Drone và công nghệ nhân bản giữa dòng nước xiết

Một nông dân dùng drone cứu hai em nhỏ giữa lũ ở Gia Lai. Hành động không chỉ lay động lòng người mà còn đặt lại câu hỏi về vai trò của công nghệ trong đời sống hôm nay.

Sự kiện anh nông dân Trần Văn Nghĩa ở Gia Lai dùng drone nông nghiệp để cứu hai em bé khỏi dòng nước lũ đã "chạm" đến trái tim nhiều người, đồng thời khiến chúng ta nhìn lại một cách nghiêm túc hơn về vai trò của khoa học công nghệ trong đời sống thường nhật.

Từ một thiết bị tưởng chừng chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp, chiếc drone dưới bàn tay nhanh trí và trái tim quả cảm của người điều khiển đã trở thành phương tiện cứu người trong tình huống khẩn cấp. Đó là biểu hiện sinh động của một xã hội đang chuyển mình mạnh mẽ, nơi công nghệ không còn là khái niệm xa vời mà đang thực sự đi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, gắn bó với từng cánh đồng, từng mái nhà và từng sinh mạng.

Hình ảnh drone nông nghiệp giải cứu hai em bé mắc kẹt giữa sông - Ảnh: Cắt từ clip

Hình ảnh drone nông nghiệp giải cứu hai em bé mắc kẹt giữa sông - Ảnh: Cắt từ clip

Drone, hay thiết bị bay không người lái, vốn khởi nguyên từ lĩnh vực quân sự. Từ đầu thế kỷ 20, các mẫu drone sơ khai đã được phát triển để phục vụ mục đích trinh sát và huấn luyện trong Thế chiến thứ nhất và thứ hai. Tuy nhiên, phải đến cuối thập niên 1990, khi công nghệ vi mạch, định vị GPS và trí tuệ nhân tạo đạt được những bước tiến đột phá, drone mới bắt đầu bước vào kỷ nguyên hiện đại và mở rộng ra ngoài phạm vi quân đội. Từ chiến trường, drone dần bước vào đời sống dân sự với nhiều ứng dụng đa dạng, trở thành một biểu tượng công nghệ mới của thời đại tự động hóa.

Ngày nay, drone đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực thiết yếu: từ nông nghiệp với việc phun thuốc, gieo hạt, khảo sát mùa màng, đến y tế với khả năng vận chuyển vaccine và máu đến vùng sâu vùng xa; từ ngành truyền hình, điện ảnh với góc quay trên cao ấn tượng; đến logistics với dịch vụ giao hàng thông minh, xây dựng với công tác khảo sát địa hình, môi trường với việc theo dõi cháy rừng và biến đổi khí hậu. Đặc biệt trong an ninh và cứu hộ, drone đóng vai trò như "đôi mắt thứ hai" giúp tìm kiếm người bị nạn, giám sát đám đông và hỗ trợ các tình huống khẩn cấp mà con người khó tiếp cận trực tiếp.

Anh Nghĩa với chiếc drone nông nghiệp của mình - Ảnh: Internet

Anh Nghĩa với chiếc drone nông nghiệp của mình - Ảnh: Internet

Sự kiện xảy ra ở xã la Tul không chỉ là một màn “giải cứu” có tính thời sự mà còn là biểu tượng cho một tương lai, nơi công nghệ không chỉ thuộc về các trung tâm nghiên cứu, các thành phố lớn hay các tập đoàn đa quốc gia, mà có thể hiện diện trong tay những người dân bình thường ở vùng xa, vùng sâu, vùng nông nghiệp. Chính họ là những người sẽ quyết định công nghệ được dùng để làm gì và theo cách nào. Ở đây, công nghệ không thay thế con người. Ngược lại, nó tiếp sức, nâng đỡ và cộng hưởng với trực giác nhân văn để tạo ra kỳ tích.

Điều xúc động hơn cả là sự khiêm nhường của anh Nghĩa sau hành động cứu người. “Máy bay có thể mua lại, người không thể sống lại” – câu nói đó gói ghém cả một nhận thức sâu sắc về giá trị con người và tinh thần trách nhiệm xã hội. Khi công nghệ đặt trong tay người tử tế, nó không làm lu mờ phẩm chất con người, mà trở thành một phần nối dài cho lòng dũng cảm, cho sự sáng tạo và cho niềm tin vào khả năng cứu vớt nhau trong hoạn nạn.

Sự kiện này, nếu được nhìn nhận một cách đầy đủ, có thể là điểm mở cho nhiều chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ theo hướng cộng đồng. Các thiết bị bay không người lái, các công nghệ tự động hóa, nếu được phổ biến với hướng dẫn và đào tạo bài bản, sẽ trở thành lực lượng hỗ trợ đắc lực không chỉ trong sản xuất mà còn trong cứu hộ, ứng phó thiên tai, bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh.

Video anh Nghĩa điều khiển drone giải cứu hai em bé:

Sự kiện một nông dân dùng drone cứu người đã diễn ra trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, lấy khoa học công nghệ làm nền tảng, đổi mới sáng tạo làm động lực và chuyển đổi số làm phương thức chủ đạo. Những định hướng lớn như Nghị quyết 52, Nghị quyết 57 của Trung ương đều khẳng định vai trò trung tâm của công nghệ trong quá trình hiện đại hóa đất nước. Và chính trong những hành động giản dị như ở Gia Lai, công nghệ xuất hiện không phải như một điều gì quá xa vời, mà rất gần gũi, thiết thực và đầy nhân nghĩa. Đó là lúc chúng ta thấy rõ rằng, khi con người biết sử dụng công nghệ để gìn giữ sự sống, để giúp nhau vượt qua hiểm nguy, thì mọi bước tiến của thời đại đều trở nên có ý nghĩa.

Câu chuyện của anh Nghĩa giống như một chuyện cổ tích nhỏ giữa đời thường, nơi lòng tốt và sự nhanh trí kết nối cùng công nghệ để làm nên điều kỳ diệu. Trong một thời đại mà máy móc hiện đại đã đi vào từng thửa ruộng, từng mái nhà, thì một hành động giản dị nhưng đầy nhân nghĩa như thế lại khiến cho chúng ta tin hơn rằng công nghệ không làm con người xa cách nhau, mà có thể là nhịp cầu nối giữa sự sống và hy vọng, giữa con người với con người.

Vụ việc xảy ra lúc 11 giờ ngày 3.7, tại xã la Tul, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

Ba em nhỏ bị mắc kẹt giữa dòng nước xiết. Anh Trần Văn Nghĩa (35 tuổi), đang điều khiển drone phun thuốc gần đó, đã cột dây vào drone, kéo từng em vào bờ an toàn.

Chiều 4.7, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã trao bằng khen cho anh Nghĩa vì hành động dũng cảm và sự sáng tạo trong tình huống khẩn cấp.

Tiểu Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/drone-va-cong-nghe-nhan-ban-giua-dong-nuoc-xiet-234553.html