Đốt rác phát điện: mảnh ghép còn thiếu cho phân loại rác đầu nguồn

Trong mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, để biến rác thành phân bón hay phát điện thì phải hoàn thiện hệ thống xử lý rác thay cho chôn lấp. Việc xây dựng các nhà máy có công nghệ hiện đại để phân loại và xử lý rác cho một đô thị lớn như TPHCM là hết sức cấp thiết nhưng lại đang bị chậm trễ.

TPHCM vẫn gặp khó khăn trong phân loại rác và chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn. Ảnh minh họa: TL

TPHCM vẫn gặp khó khăn trong phân loại rác và chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn. Ảnh minh họa: TL

Chỉ mới có 1/5 dự án đốt rác phát điện khởi công

Việt Nam nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới. Mỗi ngày cả nước đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt, khoảng 60% rác là từ các đô thị.

Tốc độ gia tăng rác thải trong giai đoạn năm 2021 - 2030 trung bình là 6%/năm. Hầu hết lượng rác thải hiện nay đang được xử lý bằng hình thức chôn lấp gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường như ô nhiễm nguồn nước ngầm, ô nhiễm đất, mùi hôi phát tán, nước rỉ rác chảy ra môi trường.

Tại TPHCM, thống kê năm 2023, lượng rác thải sinh hoạt lên đến 9.800 tấn/ngày, trong những ngày cao điểm như lễ Tết, lượng rác thải tăng lên hơn 11.000 tấn/ngày. Trong khi đó, mục tiêu xử lý, tái chế rác thải kết hợp thu hồi năng lượng đạt 80% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 mà Hội đồng Nhân dân TPHCM đặt ra đã gần kề nhưng các dự án thì khởi động khá chậm.

Tuy nhiên, tính tới tháng 3-2024, bãi rác Đa Phước tại huyện Bình Chánh đã tiếp nhận hơn 28 triệu tấn rác, vượt quá công suất thiết kế là 24 triệu tấn và vẫn phải tiếp tục nhận thêm rác vì chưa có nhà máy xử lý rác nào khác hoạt động.

Trong khi đó nhà máy xử lý và đốt rác phát điện của công ty Tâm Sinh Nghĩa nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi khởi công cuối năm 2019 rồi nằm yên vì nhiều lý do liên quan đến thủ tục, tài chính, mãi cho đến tháng 7 năm nay mới được khởi công lại.

Đốt rác phát điện được cho là giải pháp hiệu quả để giải quyết bài toán xử lý rác thải hiện nay, không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người dân. Tuy nhiên, hiện TPHCM chưa có nhà máy đốt rác phát điện nào vận hành dù chính quyền thành phố đã có kế hoạch phát triển các dự án này từ khoảng 10 năm trước.

Theo báo cáo Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của UBND TPHCM, về chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt có thu hồi năng lượng, tính đến cuối năm 2024 đã có 5 đơn vị đăng ký thực hiện chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện với 5 nhà máy gồm Công ty cổ phần Vietstar, Công ty cổ phần đầu tư Tâm Sinh Nghĩa, Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS), Công ty cổ phần Tasco, Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TPHCM (Citenco).

Hiện đã có hai dự án đã được bố sung mục tiêu đốt rác phát điện gồm dự án Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa), một dự án đang trong quá thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư để bổ sung mục tiêu này (dự án Tasco) và hai dự án đã hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chủ trương để nộp chính thức gồm dự án của Citenco và VWS.

Phân loại rác đầu vào gặp khó vì thiếu đầu ra đốt rác

Quan sát các điểm thu gom rác hiện nay ai cũng thấy, dù có phân loại từ đầu nguồn thì rác vẫn bị trộn lẫn sau quá trình thu gom. Tất cả các bao rác thường được người thu gom xé ra, lựa những thứ có thể bán ve chai (phế liệu) cất riêng. Sau đó, các bao rác với phần còn lại sẽ được đổ chung vào xe rác chở đến bãi đổ.

Quy trình này sẽ khó thay đổi trong thời gian tới vì mang lại nguồn thu nhập cho người thu gom rác. Cách vận hành của hệ thống thu gom rác hiện nay tại Việt Nam sẽ khó thay đổi trong thời gian ngắn vì dựa trên mạng lưới thu gom rác dân lập có thể len lỏi vào tận các con hẻm nhỏ.

Muốn việc phân loại rác đầu nguồn thực hiện thành công thì mô hình thu gom rác phải thay đổi, mà cốt lõi của việc này vẫn phải dựa trên việc giúp người thu gom rác có thu nhập tốt hơn, ổn định hơn thay vì chỉ tập trung nguồn lực vào việc trang bị thùng chứa, bao đựng rác theo quy chuẩn phân loại như ở các nước phát triển.

Sau khi đã được thu thập hết "ve chai", rác đến nhà máy còn hai thành phần chính: chất thải hữu cơ và chất thải rắn khác trộn lẫn vào nhau. Loại rác này đa phần chưa qua tiền xử lý, có độ ẩm cao, nhiệt trị thấp nên cần nhà máy xử lý có công nghệ phù hợp mới đạt hiểu quả kinh tế khi đốt rác phát điện.

Với thực tế này thì việc sớm xây dựng các nhà máy có mức độ tự động hóa cao trong việc phân loại phần còn lại của rác là yếu tố quyết định. Nếu thiếu các nhà máy rác hiện đại như thế, việc phân loại rác đầu nguồn khó mang lại kết quả như kỳ vọng.

Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa xây dựng trên diện tích 20 ha được thiết kế tăng công suất xử lý rác theo ba giai đoạn.

Giai đoạn 1: Triển khai năm 2024-2025, tổng vốn đầu tư 6.400 tỉ đồng, công suất đốt 2.000-2.600 tấn rác/ngày, công suất phát điện 60 MW. Sản lượng điện phát lên lưới dự kiến lên đến 365 triệu kWh/năm, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của khoảng 100.000 hộ dân, giúp giảm phát thải khoảng 257.000 tấn CO2/năm.
Giai đoạn 2: Triển khai năm 2025-2026, công suất đốt rác được nâng lên đến 6.000 tấn/ngày, công suất phát điện có thể lên đến 130 MW.
Giai đoạn 3: Triển khai năm 2027 -2029, công suất đốt rác lên tới 8.600 tấn/ngày, công suất phát điện đạt tới 200 MW.

Nguyên Tân

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dot-rac-phat-dien-manh-ghep-con-thieu-cho-phan-loai-rac-dau-nguon/