Đột phá về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
PGS. TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương cho biết, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở là một bước đi đúng đắn, phù hợp với các yêu cầu của thời đại và định hướng, chính sách, chiến lược phát triển của Thủ đô Hà Nội, nhất là trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST và chuyển đổi số Quốc gia.
Luật Thủ đô 2024

PGS. TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương. Ảnh: Công Phương.
Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Phát biểu tham luận "Kết nối các bên để phát triển hệ sinh thái ĐMST, mô hình của Thủ đô Hà Nội" tại hội thảo khoa học "Giải pháp thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia trong cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước", PGS. TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương cho biết, Hà Nội hội tụ nhiều yếu tố để trở thành trung tâm khởi nghiệp, ĐMST và phát triển các hệ sinh thái ĐMST mở.
Hơn 70% tổ chức khoa học công nghệ, cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu; 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, hơn 80% số phòng thí nghiệm, hơn 65% tổng số nhà khoa học của cả nước tập trung tại Hà Nội. Nhờ vào những ưu thế này, trong hai năm 2022 và 2023, Hà Nội đều đứng đầu cả nước về chỉ số ĐMST cấp địa phương do Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và triển khai đánh giá.
Cụ thể, Hà Nội đã đứng đầu cả nước ở cả xếp hạng đầu ra và đầu vào ĐMST với việc dẫn dầu ở 14/52 chỉ số thành phần. Các chỉ số Hà Nội được đánh giá cao về đầu tư cho nhân lực, chi cho nghiên cứu phát triển, số lượng tổ chức khoa học công nghệ, tỷ lệ DN hoạt động nghiên cứu phát triển, tỷ lệ DN có hoạt động ĐMST, tài sản trí tuệ, chỉ số phát triển con người...
Đồng thời, Hà Nội cũng phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức, như: nhiều tiềm lực khoa học công nghệ và ĐMST tại Thủ đô chưa được khai thác hiệu quả; việc xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể về khoa học công nghệ và ĐMST trên cơ sở các chủ trương, định hướng đã được ban hành về vấn đề này còn chậm trễ; thiếu nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của thị trường khoa học công nghệ; hệ sinh thái ĐMST mở đã từng bước được hình thành nhưng chưa phát huy được tiềm năng; thiếu sự liên kết giữa các thành phần trong hệ sinh thái ĐMST mở, nhất là sự kết nối giữa cơ quan Nhà nước – cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu – DN, từ đó làm cho nguồn lực huy động cho hoạt động ĐMST mở bị phân tán, thiếu sự chia sẻ và thiếu nền tảng để chia sẻ…
Những nút thắt này đòi hỏi Hà Nội phải tích cực tháo gỡ để triển khai thành công Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phát phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia; thực hiện được những cơ chế, chính sách trong Nghị quyết số 193/2025/QH15 thí điểm cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia.
Đặc trưng của hệ sinh thái ĐMST mở
Hệ sinh thái ĐMST mở khuyến khích sự hợp tác giữa tổ chức, DN, cơ sở giáo dục đại học/viện nghiên cứu, cơ quan Nhà nước, tổ chức tín dụng, cộng đồng/người dân và các bên có liên quan khác. Tính mở thể hiện ở chỗ, trong hệ sinh thái ĐMST mở, thay vì phát triển công nghệ và thực hiện ĐMST trong nội bộ, DN, thông qua việc chia sẻ tri thức giữa các bên, có thể sử dụng nguồn lực và ý tưởng từ bên ngoài, để thúc đẩy ĐMST trong DN hoặc của các bên tham gia hệ sinh thái.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho biết thêm, ngay từ khi xây dựng khái niệm ĐMST mở, đây là điều kiện tiên quyết để hình thành hệ sinh thái ĐMST mở cũng như để kết nối các bên trong hệ sinh thái này. Cùng với đó, hệ sinh thái ĐMST mở, nhờ vào các tri thức và nguồn lực được cung cấp, trao đổi giữa các bên, có thể thực hiện việc ĐMST liên tục. Đồng thời, từ góc độ của DN, DN có thể thích ứng nhanh chóng những thay đổi của thị trường, được tiếp cận và cập nhật nhanh chóng xu hướng công nghệ từ các bên, từ đó, phát triển những hàng hóa, dịch vụ hoặc quy trình mới… cũng như rút ngắn được thời gian thương mại hóa sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của thị trường.
Trong hệ sinh thái ĐMST mở, các nền tảng số như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây… được các bên sử dụng nhằm thúc đẩy việc chia sẻ tri thức và thực hiện các hoạt động ĐMST. Đồng thời, để tạo thuận lợi cho việc sử dụng nguồn lực từ bên ngoài hoặc chia sẻ nguồn lực với bên ngoài, một bên trong hệ sinh thái ĐMST mở có thể xây dựng các nền tảng kết nối số để kết nối với các bên khác. Mô hình này không chỉ hướng đến lợi nhuận cho từng DN riêng lẻ mà còn tạo giá trị chung cho toàn xã hội.
Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hà Nội đang tích cực phát triển hệ sinh thái ĐMST mở, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN khởi nghiệp và thúc đẩy sự liên kết giữa các bên trong hệ sinh thái sáng tạo mở. Trong thời gian vừa qua, Hà Nội đã xây dựng và ban hành thành công nhiều chủ trương, chính sách về phát triển hệ sinh thái ĐMST mở. Trong đó, Luật Thủ đô 2024 là văn bản pháp lý quan trọng đối với Hà Nội trong định hướng phát triển khoa học công nghệ và ĐMST của Hà Nội.
Luật xác định rõ cần phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học, công nghệ và ưu tiên nguồn lực để xây dựng Thủ đô thành trung tâm ĐMST, chuyển đổi số (Điều 23 khoản 1). Riêng đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Luật Thủ đô 2024 xác định vai trò then chốt của khu trong việc phát triển các hoạt động ĐMST cũng như hệ sinh thái ĐMST mở.
Theo Luật Thủ đô 2024, Khu công nghệ cao Hòa Lạc được xác định là khu vực nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và ĐMST trọng điểm của đất nước và Thủ đô, là điểm thử nghiệm, thí điểm về cơ chế, chính sách cho việc phát triển công nghệ cao và các khu công nghệ cao trong cả nước (Điều 24 khoản 2).
Có thể thấy, Luật Thủ đô năm 2024 trao cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nhiều chức năng, nhiệm vụ, theo cả bốn nhóm hoạt động chính của khoa học, công nghệ và ĐMST (là nghiên cứu khoa học; nghiên cứu và phát triển; phát triển công nghệ và ĐMST).
Gợi mở để phát triển hệ sinh thái ĐMST
Hà Nội đã đạt được một số kết quả tích cực về phát triển hệ sinh thái ĐMST như: Hà Nội hiện có khoảng 1.000 DN khởi nghiệp ĐMST, chiếm 26,32% trong tổng số 3,800 DN khởi nghiệp ĐMST trên cả nước. Hà Nội cũng có 32 vườn ươm DN hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, chiếm 38,1% tổng số vườn ươm của cả nước và 14 tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh, chiếm 40% so với cả nước.
Từ năm 2016 đến nay, các DN khởi nghiệp ĐMST tại Hà Nội đã huy động được khoảng 1 tỷ USD thông qua 100 thương vụ gọi vốn thành công. Cùng với đó, Hà Nội thường xuyên tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm kết nối đầu tư và các khóa đào tạo về khởi nghiệp ĐMST.
Để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của hệ sinh thái ĐMST mở, Hà Nội cần lưu ý xem xét thực hiện một số giải pháp và khuyến nghị: Hà Nội cần tập trung xây dựng và thực thi các chính sách, quy định đồng bộ cho sự phát triển của hệ sinh thái ĐMST mở.
Một số vấn đề mà Hà Nội cần nhấn mạnh để giải quyết là: i) xây dựng văn bản hướng dẫn Luật Thủ đô 2024 về phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST, trong đó đảm bảo sự phù hợp với những chính sách, cơ chế mang tính đột phá gần đây mà Đảng và Nhà nước đã ban hành hoặc sẽ ban hành; ii) đề xuất thí điểm xây dựng thành công một hệ sinh thái ĐMST mở, lấy Khu Công nghệ cao Hòa Lạc làm trung tâm; iii) tập trung các nguồn lực để Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phát huy vai trò trung tâm trong việc chia sẻ tri thức trong hệ sinh thái ĐMST mở.
Cùng với đó, chính quyền Thủ đô cần đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt hoạt động đầu tư mạo hiểm để thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng DN ĐMST mở. Đây là điều kiện quan trọng để hệ sinh thái ĐMST mở được phát triển và phát huy vai trò của mình. Hà Nội cũng cần mở rộng hợp tác quốc tế, kết nối các thành phần trong hệ sinh thái ĐMST mở tại không chỉ Hà Nội và với các tỉnh, TP và vùng lân cận, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động ĐMST mở.
Điều 25 Luật Thủ đô 2024 quy định về cơ chế cho phép việc thử nghiệm có kiểm soát. Quy định này đã cho phép thử nghiệm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo trong điều kiện thực tế với phạm vi được giới hạn, dưới sự kiểm soát đặc biệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Điều này là cơ sở để khuyến khích các tổ chức, cá nhân mạnh dạn dấn thân đầu tư nghiên cứu những sản phẩm, ứng dụng mới.