ĐT Đức và những 'con ma mút to đùng' cần được giải quyết
Bóng đá Đức đã có những thời điểm 'chạm đáy nỗi đau', nhưng chưa bao giờ, 'Cỗ xe tăng' lại rệu rã tới như thế. Vậy, người Đức, đặc biệt là tân HLV của đội tuyển này, dù là ai đi nữa, phải đối mặt với những thử thách gì nếu tiếp quản 'chiếc ghế nóng' từ Hansi Flick?
Sự tệ hại của người Đức qua những con số
Có một câu nói đùa vẫn được cộng đồng mạng thế giới truyền miệng, đó là mọi sự vật, mọi hiện tượng trên đời, cứ hỏi người Đức, họ sẽ tìm kiếm ra cho bạn một từ phù hợp với cái sự vật, hiện tượng đó.
Vậy, người Đức sẽ phải dùng từ gì để mô tả cái mớ hỗn độn mang tên đội tuyển Đức hiện tại? Câu trả lời đó là Mammutaufgabe, “vấn đề to đùng”, hay “vấn đề ma mút”, một từ được Phillip Ertl - nhà báo và chuyên gia phân tích bóng đá người Áo, đất nước có nền văn hóa và ngôn ngữ tương đồng với người Đức, dùng để đặt cho đầu đề của bài viết, về đội tuyển Đức do anh chắp bút.
Trong bài viết của mình, Phillips Ertl đã nêu ra những con số có thể khiến người hâm mộ bóng đá Đức phải đau thắt tâm can: ĐT Đức đã bị loại ngay từ vòng bảng ở hai kỳ World Cup gần nhất, đó là kỳ World Cup 2018 trên đất Nga và kỳ World Cup 2022 trên đất Đức, một thành tích quá sức tệ hại với một đội bóng đã vượt qua vòng bảng ở 16 kỳ World Cup trước đó.
Một thống kê đáng buồn không kém, đó là trong 12 trận ở các đấu trường hàng đầu, dù là Euro hay World Cup, Die Mannschaft không giữ sạch lưới một trận nào. Đây cũng là chuỗi không giữ sạch lưới dài nhất trong lịch sử Đại bàng Sông Rhine.
Ở kỳ Euro 2020, một kỳ Euro đặc biệt khi diễn ra vào năm lẻ, hậu quả của đại dịch COVID-19 hoành hành Châu Âu một năm trước, đội tuyển Đức khác hẳn với hình ảnh “hủy diệt” của họ trước đây, đã phải nhờ tới 6 phút bù giờ ở lượt trận cuối vòng bảng gặp Hungary để vượt qua vòng bảng. Thế nhưng, họ lại dừng bước trước Tam sư ở vòng 16 đội. Theo thống kê của Ertl, Die Mannschaft chỉ dẫn trước ở 14% thời lượng giải đấu và phải rơi vào thế bám đuổi tỷ số ở 48% thời lượng trận đấu, một thành tích “giúp” họ sánh ngang với những cái tên như... Bắc Macedona, Ba Lan hay Thổ Nhĩ Kỳ. Việc để thua đội tuyển Anh cũng khiến đội tuyển Đức phải rời khỏi Euro sớm nhất trong vòng 17 năm trở lại đây tính từ kỳ Euro 2004 trên đất Bồ Đào Nha.
Thành tích của người Đức ở Euro đã tệ, sang đến kỳ World Cup trên đất Qatar, mọi thứ còn tệ hơn nữa với Die Mannschaft. Họ dừng bước ở vòng bảng với chỉ một trận thắng, cùng với đó là một trận hòa và một trận thua. Gary Lineker, một người luôn đánh giá cao Đại bàng Sông Rhine, thậm chí, phải đổi lại câu nói nổi tiếng của mình sau khi chứng kiến màn trình diễn tệ hại của ĐT Đức ở vòng bảng World Cup: "Bóng đá là trò chơi của 22 người, và người Đức luôn giành chiến thắng... nếu họ vượt qua vòng bảng".
Trước khi vòng chung kết Euro 2024, kỳ Euro mà ĐT Đức sẽ là chủ nhà, khởi tranh, NHM Đức cũng như những người làm bóng đá Đức, luôn muốn đội tuyển quốc gia của họ giành được một danh hiệu lớn trên sân nhà, điều mà bóng đá Đức chưa bao giờ làm được kể từ sau kỳ World Cup 1974. Kể cả ở kỳ World Cup được cho là thành công nhất trên sân nhà của ĐT Đức - World Cup 2006, đội tuyển Đức cũng chỉ kết thúc ở vị trí thứ 3 chung cuộc sau khi để thua người Italia ở bán kết.
Quyết tâm đó đã được thể hiện bằng việc bổ nhiệm Hansi Flick, người cho tới nay vẫn là “ông kẹ” của CĐV Barcelona sau khi Blaugrana bị “nghiền nát” ở vòng tứ kết Champions League mùa giải 2019-2020. Thế nhưng, những gì mà ông thầy cũ của Bayern Munich này làm được chỉ là kỳ World Cup đáng xấu hổ trên đất Qatar, và gần đây nhất là trận thua tan nát trước người Nhật ở loạt trận giao hữu “FIFA Days” - trận thua đã chứng kiến những kỷ lục buồn của bóng đá Đức: bị nhận nhiều cú sút trúng đích nhất, tổng cộng là 11 cú sút, có tỷ lệ bàn thắng kỳ vọng thấp thứ hai dưới thời Hansi Flick, 0,69 bàn, chỉ sau trận thua 2-0 trước Colombia hồi tháng 6 năm nay, trận đấu chứng kiến người Đức đạt tỷ lệ bàn thắng kỳ vọng là 0,23 bàn.
Những "con voi ma mút" mà HLV tương lai của ĐT Đức phải đối mặt
Đội tuyển Đức tệ như thế nào, các con số trong bài viết của Phillip Eartl đã phần nào cho chúng ta thấy. Câu hỏi lúc này dành cho HLV tương lai của đội tuyển Đức, đó là làm thế nào để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng ở đội tuyển Đức, hay theo định nghĩa vui của Phillip Eartl, “những con voi ma mút” mà đội tuyển Đức đang đối mặt?.
Đầu tiên, đó là tìm ra một sự kế thừa đúng nghĩa cho đội tuyển Đức. Có một điều khá kỳ lạ ở đội tuyển Đức, đó là dù cho nền bóng đá này luôn sản sinh ra rất nhiều cầu thủ danh tiếng cho bóng đá Châu Âu, nhưng ở đội tuyển quốc gia Đức, cựu HLV Hansi Flick lại không thể tìm ra một đội hình 11 người ổn định nào cho Die Mannschaft, đó cũng là lý do vì sao mà chỉ có Joshua Kimmich là thi đấu ổn định ở đội tuyển Đức.
Một thống kê đáng chú ý khác của Flick, đó là ông đã sử dụng tới 25 đội hình khác nhau trong 25 trận dẫn dắt đội tuyển Đức, một minh chứng cho thấy đến Flick cũng không thể giải quyết được “cuộc khủng hoảng thừa số lượng nhưng thiếu chất lượng” của Die Mannschaft, một cuộc khủng hoảng đã khiến Hansi Flick, thay vì nói về màn trình diễn của đội nhà, thì lại đi ca ngợi màn trình diễn của đối phương, một điều rất hiếm khi thấy ở các HLV đội tuyển Đức, một nền bóng đá luôn tự hào về bản thân.
Tiếp theo, đó là cải thiện sự vô duyên đến khó hiểu của hàng tiền đạo. Có thể thấy rõ sự “vô duyên” này của ĐT Đức qua thống kê đáng buồn sau đây: Trong 5 trận đấu do Flick dẫn dắt sau World Cup 2022, đội tuyển Đức chỉ ghi được 8 bàn từ tỷ lệ bàn thắng kỳ vọng là 11,83 bàn. Thêm vào đó, đoàn quân của cựu HLV Bayern Munich chỉ ghi được 7 bàn từ tình huống cố định không phải penalty, và chỉ có 4 bàn trong số đó là tới từ 165 pha phạt góc được họ thực hiện trong quãng thời gian kể trên, tức là trung bình, họ phải đợi tới 41 pha phạt góc mới có được một bàn thắng. Lần cuối cùng đội tuyển Đức ghi được một bàn thắng cố định không phải penalty đó là ở trận thắng 2-0 trước Israel trong loạt trận giao hữu diễn ra hồi tháng 3 năm 2022, tức, đã 18 trận trôi qua họ không ghi được những bàn thắng như thế.
Cuối cùng, đó là vấn đề ở hàng thủ, một điều đã được HLV tạm quyền Rudi Voller chỉ ra trước trận đấu giao hữu gặp đội tuyển Pháp. Ngay sau đó, đội tuyển Đức đã có được những sự cải thiện rất lớn ở khu vực này. Cụ thể, theo thống kê của Opta, ngoài cú sút phạt của Antoine Griezmann ở những phút cuối trận, ĐT Pháp chỉ đạt được tỷ lệ bàn thắng kỳ vọng là 0,38, thấp nhất trong số 52 trận gần đây của đội tuyển Pháp tính từ trận đấu gặp Thổ Nhĩ Kỳ ở vòng loại Euro 2020 diễn ra vào tháng 6 năm 2019, trận đấu chứng kiến Les Bleus chỉ đạt được tỷ lệ bàn thắng kỳ vọng là 0,24 bàn.
Như đã nói ở trên, dù có là ai đi nữa, chắc chắn, HLV mới của đội tuyển Đức sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề to lớn, đặc biệt là về mặt chiến thuật cũng như nhân sự, những vấn đề mà vị HLV này cần phải giải quyết nhanh gọn trước khi kỳ Euro 2024 khởi tranh, kỳ Euro sẽ diễn ra trên đất Đức vào tháng 6 năm sau.
KDNX
Nguồn hình ảnh và tư liệu: The Analyst, Internet...