Đốt vàng mã thế nào thì bị phạt?
Nhiều bạn đọc gửi thư đến Báo Giao thông mong rằng từ thay đổi ở chùa Phúc Khánh, các chùa khác cũng sẽ thực hiện nghiêm.
Năm nay, nhiều người bất ngờ khi biết tin chùa Phúc Khánh sẽ không đốt vàng mã, không cúng dâng sao giải hạn cho hàng chục nghìn người ngồi tràn ra đường vái vọng như mọi năm.
Nhiều bạn đọc gửi thư đến Báo Giao thông mong rằng từ thay đổi ở chùa Phúc Khánh, các chùa khác cũng sẽ thực hiện nghiêm hướng dẫn của Giáo hội Phật giáo VN về việc đốt vàng mã.
Nghị định 28 của Chính phủ ban hành năm 2017 quy định đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại lễ hội, di tích lịch sử văn hóa bị phạt đến 500.000 đồng.
Nhưng kể từ khi có hiệu lực, chưa có trường hợp nào bị xử phạt và việc cấm hoàn toàn đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự khác là chưa thể làm được. Năm hết Tết đến, người người, nhà nhà cúng lễ, tiền vàng, đồ mã được đốt không biết bao mà kể.
Trước thực trạng này, bạn đọc Minh Anh (Hà Nội) đề xuất: “Cần cấm đốt vàng mã để tránh lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ”.
Bạn đọc Hòa Quang (Hải Dương) chia sẻ: “Tôi nhắc hàng xóm khi anh này hóa 2 tiếng mới xong “núi” vàng mã ngay trên vỉa hè thì bị phản ứng. Họ đều nghĩ đốt bao nhiêu vàng mã là quyền của họ. Sao họ không nghĩ, đốt nhiều thế, ô nhiễm hàng xóm khó thở, nếu cháy nhà thì ai chịu trách nhiệm?”.
Bạn đọc Tuấn Kiệt (Đông Anh) cho rằng, giống như hút thuốc lá, uống rượu bia lái xe, đốt pháo, đốt vàng mã quá nhiều cũng gây hại cho cộng đồng, cần có pháp luật điều chỉnh.
“Trước mắt, chưa phạt được thì cần tuyên truyền vận động để người dân không lạm dụng việc này. Một xã hội văn minh không thể để vàng hóa nơi nơi, khói bay nghi ngút dọc các con phố, không để vàng mã được rải từ các xe tang bay phấp phới trên đường cao tốc làm chắn tầm nhìn, gây nguy hiểm cho các phương tiện khác”, bạn đọc Tuấn Tú (Ba Đình) đề xuất.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dot-vang-ma-the-nao-thi-bi-phat-d449463.html