'Mắt thần Cửa Nhượng' và những người không ngại nắng mưa

Dù phải làm việc trong điều kiện khó khăn và xa gia đình nhưng những người canh giữ ngọn hải đăng Cửa Nhượng đã không quản ngại gian khó để giữ cho ngọn 'đèn biển' được sáng mãi giữa biển khơi.

Ngọn hải đăng Cửa Nhượng nằm tọa lạc trên mỏm núi đá ở xã Cẩm Trung (Hà Tĩnh), thuộc tuyến hàng hải ven biển Bắc Trung Bộ. Đèn đặt ở độ cao hơn 40 mét so với mực nước biển, tầm chiếu sáng xa khoảng 19,7 hải lý (tùy theo điều kiện thời tiết) đây là một trong những điểm báo hiệu quan trọng giúp tàu thuyền định hướng, ra vào khu vực cửa biển Cẩm Nhượng – Thiên Cầm an toàn, nhất là vào ban đêm hoặc khi thời tiết xấu.

Ngọn hải đăng Cửa Nhượng nằm tọa lạc trên mỏm núi đá ở xã Cẩm Trung (Hà Tĩnh). Ảnh: Cẩm Kỳ.

Ngọn hải đăng Cửa Nhượng nằm tọa lạc trên mỏm núi đá ở xã Cẩm Trung (Hà Tĩnh). Ảnh: Cẩm Kỳ.

Trạm hải đăng Cửa Nhượng do Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Bắc Trung Bộ (Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc) quản lý. Hiện có 5 cán bộ, kỹ thuật viên thay nhau thực hiện nhiệm vụ trực vận hành và bảo trì hệ thống đèn biển suốt 24/24h.

Cán bộ Trạm hải đăng Cửa Nhượng mỗi người đến từ một vùng quê khác nhau, tuổi tác và hoàn cảnh cũng không giống nhau. Dù khác biệt, nhưng khi đã về trạm, ai cũng xác định gắn bó, cùng nhau chia sẻ khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Trong sinh hoạt và công việc hằng ngày, mọi người luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau như anh em trong một gia đình.

Trạm hải đăng Cửa Nhượng là một trong những điểm chiếu sáng quan trọng phục vụ hàng hải khu vực Bắc Trung Bộ. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Trạm hải đăng Cửa Nhượng là một trong những điểm chiếu sáng quan trọng phục vụ hàng hải khu vực Bắc Trung Bộ. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Theo ông Nguyễn Đăng Sỹ, Trạm trưởng Trạm Hải đằng Cửa Nhượng, do nằm cách xa khu dân cư, đời sống sinh hoạt tại đây chủ yếu khép kín trong khuôn viên trạm. Mỗi ngày, ông và những cán bộ khác phân công nhau trực 24/24 giờ, mỗi ca trực kéo dài 2-4 giờ để luôn đảm bảo cho các thiết bị ở trạm hoạt động thông suốt.

Ông Nguyễn Đăng Sỹ phân công ca trực cho cán bộ trong trạm. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Ông Nguyễn Đăng Sỹ phân công ca trực cho cán bộ trong trạm. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Sau mỗi ca trực, mọi công việc đều được các cán bộ tại trạm ghi chép đầy đủ, cẩn thận và tỉ mỉ vào sổ theo dõi theo đúng quy trình, giúp kiểm soát chặt chẽ hoạt động kỹ thuật và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.

"Tất cả các công việc, dù lớn hay nhỏ, đều được ghi chép cụ thể vào sổ trực và nhật ký vận hành. Thời gian thực hiện, người thực hiện, tình trạng thiết bị, số liệu kỹ thuật… đều được chúng tôi theo dõi tỉ mỉ, không để xảy ra sai sót. Đây là cơ sở quan trọng để đánh giá tình trạng hoạt động của hệ thống, đồng thời kịp thời phát hiện những bất thường, phục vụ xử lý nhanh nếu có sự cố xảy ra", ông Nguyễn Đăng Sỹ nói.

Tất cả các công việc, dù lớn hay nhỏ, đều được ghi chép cụ thể vào sổ trực và nhật ký vận hành. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Tất cả các công việc, dù lớn hay nhỏ, đều được ghi chép cụ thể vào sổ trực và nhật ký vận hành. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Mỗi ngày, các cán bộ trong trạm đều phải trực tiếp leo lên đỉnh tháp đèn cao gần 20 mét để kiểm tra hoạt động của hệ thống chiếu sáng. Việc lên xuống cầu thang sắt quanh co trong điều kiện thời tiết nắng nóng, gió lớn hay mưa phùn kéo dài là công việc diễn ra thường xuyên, đòi hỏi sự kiên trì và cẩn trọng tuyệt đối.

Anh Phạm Bá Sơn, Cán bộ Trạm hải đăng Cửa Nhượng lên đỉnh tháp đèn để kiểm tra hoạt động của hệ thống chiếu sáng. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Anh Phạm Bá Sơn, Cán bộ Trạm hải đăng Cửa Nhượng lên đỉnh tháp đèn để kiểm tra hoạt động của hệ thống chiếu sáng. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Đèn hải đăng bắt đầu chiếu sáng từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, đảm bảo dẫn hướng an toàn cho tàu thuyền trong suốt thời gian hoạt động ban đêm. Ngoài công việc vận hành hệ thống đèn, cán bộ tại trạm còn phải thường xuyên kiểm tra các thiết bị kỹ thuật, vệ sinh bộ phát sáng, thay thế bóng và linh kiện khi cần thiết.

Vào mùa mưa bão, áp lực công việc gia tăng do gió mạnh, độ ẩm cao, dễ ảnh hưởng đến chất lượng ánh sáng và an toàn của thiết bị. Tại đây, các cán bộ Trạm Hải đăng Cửa Nhượng đều ý thức rõ vai trò của mình, bởi chỉ một trục trặc nhỏ cũng có thể gây nguy hiểm cho tàu thuyền hoạt động trên biển.

Anh Phạm Bá Sơn kiểm tra, vệ sinh bóng đèn chiếu sáng trên đỉnh tháp, công việc được thực hiện hằng ngày để đảm bảo đèn vận hành ổn định, dẫn hướng an toàn cho tàu thuyền. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Anh Phạm Bá Sơn kiểm tra, vệ sinh bóng đèn chiếu sáng trên đỉnh tháp, công việc được thực hiện hằng ngày để đảm bảo đèn vận hành ổn định, dẫn hướng an toàn cho tàu thuyền. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Do trạm không có điện lưới quốc gia, nguồn điện từ máy phát đóng vai trò duy nhất và quan trọng tuyệt đối trong việc đảm bảo đèn biển hoạt động liên tục, đặc biệt là vào ban đêm và trong điều kiện thời tiết xấu.

"Việc vận hành, theo dõi và bảo dưỡng máy phát điện được thực hiện hàng ngày theo đúng quy trình kỹ thuật của ngành bảo đảm an toàn hàng hải. Mỗi ngày, chúng tôi đều tiến hành kiểm tra tình trạng máy móc trước khi vận hành, bao gồm: mức dầu, lượng nhiên liệu, độ ồn, điện áp đầu ra, hệ thống làm mát và dây dẫn. Khi máy hoạt động, người trực theo dõi thường xuyên để phát hiện sớm các biểu hiện bất thường, đảm bảo dòng điện ổn định và an toàn", anh Phạm Bá Sơn cho biết.

Cán bộ Trạm hải đăng Cửa Nhượng kiểm tra tủ điện, bảo dưỡng máy phát và hệ thống ắc quy, các thiết bị quan trọng đảm bảo đèn biển hoạt động ổn định trong điều kiện không có điện lưới. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Cán bộ Trạm hải đăng Cửa Nhượng kiểm tra tủ điện, bảo dưỡng máy phát và hệ thống ắc quy, các thiết bị quan trọng đảm bảo đèn biển hoạt động ổn định trong điều kiện không có điện lưới. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Tại Trạm hải đăng Cửa Nhượng, bên cạnh nhiệm vụ vận hành, kiểm tra hệ thống đèn chiếu sáng và thiết bị báo hiệu hàng hải, các cán bộ trực trạm còn đảm nhiệm công tác theo dõi và vận hành thiết bị thông tin vô tuyến VHF (thiết bị thông tin liên lạc thông dụng hoạt động trên dải tần số rất cao).

Thiết bị này cho phép trạm liên lạc hai chiều với tàu thuyền hoạt động trong khu vực, tiếp nhận thông tin cảnh báo thời tiết, luồng lạch, cũng như hỗ trợ thông báo khi có tình huống khẩn cấp xảy ra trên biển. Hàng ngày, cán bộ tại trạm phân công nhau thay phiên trực VHF theo từng ca, đảm bảo luôn có người thường trực để tiếp nhận và xử lý thông tin kịp thời.

Ông Nguyễn Đăng Sỹ, thực hiện phiên liên lạc bằng thiết bị vô tuyến VHF. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Ông Nguyễn Đăng Sỹ, thực hiện phiên liên lạc bằng thiết bị vô tuyến VHF. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Việc liên lạc bằng thiết bị vô tuyến VHF được duy trì hàng ngày nhằm đảm bảo kết nối thông tin, hỗ trợ tàu thuyền hoạt động trên biển. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Việc liên lạc bằng thiết bị vô tuyến VHF được duy trì hàng ngày nhằm đảm bảo kết nối thông tin, hỗ trợ tàu thuyền hoạt động trên biển. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Cuộc sống xa nhà, nhiều thiếu thốn từ điện, nước, thực phẩm… đặt ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt thường nhật. Nhưng chính trong điều kiện đó, tinh thần đoàn kết, chia sẻ lại trở thành điểm tựa quan trọng để những cán bộ nơi đây gắn bó với nhau như anh em một nhà. Mỗi người một việc, người nấu ăn, người kiểm tra máy phát, người ghi chép nhật ký vận hành, người lên tháp đèn kiểm tra bóng và kính lăng kính... tất cả đều phối hợp nhịp nhàng, chủ động, trách nhiệm.

Niềm vui lớn nhất của họ là khi ngọn đèn biển vận hành ổn định, tàu thuyền qua lại an toàn, ngư dân yên tâm bám biển, đánh bắt đúng tuyến.

Anh Lê Sĩ Mười chăm sóc vườn rau quanh khuôn viên trạm. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Anh Lê Sĩ Mười chăm sóc vườn rau quanh khuôn viên trạm. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Để chủ động trong sinh hoạt hằng ngày, các cán bộ tại trạm đã tận dụng khuôn viên đất trống để trồng một số loại rau xanh như rau cải, rau muống, mồng tơi… phục vụ bữa ăn. Việc tự trồng rau không chỉ góp phần cải thiện bữa ăn, đảm bảo dinh dưỡng, mà còn thể hiện tinh thần tự lực, tiết kiệm và chủ động khắc phục khó khăn của cán bộ làm nhiệm vụ tại trạm.

“Rau tự trồng tuy không nhiều nhưng ăn thấy vui, vừa sạch sẽ, đủ chất, vừa là công sức chung của anh em. Cùng làm, cùng chăm, rồi cùng ăn cũng là cách để gắn bó, san sẻ với nhau trong điều kiện xa nhà”, anh Lê Sĩ Mười, cán bộ Trạm Hải đăng Cửa Nhượng cười nói.

Tàu thuyền an toàn neo đậu nhờ ánh sáng dẫn lối từ hải đăng Cửa Nhượng. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Tàu thuyền an toàn neo đậu nhờ ánh sáng dẫn lối từ hải đăng Cửa Nhượng. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Ông Nguyễn Đăng Sỹ chia sẻ thêm, bên cạnh việc được đầu tư trang thiết bị, cải thiện điều kiện làm việc, lãnh đạo công ty và ngành cũng thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ trực trạm. Mỗi năm, vào các dịp lễ, Tết hoặc trong mùa mưa bão, lãnh đạo Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Bắc Trung Bộ đều tổ chức các đợt kiểm tra công tác chuyên môn kết hợp thăm hỏi, lắng nghe tâm tư, đề xuất của người lao động nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo an toàn trong thực hiện nhiệm vụ.

"Việc quan tâm, động viên kịp thời từ cấp trên không chỉ giúp chúng tôi yên tâm công tác, mà còn thể hiện sự ghi nhận những đóng góp âm thầm, liên tục của lực lượng vận hành đèn biển, những người giữ an toàn thầm lặng cho tuyến hàng hải quốc gia", ông Nguyễn Đăng Sỹ nói.

Ngư dân an tâm trở về sau mỗi chuyến vươn khơi, bởi họ biết ở nơi đầu sóng luôn có ánh đèn dẫn lối và những người âm thầm canh giữ. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Ngư dân an tâm trở về sau mỗi chuyến vươn khơi, bởi họ biết ở nơi đầu sóng luôn có ánh đèn dẫn lối và những người âm thầm canh giữ. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Cẩm Kỳ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mat-than-cua-nhuong-va-nhung-nguoi-khong-ngai-nang-mua-10309645.html