Đốt vàng mã mùa Vu Lan: Hành động vô ích, tư duy tiêu cực
Vào tháng 7 âm lịch, các hoạt động tín ngưỡng lại sôi nổi, cùng với đó, vàng mã được đốt rất nhiều. Theo TS Vũ Thế Khanh, Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA, đốt vàng mã là hành vi bất lợi cho cả người còn sống và người đã mất.
Đốt hàng nghìn tỷ vào vàng mã
Với quan niệm rằng, dâng cúng càng nhiều thì càng được thánh thần hay người âm phù hộ mà sẵn sàng bỏ ra hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng để mua những mô hình vật dụng đốt cho người âm.
Thậm chí, nhiều người còn tin rằng đốt thật nhiều vàng mã là cách để họ báo hiếu cha mẹ đã khuất và tự hào vì đã lo được một cái lễ tươm tất, đầy đủ hơn người. Ngay từ ngày mùng 1 tháng 7 âm lịch, người người nhà nhà đã lên kế hoạch chuẩn bị lễ cúng rằm chu đáo nhất. Vào ngày rằm tháng 7, nhiều gia đình có tục lệ đốt vàng mã cho người âm đã khuất.
TS Vũ Thế Khanh cho rằng, đốt vàng mã ngày rằm tháng 7 là quan niệm sai lầm. Thực tế, tục lễ đốt vàng mã có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo tích xưa kể lại, trước đây, nhiều dân tộc ở Trung Quốc có tục lệ chôn đồ vật theo người chết, nhất là những đồ mà khi còn sống người đó luôn gắn bó. Sau này, đến thời Vương Dũ liền chế ra vàng bạc, quần áo bằng giấy… để cúng rồi đốt đi, thay thế cho vàng bạc và đồ dùng thật. Nghề làm vàng mã từ đó trở nên thịnh hành.
Tuy nhiên, có một thời gian, việc đốt vàng mã cho người âm không còn phổ biến, nghề này cũng dần bị mai một. Lúc bấy giờ, hậu duệ của Vương Dũ là Vương Luân đã tiến hành bài binh bố trận cho một người giả chết rồi đưa vào quan tài. Khi họ hàng thân quyến đến nhà thắp nhang, cúng lễ và đốt rất nhiều tiền vàng thì bỗng dưng “người chết” sống lại và phán rằng do biếu nhiều vật dụng, tiền bằng hàng mã, lại có cả hình nhân thế mạng nên đã mua chuộc được ma quỷ, Diêm Vương di căn cải mệnh, và đã được tha mạng.
Hàng năm, người Việt tốn hàng hàng nghìn tỷ đồng để dùng vào việc đốt đồ mã. Tuy nhiên, việc đốt vàng mã mang màu sắc mê tín dị đoan, đó là tín ngưỡng dân gian do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa từ xa xưa, hoàn toàn không phải là tín ngưỡng của đạo Phật. Do chưa hiểu rõ về ý nghĩa của lễ Vu Lan và giáo lý đạo Phật nên nhiều người vẫn cho rằng, cần đốt nhiều vàng mã trong dịp này. Đây là một quan niệm sai lầm.
Việc bày tỏ hiếu, nghĩa với cha mẹ là ở những công việc thiết thực trong cuộc sống hàng ngày, là những hành động chăm sóc cha mẹ, sự chia sẻ với mọi người trong gia đình. Việc đốt vàng mã cho tổ tiên và các linh hồn cũng phải xuất phát từ tâm. Nếu cứ đổ xô đốt “vàng”, “bất động sản”, “đô la” tốn kém tới hàng triệu đồng chỉ với một mong muốn được người âm trợ lực cho kinh tế hay thăng quan tiến chức thì cũng chẳng khác nào là hối lộ cõi âm. Đây là hành vi không đúng, lối tư duy tiêu cực.
Tháng 7 âm lịch là tháng tốt
Theo TS Vũ Thế Khanh, không có tháng cô hồn trong kinh điển của Phật giáo. Theo quan điểm của Phật giáo, tập tục kiêng mua bán, kiêng hội hè, kiêng đi lại, kiêng đủ thứ trong tháng cô hồn là không đúng. Tháng 7 trong Phật giáo được coi là tháng tốt, mọi việc buôn bán vẫn diễn ra bình thường, không phải kiêng kị.
Quan niệm tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn xuất phát từ phong tục tập quán của người Trung Quốc. Nó gắn với truyền thuyết Ngưu Lang – Chức Nữ và những câu chuyện trong dân gian của người Trung Quốc. Nhiều người cho rằng, cưới hỏi vào tháng này thì chẳng khác nào như vợ chồng Ngâu, mỗi năm gặp nhau có 1 lần thì không ổn.
Làm nhà, kinh doanh, buôn bán… mà lại chỉ tạm bợ kiểu “vàng mã” thì khó mà bền vững, thành công nên người ta kiêng. Tuy nhiên, những kiêng cữ này hoàn toàn xuất phát từ tập quán, tiềm thức, niềm tin, mà không có bất kỳ cơ sở nào.
Ngày lễ Vu Lan xuất phát từ truyền thuyết Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Theo kinh Vu Lan, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, để tưởng nhớ và muốn biết mẹ bây giờ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp thế gian để tìm. Thấy mẹ mình vì gây nhiều tội ác mà phải sanh làm ngạ quỷ, bị cực hình ở cảnh giới địa ngục, thân thể bà tiêu tụy vì đói khát, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ.
Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm đi vì sợ các cô hồn khác đến tranh cướp. Do đó, khi đưa bát cơm lên đến miệng thì bị hóa thành lửa đỏ. Kiền Liên thần thông quảng đại nhưng một mình không thể cứu được mẹ do ác nghiệp của bà quá nặng, chỉ còn cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong thành công. Mục Kiền Liên thành tâm làm theo lời Phật dạy và không những cứu được mẹ, mà còn giải thoát được tất cả vong hồn bị giam cầm ở âm cung.
“Theo Phật giáo, tháng 7 là tháng an cư thiên hạ. Các vị chư tăng, tu hành làm lễ vào rằm tháng 7 được coi là tháng tươi đẹp. Con cháu báo hiếu cha mẹ, ông bà tổ tiên. Chuyện kiêng khem, không làm việc lớn, coi nó là tháng xui xẻo… như đã nói chỉ là tập quán của số đông xuất phát từ những tích trong dân gian Trung Quốc chứ không phải là phong tục tập quán của người Việt Nam.
Chúng ta đã để một thời gian quá dài tạo đất sống cho tư duy sai, mê tín, dị đoan, không có cơ sở khoa học. Tôi chỉ hy vọng rằng, người trẻ sẽ thay đổi suy nghĩ. Chuyện mê tín, hủ lậu, u mê, cần có thời gian và chắc chắn đến lúc nào đó chúng ta sẽ ngộ ra”, TS Vũ Thế Khanh cho hay.