỉnh ta.