Đột quỵ ở trẻ nhỏ, chuyện thật như đùa

Theo các chuyên gia, đột quỵ không chỉ người lớn mới mắc mà căn bệnh nguy hiểm này trẻ nhỏ cũng dễ gặp phải nên các bậc cha mẹ đừng chủ quan. Đã có nhiều trường hợp trẻ nhỏ nguy kịch vì đột quỵ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đột quỵ ở trẻ nhỏ thường liên quan đến bệnh lý

Mới đây, BV Nhi Đồng TP HCM đã can thiệp lấy huyết khối qua đường động mạch thành công cho một trẻ lên 3 tuổi ở An Giang bị đột quỵ nhồi máu não. Trước khi vào viện, bệnh nhi đau đầu. Chỉ trong vòng hai ngày, bệnh nhi rơi vào tình trạng lơ mơ, liệt nửa người, được tuyến trước chuyển lên với chẩn đoán viêm màng não. Ngay khi vào viện, bệnh nhi được làm xét nghiệm, chụp CT khẩn, kết quả phát hiện bị đột quỵ nhồi máu não do huyết khối.

Bệnh viện Nhi Đồng TP HCM cũng từng tiếp nhận một trường hợp bé trai 5 tuổi ở Long An vào viện trong tình trạng co giật đột ngột, tay chân gồng, méo miệng, không sốt… Sau thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi có tổn thương thần kinh định vị, yếu liệt và kết quả MRI cho thấy bệnh nhi bị nhồi máu não vùng đỉnh trái. May mắn được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân không bị di chứng vận động, ngôn ngữ.

Theo BS Nguyễn Duy Khải (Bệnh viện Nhi Đồng TP HCM), bệnh đột quỵ não gia tăng theo lứa tuổi. Bởi vậy ở những người cao tuổi tỷ lệ mắc cao, nhưng ngày nay nhiều người trẻ tuổi cũng có chiều hướng gia tăng. Ở bệnh viện cũng đã từng điều trị cho những trường hợp trẻ chỉ vài tuổi. Đột quỵ ở trẻ tương đối hiếm, chỉ chiếm 2,5/100.000 trường hợp nhưng khi bị đột quỵ ở độ tuổi này rất nguy hiểm.

PGS.TS Hà Hoàng Kiệm – nguyên bác sĩ Bệnh viện 103 cho biết, đột quỵ não còn gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng tổn thương, mất cấp tính chức năng của não (chức năng vận động, chức năng cảm giác, chức năng các giác quan, chức năng thần kinh thực vật, chức năng tâm thần). Biểu hiện bằng xuất hiện đột ngột các triệu chứng thần kinh khu trú, tương ứng với vùng não do động mạch bị tổn thương nuôi dưỡng. Đột quỵ có hai dạng là đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não.

Ở người lớn, đột quỵ thường liên quan đến lối sống không lành mạnh, hút thuốc lá, béo phì hay các bệnh lý như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường... Ở trẻ em, bệnh lý này ít liên quan đến lối sống mà thường do dị dạng mạch máu não, khi mạch máu bị dị dạng vỡ ra gây đột quỵ, do bệnh lý tim bẩm sinh, có khối u trong não…

Sự nguy hiểm của căn bệnh sẽ tùy thuộc vào diện tích vùng não bị tổn thương và thời gian tế bào não không được cung cấp máu đầy đủ. Bởi vậy việc được cấp cứu kịp thời rất quan trọng. Nếu không, bệnh nhi có khả năng tàn tật cao về vận động, cảm giác, tàn tật ngôn ngữ..., thậm chí nguy cơ đe dọa đến tính mạng cao nếu cấp cứu muộn.

Những dấu hiệu nào thì nên đưa trẻ đến viện?

Theo PGS.TS Hà Hoàng Kiệm, ở người lớn đột quỵ dấu hiệu thường dễ nhận biết như miệng méo, nói ngọng, đi không vững, yếu liệt chân tay... Ở trẻ em, những dấu hiệu ban đầu thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác như co giật, mất ý thức… Chính vì vậy mà việc phát hiện và điều trị đúng thường bị trễ.

Các bậc cha mẹ không nên chủ quan khi thấy có những biểu hiện như nhức đầu đột ngột, nôn, yếu liệt nửa người… cần đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra ngay. Trong trường hợp nặng, trẻ có thể bị rối loạn tri giác, thậm chí hôn mê sâu, thoát vị não…

Các chuyên gia cho rằng, việc điều trị đột quỵ cần chú trọng tái thông mạch máu càng sớm càng tốt bằng liệu pháp tan cục máu đông cho những bệnh nhân nhồi máu não đến bệnh viện sớm trong giờ vàng (dưới 4 giờ sau khi bị đột quỵ) và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Với đột quỵ chảy máu não, người bệnh có thể được cân nhắc phẫu thuật để lấy máu tụ, kẹp túi phình, phẫu thuật cắt bỏ khối dị dạng mạch máu não… Việc phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân lúc đó.

Mặc dù đột quỵ ở trẻ nhỏ thường chủ yếu là do dị dạng mạch máu não nhưng các bậc cha mẹ cũng cần chú ý đến việc tại cho trẻ có thói quen sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng tốt để trẻ có sức đề kháng.

Việc hình thành thói quen sống lành mạnh giảm thiểu nguy cơ mắc đột quỵ. Nhiều gia đình có thói quen ăn mặn cũng dễ tạo cho trẻ mắc bệnh lý tăng huyết áp khi lớn hơn. Trong khi, tăng huyết áp lại là một trong những yếu tố dẫn tới đột quỵ.

Cùng với đó, đừng nghĩ rằng càng béo càng khỏe mà "nhồi" cho con ăn. Ăn quá nhiều chất béo và thói quen ăn uống này lặp đi lặp lại mỗi ngày sẽ là mầm mống cho việc mắc chứng đột quỵ. Một bữa ăn khoa học cho trẻ cần phải đầy đủ 4 nhóm thực phẩm, giàu vitamin, khoáng chất, ăn nhiều trái cây, rau quả.

Ngoài ra, bệnh đột quỵ cũng dễ tái phát. Các bậc cha mẹ cũng cần chú ý cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để phòng các bệnh tật, nguy cơ dẫn tới căn bệnh nguy hiểm này.

Hà My – Hà Dương

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/dot-quy-o-tre-nho-chuyen-that-nhu-dua-20191230190220097.htm