Đột quỵ có thể phòng, ngừa được không?
Ngày 29-10 hằng năm được Tổ chức Y tế thế giới chọn là Ngày thế giới phòng, chống bệnh đột quỵ nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh đột quỵ - một bệnh lý nguy hiểm có thể gây tử vong cao và để lại di chứng nặng nề nếu không được điều trị kịp thời.
Thầy thuốc ưu tú, PGS. TS. BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, TP. Hồ Chí Minh đã dành cho Bình Phước Online cuộc trao đổi.
*Thưa ông, bệnh đột quỵ hiện nay trên thế giới diễn tiến như thế nào?
Hằng năm trên thế giới có khoảng 14 triệu bệnh nhân bị đột quỵ và 6 triệu người tử vong do đột quỵ. Tại nhiều nước (39% quốc gia), tử vong do đột quỵ đứng hàng thứ nhất, vượt trên nguyên nhân tim mạch, trong số đó có Trung Quốc và Việt Nam.
Đột quỵ đã gây tử vong cho phụ nữ hơn cả bệnh ung thư vú, gây tử vong cho nam giới hơn cả bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Đột quỵ đã khiến hơn 80 triệu bệnh nhân trên thế giới sống trong tình trạng tàn phế.
Các nước phát triển có khuynh hướng giảm dần đột quỵ nhưng tỷ lệ mắc đột quỵ tăng rõ rệt tại những quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình. Các quốc gia châu Á chiếm tỷ lệ vượt trội 60%.
*Diễn tiến về bệnh đột quỵ ở Bệnh viện Nhân dân 115, TP. Hồ Chí Minh như thế nào, thưa ông?
Theo thống kê năm 2019, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận 20.000 bệnh nhân đột quỵ, chiếm 1/10 số bệnh nhân đột quỵ của cả nước.
Trong 3 kỷ lục châu Á mà Bệnh viện Nhân dân 115 mới xác lập có kỷ lục tập thể là "bệnh viện đầu tiên đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng của Hội Đột quỵ châu Âu về điều trị đột quỵ".
Nhân sự của Khoa Bệnh lý mạch máu não với vỏn vẹn chưa đầy 60 bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý mà khám chữa cho hơn 20.000 ca/năm.
*Thưa ông, đột quỵ có thể phòng ngừa được không?
Thật may mắn, đột quỵ hoàn toàn có thể phòng ngừa. Cứ 6 người khỏe mạnh, sẽ có 1 người bị đột quỵ ít nhất một lần trong tương lai. Vấn đề ai sẽ là “người có số 1” không may mắn đó?
Qua số liệu hơn 5.000 “người có số 1” bị đột quỵ, điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115, TP. Hồ Chí Minh thì tăng huyết áp chiếm 90%, rối loạn chuyển hóa lipid (tăng LDL cholesterol) chiếm 80%, hút thuốc lá ở nam giới 60%, tiểu đường 20%, người đã từng bị đột quỵ trước đó 20%, rung nhĩ 10%.
Vậy nên, để tránh đột quỵ, hãy kiểm tra xem mình hoặc người thân đã có một hoặc nhiều bệnh lý nêu trên không. Nếu có, cần đặt ra cho mình các mục tiêu: Trị số huyết áp phải trở về <140/90mmHg, trị số LDL cholesterol <100mg%, trị số đường máu Hba1c <7%; không hút thuốc lá; sử dụng thuốc kháng đông nếu phát hiện tình trạng rung nhĩ. Với những bệnh nhân đã từng bị đột quỵ, cần kiểm soát các yếu tố nêu trên với mục tiêu cao hơn.
Nếu kiểm soát tốt, đưa các trị số về mức bình thường hoặc thấp dưới bình thường, khả năng bị đột quỵ sẽ rất thấp và ngược lại.
*Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ TP. Hồ Chí Minh, ông đã tổ chức những hoạt động gì nhân ngày Đột quỵ thế giới?
Hội Đột quỵ TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức hội thảo quốc tế dưới hình thức tại chỗ đầu tiên 2 năm sau đại dịch, vào ngày 29 và 30-10-2022. Đến với hội thảo, ngoài sự có mặt của những chuyên gia đầu ngành trong nước, còn có các chuyên gia điều trị đột quỵ hàng đầu của thế giới hiện nay như các Giáo sư: Craig Anderson, Hans Christoph Diener, David Liebeskind, Henry Ma, Mark Parsons... Họ là những tên tuổi xuất hiện thường xuyên trên những tạp chí danh tiếng như NEJM, Lancet… hoặc các khuyến cáo điều trị của AHA hay ESO.
Buổi hội thảo nhằm cập nhật những tiến bộ mới nhất trong chuyên ngành đột quỵ và đó cũng sẽ là hoạt động thiết thực nhất của Hội Đột quỵ TP. Hồ Chí Minh nhân ngày Đột quỵ thế giới 29-10-2022.
Trân trọng cảm ơn ông!
Vũ Hải Sơn (thực hiện)
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/14/138283/dot-quy-co-the-phong-ngua-duoc-khong