Đột phá về đất đai nông nghiệp, người dân hưởng lợi

Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 (sớm hơn 5 tháng so với dự kiến). Theo đánh giá của các chuyên gia, người làm chính sách thì quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ được quan tâm hơn và người nông dân sẽ được hưởng lợi. Các chính sách mới về đất nông nghiệp sẽ thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn.

“Cởi trói” cho đất nông nghiệp

Phát huy giá trị đất nông nghiệp nhiều năm qua luôn là vấn đề trăn trở với các cơ quan quản lý. Hiện nay, nhiều nơi, đất nông nghiệp đang sử dụng bị bỏ hoang lãng phí. Thạc sỹ Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản cho rằng, Luật Đất đai 2024 đã chính thức có hiệu lực và "cởi trói" cho đất nông nghiệp.

Luật Đất đai 2024 sẽ nâng cao giá trị đất nông nghiệp.

Luật Đất đai 2024 sẽ nâng cao giá trị đất nông nghiệp.

“Tôi ví dụ thế này, khi người dân kết hợp đất nông nghiệp với nuôi trồng thủy sản, với các quy định trước đây thì không đúng nhưng doanh thu nuôi tôm cao gấp 30 lần trồng lúa nên người dân sẽ tìm cách để làm. Và hiện nay, Luật Đất đai 2024 đã cho phép sử dụng đất đa mục đích, vấn đề này đã được giải quyết và sẽ tạo ra một cú hích trong việc phát triển kinh tế trên đất nông nghiệp. Cho phép sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích là một điểm đột phá trong chính sách đất đai này”, ông Đỉnh nói.

Ông Đỉnh cho rằng, Luật Đất đai 2024 còn là chính sách đột phá giúp cho người nông dân phát triển kinh tế. Người dân được sử dụng kết hợp trồng lúa và kinh doanh với những mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ. Ví dụ, khi người dân trồng cây ăn trái, dược liệu gắn với du lịch sinh thái sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn, doanh thu 1 tháng có thể bằng trồng lúa cả năm.

Tuy nhiên, người dân phải có phương án trình cơ quan quản lý để có sự quản lý chặt chẽ khi dùng đất nông nghiệp kết hợp thương mại dịch vụ. Khi đó, sẽ hài hòa lợi ích các chủ thể, nhà nước và người dân. Vấn đề nữa là làm sao để có biện pháp thu ngân sách đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người dân. Điều đó đảm bảo người dân hưởng lợi sử dụng đất kết hợp thương mại dịch vụ thì cần chi 1 phần vào ngân sách Nhà nước để cho các chủ thể khác sẽ được hưởng lợi thêm từ việc kinh doanh đó. Đây là vấn đề rất quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đất đai.

“Làm sao để kết hợp đất ruộng với kinh doanh, nhưng tránh việc chuyển mục đích sử dụng xây nhà kiên cố bằng bê tông cốt thép sẽ không thể quay lại đất trồng lúa. Do đó, đây là vấn đề chấp chới giữa sử dụng đất kết hợp và chuyển mục đích sử dụng đất trái phép”, ông Đỉnh khuyến nghị.

Trong khi đó, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng, chính sách đất nông nghiệp mới sẽ có những tác động lớn, cụ thể đến đời sống của người dân. Theo ông Bình, trước đây khi bàn về đất đất đai là chủ yếu nói về bất động sản, nhà ở, bất động sản công nghiệp, đất dịch vụ thương mại. Tuy nhiên, qua Luật Đất đai lần này, quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ được quan tâm hơn. Chính sách đất nông nghiệp mới sẽ khiến đất nông nghiệp giá trị hơn.

“Chúng ta quy định doanh nghiệp được sử dụng quyền sử dụng đất nông nghiệp để làm dự án nông nghiệp, với điều kiện họ có phương án sử dụng đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Đất lúa, trước đây chúng ta chỉ cho người trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp mới được nhận quyền sử dụng đất lúa. Nay cho cả cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu có điều kiện, có khả năng trồng lúa, cũng được nhận quyền chuyển nhượng, đầu tư sản xuất lúa. Như vậy, đất nông nghiệp sẽ có giá trị. Người dân sẽ trân trọng hơn, đầu tư đất đai, nắm giữ, chuyển nhượng và tôn trọng quyền sử dụng đất hơn, cải tiến khoa học kỹ thuật, gia tăng giá trị cho sản xuất”, ông Bình cho hay.

Người bị thu hồi đất được hỗ trợ giải quyết việc làm

Người có đất nông nghiệp hoặc có đất kinh doanh bị thu hồi sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đây là những điểm đáng chú ý trong Quyết định số 12/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/8 về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi, đồng thời cũng là vấn đề rất được quan tâm liên quan đến chính sách đất đai lần này.

Theo đó, nhóm người áp dụng chính sách là người thuộc hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều 109 của Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai (người có đất nông nghiệp thu hồi) và người thuộc hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại khoản 3 Điều 109 Luật Đất đai (người có đất kinh doanh thu hồi). Các nhóm trên sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với thời gian hỗ trợ là 5 năm kể từ ngày có quyết định thu hồi đất.

Cụ thể, người có đất bị thu hồi tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Người thuộc nhóm này tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ học phí cho một khóa học. Mức học phí được hỗ trợ bằng mức thu học phí thực tế của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng không quá mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên theo quy định của pháp luật.

Người có đất thu hồi tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, trung cấp, cao đẳng được vay vốn tín dụng học sinh, sinh viên. Người có đất thu hồi được hỗ trợ đào tạo nghề một lần theo chính sách quy định. Những người này cũng được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí tại trung tâm dịch vụ việc làm; vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

Người có đất nông nghiệp hoặc đất kinh doanh bị thu hồi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nhóm này sẽ được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng một lần theo chính sách quy định. Nhóm này cũng được vay vốn ưu đãi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Thời hạn vay vốn tối đa bằng thời hạn hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, không bao gồm thời gian gia hạn hợp đồng.

Phan Hoạt

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dia-oc/dot-pha-ve-dat-dai-nong-nghiep-nguoi-dan-huong-loi-i739553/