Dow Jones giảm 173 điểm vì nỗi lo kinh tế suy thoái

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trở lại, chấm dứt chuỗi tăng trong ba phiên liên tục trước đó khi nỗi lo suy thoái đè nặng lên tâm lý của giới đầu tư.

 Chốt phiên giao dịch hôm 20-8, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 173,35 điểm, tương đương 0,7%, rơi về mức 25.962,44 điểm. Ảnh: Mysuncoast.com

Chốt phiên giao dịch hôm 20-8, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 173,35 điểm, tương đương 0,7%, rơi về mức 25.962,44 điểm. Ảnh: Mysuncoast.com

Chốt phiên giao dịch hôm 20-8, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 173,35 điểm, tương đương 0,7%, rơi về mức 25.962,44 điểm. Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 0,8% và 0,7%.

Với mức tăng 4,4% nhờ kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo, cổ phiếu của chuỗi siêu thị nội thất Home Depot phần nào giúp kìm hãm đà giảm của chỉ số Dow Jones. Tuy nhiên, Craig Menear, Giám đốc điều hành Home Depot, cảnh báo các mức thuế áp vào hàng hóa Trung Quốc sẽ tác động đến sức chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ và có thể khiến chi phí kinh doanh ở Mỹ của công ty tăng thêm 2 tỉ đô la, tương đương 2% tổng doanh thu của Home Depot trong năm nay.

Dù giảm điểm trong phiên giao dịch 20-8 nhưng nhờ đà tăng trong ba phiên trước đó, chỉ số Dow Jones đã hồi phục phần lớn cú sụt giảm 800 điểm trong phiên giao dịch hôm 14-8.

Sự giảm giá đồng loạt của các cổ phiếu ngành bán dẫn, vốn nhạy cảm với các tin tức thương mại, đã góp phần kéo thị trường đi xuống trong phiên giao dịch 20-8. Cổ phiếu của các hãng chip Micron Technology, Advanced Micro Devices, Intel lần lượt giảm 1,7%, 2,5% và 0,63%.

Cổ phiếu của các ngân hàng như Citigroup, Bank of America và J.P. Morgan Chase đều mất giá khi lãi suất của các loại trái phiếu chính phủ Mỹ thoái lùi. Hôm 20-8, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm có lúc giảm 5 điểm cơ bản, tương đương 0,05%, về mức 1,54%.

“Trong hai tuần qua bất cứ khi nào lãi suất trái phiếu chính phủ giảm, thị trường chứng khoán Mỹ cũng giảm theo”, Art Cashin, Giám đốc phụ trách hoạt động môi giới của ngân hàng UBS ở Sàn giao dịch chứng khoán New York, nói.

Khi lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ dài hạn giảm về dưới mức lãi suất trái phiếu ngắn hạn, đó là chỉ báo đáng tin cậy về nguy cơ kinh tế Mỹ sắp bước vào suy thoái. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng chỉ báo này đang bị nhiễu, do vậy độ tin cậy không cao.

Trước các cuộc tranh luận về việc liệu nền kinh tế Mỹ có phải chuẩn bị bước vào giai đoạn suy thoái hay không, Nhà Trắng khẳng định nền kinh tế vẫn vững mạnh.

Hôm 19-8, cố vấn cấp cao Nhà Trắng, Kellyanne Conway, chỉ trích truyền thông Mỹ phớt lờ những tin tốt về nền kinh tế nước này và chỉ tập trung vào các thông điệp ảm đạm về nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái.

Tuy nhiên, tờ The Washington PostNew York Times đưa tin chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thảo luận phương án giảm thuế quỹ lương (payroll tax) như là một phần của nỗ lực kìm hãm đà tăng trưởng đang giảm tốc của nền kinh tế.

Tổng thống Trump cũng thừa nhận thông tin này trong cuộc trò chuyện với báo chí tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng hôm 20-8. Ông nhấn mạnh các chính sách thương mại chống lại Trung Quốc có thể gây tổn thương kinh tế cho người Mỹ trong ngắn hạn nhưng đó là điều cần thiết để đạt được các lợi ích quan trọng hơn trong dài hạn.

“Cuộc sống của tôi sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu tôi không tấn công thương mại Trung Quốc. Nhưng tôi muốn làm như vậy vì đó là việc mà tôi phải làm”, ông Trump cho biết.

Cùng ngày, phát biểu tại cuộc gặp với một nhóm nhà kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp ở New York, Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo, nói rằng ông tin tưởng chiến tranh thương mại với Trung Quốc sẽ kết thúc vào thời điểm bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Giờ đây, mọi sự chú ý của giới đầu tư tập trung vào bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trong cuộc họp hàng năm của Fed tại Jackson Hole bang Wyoming vào hôm 23-8 tới. Giới đầu tư kỳ vọng ông Powell sẽ phát đi các thông điệp cắt giảm thêm lãi suất trong năm nay.

Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết có thể tiến hành các bước đi mạnh mẽ hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trao đổi với các phóng viên tại Bắc Kinh hôm 20-8, Phó Thống đốc PBoC Lưu Quốc Cường nói: “Vẫn còn dư địa để chúng tôi cắt giảm lãi suất nhưng quyết định này còn tùy thuộc vào tình hình tăng trưởng kinh tế và lạm phát”.

Sáng nay, PBoC ấn định tỷ giá tham chiếu của nhân dân tệ (NDT) ở mức 7,0433 NDT ăn 1 đô la Mỹ, tăng nhẹ so với mức ấn định 7,0454:1 vào ngày hôm trước.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng trì trệ và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang, các ngân hàng trung ương đang duy trì xu hướng gom vàng. Dữ liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng trong tháng 7 dù giá vàng giao ngày trên thị trường quốc tế đạt mức cao nhất trong nhiều năm.

Dự trữ vàng của Ngân hàng Trung ương Nga tăng thêm 0,39 triệu ounce vào tháng trước đưa mức dự trữ vàng nước này tăng lên 71,35 triệu ounce. Dự trữ vàng của PBoC và Ngân hàng Trung ương Kazakhstan lần lượt tăng thêm 0,32 triệu ounce và 0,15 triệu ounce trong tháng trước.

Theo CNBC, Forex Live

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293083/dow-jones-giam-173-diem-vi-noi-lo-kinh-te-suy-thoai.html